(vhds.baothanhhoa.vn) - Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng sự đoàn kết là cội nguồn của mọi sức mạnh. Từ thịnh - suy, hưng - vong của mỗi vương triều, đến những thắng lợi vĩ đại trong chống giặc ngoại xâm của cha ông, để có ngày hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết.

Đại đoàn kết toàn dân: Cội nguồn sức mạnh dân tộc

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng sự đoàn kết là cội nguồn của mọi sức mạnh. Từ thịnh - suy, hưng - vong của mỗi vương triều, đến những thắng lợi vĩ đại trong chống giặc ngoại xâm của cha ông, để có ngày hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết.

Đại đoàn kết toàn dân: Cội nguồn sức mạnh dân tộcĐồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với người dân bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Là người Việt, từ thuở nằm nôi đã thấm đẫm câu chuyện mẹ kể về nguồn cội con Rồng, cháu Tiên, rằng các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thân thương là người một nhà. Trưởng thành rồi, ta càng hiểu hơn ý nghĩa hai chữ “đồng bào”. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ khi các vua Hùng dựng nước và tiếp nối những triều đại giữ nước - mở mang bờ cõi. Ở đâu có sự đoàn kết sức mạnh toàn dân, ở đó có chiến thắng, thành công và ngược lại.

Trên vùng đất xứ Thanh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh là hai trong nhiều điểm đến tham quan hấp dẫn. Không chỉ độc đáo về kiến trúc, phía sau mỗi di sản còn là câu chuyện đoàn kết - được lòng dân ủng hộ.

Hơn 600 năm trước, vương triều Trần suy vong, Hồ Quý Ly với tài năng xuất chúng đã gánh trách nhiệm. Ông khát vọng cải cách để làm cho quốc gia Đại Việt hùng cường trở lại. Vậy nhưng, trước sự xâm lăng của nhà Minh, chính con trai Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã từng khẳng khái: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đáng tiếc, vì không được lòng dân ủng hộ, quốc gia Đại Ngu (quốc hiệu nước ta dưới thời Hồ) chỉ tồn tại ngắn ngủi, khiến anh hùng cũng phải ôm mối hận ngàn năm.

Nhà Hồ diệt vong trước gót giày xâm lăng của giặc Minh phương Bắc, quốc gia Đại Việt sau nghìn năm Bắc thuộc lại chịu nỗi đau mất nước, người dân khổ cực, lầm than với thân phận nô lệ. Lúc bấy giờ, cũng ở xứ Thanh, nơi núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi nổi lên như ngôi sao sáng. Với tâm và tầm hơn người, ông thu phục hào kiệt muôn phương cùng tìm về đất Lam Sơn tụ nghĩa, bàn kế sách đánh giặc. Cuối cùng, sau những năm tháng “nếm mật nằm gai”, dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, tướng sĩ trên dưới một lòng và Nhân dân muôn phương ủng hộ, khởi nghĩa Lam Sơn đã đi đến thắng lợi, quét sạch bóng giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Cũng từ đây, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

Nhắc đến Bình Định Vương Lê Lợi, hậu thế đâu chỉ nhớ đến người sáng lập vương triều Hậu Lê. Đó còn là người anh hùng đã hiệu triệu lòng người, tạo nên sức mạnh đoàn kết, giải phóng dân tộc.

Khai quốc công thần Nguyễn Trãi, trong bài thơ Quan Hải đã viết: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (được hiểu là có lật thuyền mới biết dân như nước). Chở thuyền cũng là nước, lật thuyền cũng bởi nước. Hồ Quý Ly mất nước cũng do lòng dân không theo, còn Bình Định Vương Lê Lợi làm nên cơ nghiệp lớn, ngoài tài năng, chẳng phải cũng nhờ có lòng dân ủng hộ! Bao đời nay vẫn thế, gốc rễ của mọi sự thành - bại suy cho cùng vẫn là hai chữ “lòng dân”. Khẳng định vai trò quan trọng của Nhân dân, người Việt mấy ai không biết đến câu cao dao: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã đánh một mốc son sáng chói trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược. Với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Vì thế, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi như tiếng vọng về từ quá khứ cha ông, hiệu triệu sức mạnh đoàn kết toàn dân: “… Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, dân tộc Việt Nam đã đi qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc gian lao, nhiều hy sinh, mất mát với thấm đẫm máu đào xuống đất mẹ để giành độc lập cho dân tộc. Trong những ngày tháng ấy, người ta sống, chiến đấu và “quên” đi cái tôi, tất cả vì cái “ta”. Cũng bởi tâm thế ấy, mà hàng triệu người Việt đã sẵn sàng theo tiếng gọi non sông, hiến dâng mình cho Tổ quốc, tạo nên sức mạnh đoàn kết để đánh bại mọi âm mưu, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước. Để từ đây non sông gấm vóc của tiên tổ lại nối liền một dải.

Nếu trong chiến tranh, tinh thần đoàn kết được Nhân dân Việt Nam thể hiện bằng việc sẵn sàng hiến dâng thân mình cho Tổ quốc, thì trong hòa bình, truyền thống đoàn kết vẫn được duy trì, phát huy với những cách khác nhau. Hơn hai năm đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, là từng ấy thời gian người Việt cùng nhau tương hỗ “lá lành đùm lá rách” để vượt qua khó khăn. Nhớ lại hình ảnh những đoàn thiện nguyện, những chuyến xe nghĩa tình, những suất ăn, gói quà được người dân quyên góp, ủng hộ nhau trong đại dịch COVID-19 thấy thấm đẫm tinh thần đoàn kết, nhân văn đến nhường nào. Có thể ví, sức mạnh đoàn kết như ngọn lửa hồng không bao giờ tắt, khi cần phải huy động sức mạnh toàn dân thì ngọn lửa ấy bùng sáng, để cả dân tộc cùng nắm tay nhau bước đi, vượt qua mọi giông bão.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Muốn có thành công nhất định phải đoàn kết. Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn cùng nhau chung sức - đồng lòng trong mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Thanh Hóa hôm nay, đang từng ngày phát triển, đổi thay. Ông Phạm Đăng Lực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vai trò đại đoàn kết toàn dân. Phát huy những bài học kinh nghiệm và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ các cấp đã tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng hoạt động ngoại giao Nhân dân; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chú trọng vận động các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, không phân biệt tôn giáo cùng nhau chung sức, đồng lòng quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” và trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ từng căn dặn”.

Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]