(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo dự báo thời tiết, vụ đông xuân 2021-2022 sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 1 và tháng 2-2022, khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế dự báo có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1độ C, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra có khả năng kéo dài từ 5 - 7 ngày, nguy cơ cao tác động mạnh đến sức khỏe và hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Theo dự báo thời tiết, vụ đông xuân 2021-2022 sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 1 và tháng 2-2022, khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế dự báo có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1độ C, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra có khả năng kéo dài từ 5 - 7 ngày, nguy cơ cao tác động mạnh đến sức khỏe và hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Hộ chăn nuôi xã Cẩm Thành (Cẩm Thuỷ) chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho diện tích cây trồng và đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Đối với cây trồng, nhất là loại cây ưa ấm, cây trồng trái vụ và các loại hoa, tại nhiều nơi, bà con nông dân cũng đã thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, như che bạt, phủ nilon đối với diện tích mới được gieo trồng, thắp bóng điện sưởi ấm đối với diện tích trồng hoa. Không bón các loại phân vô cơ, như Kali, đạm khi nhiệt độ xuống thấp, thực hiện phủ rơm, rạ, trấu giữ ấm đối với diện tích rau màu vừa gieo.

Đối với vật nuôi, người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm cung cấp thức ăn tại chuồng không để trâu, bò bị đói, khát. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi bảo đảm giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Tăng cường chế độ chăm sóc bổ sung muối, khoáng và vitamin để nâng cao sức đề kháng dịch bệnh và sức chống chịu với giá rét; tập trung lực lượng xuống các thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vào những ngày giá rét không chăn thả và không bắt gia súc làm việc sớm, về muộn; nhất là những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C không đưa trâu, bò chăn thả hoặc đi làm, cần nuôi nhốt tại chuồng.

Thực tế cho thấy, mùa đông năm nào ngành chăn nuôi cũng chịu tổn thất, nhất là với đàn trâu, bò. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, tránh những thiệt hại đáng tiếc, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa Lê Sỹ Thành, khuyến cáo: Trong mùa đông, hộ chăn nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô, xanh; đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò có ít nhất 1 cây rơm. Ngoài ra, quan tâm bổ sung thức ăn tinh, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi trong những ngày giá rét. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà cần nuôi nhốt tại chuồng.

Ngoài chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, nhất là tại khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ đàn vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, nhất là đàn trâu, bò nuôi thả rông. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất cũng như diễn biến thời tiết để có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Mai Vy


Mai Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]