(vhds.baothanhhoa.vn) - Trở lại ba thôn Kịt, Cao Hoong, Pốn Thành Công, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước chúng tôi nhận thấy một sự đổi thay thấy rõ. Điện đã bừng sáng từ con đường vào các thôn đến những ngôi nhà sàn mái lá. Có điện, có đường, cuộc sống của 300 hộ dân các bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông này rồi sẽ khác.

Chờ đổi thay ở những bản vùng khó

Trở lại ba thôn Kịt, Cao Hoong, Pốn Thành Công, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước chúng tôi nhận thấy một sự đổi thay thấy rõ. Điện đã bừng sáng từ con đường vào các thôn đến những ngôi nhà sàn mái lá. Có điện, có đường, cuộc sống của 300 hộ dân các bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông này rồi sẽ khác.

Chờ đổi thay ở những bản vùng khóĐiện sáng về thôn Kịt.

Tiếng biên tập viên của chương trình thời sự 19 giờ phát ra từ chiếc tivi của nhà ông Ngân Văn Hoan, ở thôn Cao Hoong trong sự chăm chú của tất cả các thành viên gia đình. Ông Hoan vẫn còn nhớ như in ngày 30-11-2022, bà con trong bản được đóng điện. Điện về thôn, con gái ông được học trong ánh đèn điện chiếu sáng, ngày nắng nóng gia đình có quạt để dùng... Đó là điều khiến ông vô cùng hạnh phúc.

Trong căn nhà của anh Hà Văn Thao, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kịt, bà con đang cùng xem bóng đá. Niềm vui thể hiện trên khuôn mặt của từng người, bởi sau bao năm chờ đợi, bà con cũng đã được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Có điện, nhiều gia đình trong thôn mạnh dạn sắm máy xay xát, mua tủ lạnh, ti vi, đầu tư góc học tập mới cho con em mình. Anh Hà Văn Thao nhớ về ngày đầu tiên điện lưới quốc gia về thôn: "Hôm đấy bà con vui lắm! Cả thôn mổ lợn ăn mừng, tổ chức văn nghệ đến tận khuya”.

Thầy giáo Ngân Văn Thoa, Trưởng khu Kịt Trường Tiểu học Lũng Cao nở nụ cười hạnh phúc khi điện lưới quốc gia được kéo đến điểm trường. Khu Kịt hiện có 2 lớp ghép 4 trình độ (lớp 1 và lớp 2; lớp 4 và lớp 5) với tổng số gần 20 học sinh. Kể từ khi có điện, việc học tập, sinh hoạt của thầy và trò nơi đây đã trở nên thuận lợi hơn nhiều. Vào những ngày sương mù bao phủ, thầy, trò không còn phải căng mắt luyện chữ, đọc bài. Nóng nực có điện bật quạt để dùng. “Mùa đông năm nay các con không còn phải mở cửa lấy ánh sáng học bài như những năm trước. Từ khi có điện lưới quốc gia điều kiện học tập của các em được cải thiện nhiều, chất lượng giáo dục của điểm trường sẽ được nâng lên”, thầy Thoa cho biết.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bên cạnh niềm vui khi bản nghèo có điện, có đường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kịt Hà Văn Thao vẫn còn những trăn trở về đất sản xuất của bà con. Bởi, lâu nay để khuyến khích bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xã đã ưu tiên áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các Chương trình 134, 135, 30a về con giống, cây giống, vay vốn đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp... Tuy nhiên, những chương trình, chính sách chỉ theo giai đoạn, trong khi nhu cầu đất sản xuất của bà con thì rất lớn. "Nếu được các cấp, các ngành tạo điều kiện chuyển đổi một phần đất khu bảo tồn sang cho bà con sản xuất thì tôi tin với bản tính cần cù của bà con, đời sống sẽ sớm được nâng lên”, ông Thao chia sẻ.

Ông Hà Văn Luyện, công chức địa chính - xây dựng xã Lũng Cao cho biết: Trên thực tế cùng với kiến nghị của bà con Nhân dân 3 thôn, mới đây UBND xã phối hợp với ngành chức năng của huyện đã tiến hành rà soát đưa vào quy hoạch mới. Theo đó, đang đề nghị chuyển từ đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông sang rừng sản xuất và đất khác.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Tuấn cho rằng: “Ba thôn Pốn Thành Công, Kịt, Cao Hoong đang dần có sự khởi sắc nhờ có điện lưới quốc gia, có đường kết nối ra trung tâm xã. Hiện giờ cái thiếu của bà con là đất sản xuất. Việc UBND xã kiến nghị chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang rừng sản xuất và đất khác dựa trên cơ sở thực tế bà con đang thiếu đất canh tác. Tôi tin rằng, nếu được giải quyết thì vấn đề giảm nghèo, xây dựng thôn văn hóa, thôn nông thôn mới sẽ sớm trở thành hiện thực”.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]