(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, đường giao thông, điện sáng về đến các hộ gia đình và những vạt rừng xanh ngút ngàn..., đó là diện mạo của khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát) hôm nay.

Cuộc sống mới của người Khơ Mú khu phố Đoàn Kết

Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, đường giao thông, điện sáng về đến các hộ gia đình và những vạt rừng xanh ngút ngàn..., đó là diện mạo của khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát) hôm nay.

Cuộc sống mới của người Khơ Mú khu phố Đoàn KếtĐường ở khu phố Đoàn Kết đã được bê tông hóa.

Được sự giới thiệu của cán bộ UBND thị trấn Mường Lát, chúng tôi tìm tới nhà ông Lương Xuân Ban, người cao tuổi của phố Đoàn Kết. Trong căn nhà khang trang, ông Ban kể cho chúng tôi nghe những khó khăn, vất vả của những ngày đầu bà con đi khai hoang, lập bản. Trước đây, gia đình ông và nhiều hộ gia đình lên đầu nguồn con suối Keng để lập bản, lập nghiệp (gọi là bản Na Pang, thuộc xã Tén Tằn trước đây). Khi ấy giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, tập quán canh tác còn lạc hậu, một bộ phận người dân chông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, cái đói nghèo luôn bủa vây cuộc sống của nhiều hộ dân bản Na Pang. Năm 1994, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, bà con đã được chuyển xuống nơi ở mới và lấy tên bản là Đoàn Kết (nay là khu phố Đoàn Kết).

Khu phố Đoàn Kết hiện có 169 hộ gia đình, với 753 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Với đức tính cần cù trong lao động, cộng với kiến thức học hỏi qua thông tin đại chúng và tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên, nhiều hộ dân ở khu phố đã có cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như gia đình ông Cút Văn Thu, nhờ trồng rừng, chăn nuôi trâu, lợn sinh sản mà có thu nhập ổn định khoảng 130 triệu đồng/năm. Ông Thu cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng có hoàn cảnh khó khăn do quanh năm chỉ trồng ngô, trồng lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình tôi đưa giống lúa, ngô có năng suất cao vào sản xuất, chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có thu nhập ổn định, gia đình có điều kiện tham gia đóng góp xây khu phố ngày càng phát triển”.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà con khu phố Đoàn Kết đã thể hiện vai trò là chủ thể, sẵn sàng đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở rộng đường giao thông. Cụ thể, bà con trong khu phố đã tự nguyện hiến đất để mở rộng 2km đường giao thông; di dời chuồng gia súc, gia cầm cách xa nhà ở; tích cực xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa.

Cuộc sống mới của người Khơ Mú khu phố Đoàn KếtTrồng, bảo vệ rừng và chăn nuôi gia súc đã góp phần quan trọng nâng cao mức sống của đồng bào Khơ Mú.

Ông Cút Văn Dân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Đoàn Kết, cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” diện mạo khu phố Đoàn Kết có nhiều đổi thay rõ nét. Nhân dân khu phố cơ bản có phương tiện nghe, nhìn; 90% có phương tiện xe máy; các công trình phục vụ đời sống dân sinh đã và đang phát huy hiệu quả. Trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được đến trường; các bậc học khác, tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng cơ bản được khắc phục; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy… Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, còn có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Đoàn Kết. Chi bộ đã động viên người dân phát huy ý thức tự lực, nêu cao vai trò trách nhiệm trước cộng đồng. Các đảng viên trong chi bộ được giao nhiệm vụ cụ thể và luôn phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Các tổ chức hội, đoàn thể đã phối hợp với ban công tác mặt trận, tổ hòa giải, tổ an ninh, tổ tự quản, tổ dân vận, động viên Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách, như: bảo vệ môi trường, quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Do vậy, vướng mắc nào phát sinh đều được tập trung tháo gỡ ngay tại khu phố, tình làng nghĩa xóm được thêm gắn kết, phát huy.

“Sau gần 30 năm về vùng đất mới sinh sống và lập nghiệp, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở khu phố Đoàn Kết đã có cuộc sống đổi thay rõ nét, từ vật chất đến tinh thần đều được nâng cao rõ rệt. Phát huy những kết quả này, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thị trấn Mường Lát tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo khu phố Đoàn Kết đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận hơn nữa với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”, ông Hà Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Lát chia sẻ.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]