(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động vui chơi, giải trí bị hạn chế, Bảo tàng tỉnh đã triển khai ứng dụng nền tảng công nghệ, hướng đến chuyển đổi số, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Đưa hiện vật lịch sử đến gần hơn với công chúng

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động vui chơi, giải trí bị hạn chế, Bảo tàng tỉnh đã triển khai ứng dụng nền tảng công nghệ, hướng đến chuyển đổi số, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Đưa hiện vật lịch sử đến gần hơn với công chúngBà Lê Thùy Dung, Phó trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng tỉnh trong một buổi giáo dục online

Bảo tàng tỉnh hiện quản lý 33.896 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh và quốc gia. Không gian trưng bày gồm hệ thống các phòng trưng bày trong nhà và khu vực trưng bày ngoài trời. Trong đó, có 4 phòng trưng bày theo tiến trình lịch sử từ thời tiền sử đến năm 1975, phòng trưng bày chuyên đề (gồm 2 phòng trưng bày đặc trưng văn hóa dân tộc Mường và Thái), phòng trưng bày trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa, phòng trưng bày đời sống thời bao cấp của Nhân dân Thanh Hóa, phòng trưng bày cổ vật tiêu biểu của bảo tàng. Trong đó, hiện vật gốc là 29.412, hiện vật kiểm kê tạm thời là 4.484. Không gian trưng bày không chỉ đưa di sản văn hóa đến với công chúng mà còn góp phần phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa đang được bảo tàng lưu giữ, bảo quản.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người đến tham quan bảo tàng giảm mạnh, mặt khác nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa cũng thay đổi. Do vậy, Bảo tàng tỉnh đã có những đổi mới trong hoạt động, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, xem đây là giải pháp bền vững để quản lý và đưa di sản đến gần hơn với công chúng. “Nếu như trước đây, việc quản lý, theo dõi hiện vật chỉ sử dụng hình thức viết tay lý lịch hiện vật... Đến nay, toàn bộ thông tin, tài liệu về hiện vật tại Bảo tàng tỉnh đã được cập nhật vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc quản lý hiện vật trong bảo tàng được khoa học và chính xác hơn”, bà Lê Thùy Dung, Phó trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng tỉnh, cho biết.

Nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận cho du khách trên các nền tảng công nghệ, trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã tăng cường đăng tải hình ảnh, sản xuất các video clip ngắn tái hiện các câu chuyện về văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, các di tích lịch sử, giới thiệu hiện vật trưng bày tại bảo tàng, có thuyết minh sinh động, gần gũi trên các trang fanpage, website của bảo tàng, các nền tảng mạng xã hội, thu hút trên 300 nghìn lượt truy cập.

Cũng trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh bắt đầu triển khai hoạt động giáo dục online. Hoạt động này hướng đến nhóm gia đình có học sinh phải nghỉ ở nhà do dịch bệnh, hoặc gia đình có nhu cầu tham quan các hiện vật nhưng không thể đến trực tiếp. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, học sinh sẽ được nhân viên bảo tàng giới thiệu về nhân vật lịch sử, hiện vật tiêu biểu, đi kèm là những hình ảnh cụ thể, clip ngắn để cho các em dễ hình dung và nắm bắt nội dung. Không những thế, hướng dẫn viên còn giới thiệu về những hiện vật có liên quan đang được lưu giữ tại bảo tàng. Phó Trưởng phòng Trưng bày Lê Thùy Dung cũng là hướng dẫn viên trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục online, cho biết: “Chúng tôi cố gắng mang đến cho các em những trải nghiệm tốt nhất trong mỗi buổi giáo dục online này. Ngoài phần kiến thức, chúng tôi còn lồng ghép các câu hỏi, trò chơi, tăng tính tương tác với các em. Thông qua hoạt động giáo dục này, chúng tôi mong muốn nắm bắt tâm lý, nhu cầu của học sinh về các hiện vật lịch sử, qua đó xây dựng bài thuyết trình phù hợp với lứa tuổi, nhất là tăng tính tương tác”.

Em Cao Văn Cường, học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa), đã từng tham gia buổi giáo dục online của Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Em thấy việc tham quan bảo tàng bằng hình thức online rất thú vị. Chúng em được học kiến thức lịch sử, biết đến những hiện vật có liên quan, được trò chuyện với những bạn cùng sở thích giống mình… Sau này em vẫn sẽ thường xuyên tham gia những buổi giáo dục online thế này”.

Để tăng tính chân thực, sinh động, mỗi buổi giáo dục online đều được Bảo tàng tỉnh thực hiện trong phòng trưng bày. Được biết, trong năm 2022, hoạt động giáo dục online sẽ được thực hiện thường xuyên hơn và chia theo độ tuổi, để phù hợp hơn với khả năng tiếp nhận của các em. Việc tham quan 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tảng tỉnh, gồm: Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang 1, Vạc đồng Cẩm Thủy, cũng sẽ được thực hiện trên không gian số.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số phù hợp và hiệu quả để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số”..

Bài và ảnh: Phong Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]