(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa thiết yếu đã bắt đầu hoạt động theo nhịp sống thường nhật. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị cho đến chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, hàng hóa đã được cung ứng khá dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, do nhu cầu mua hàng hóa của người dân chưa cao nên thị trường tiêu dùng còn khá trầm lắng và không có biến động về giá.

Thực phẩm sau Tết Nguyên đán: Nguồn cung dồi dào và không có biến động về giá

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa thiết yếu đã bắt đầu hoạt động theo nhịp sống thường nhật. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị cho đến chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, hàng hóa đã được cung ứng khá dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, do nhu cầu mua hàng hóa của người dân chưa cao nên thị trường tiêu dùng còn khá trầm lắng và không có biến động về giá.

Thực phẩm sau Tết Nguyên đán: Nguồn cung dồi dào và không có biến động về giáGiá thịt lợn tại chợ Chớp, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) không tăng so với trước tết.

Khác với không khí nhộn nhịp những ngày thường lệ, trong các ngày từ mùng 3 - 5 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hoạt động mua bán ở chợ Chớp, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) diễn ra khá trầm lắng, rất ít người dân đến trao đổi hàng hóa. Chị Hoa, một trong những tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại đây cho biết: "Tôi mở hàng từ ngày mùng 3 tết, đã qua 2 phiên chợ nhưng lượng khách có nhu cầu mua thịt lợn chưa nhiều. Để tránh tình trạng thịt bán không hết phải mang về, tôi lấy khoảng 15- 20kg và bán bằng giá so với ngày 28 - 29 tháng Chạp. Cụ thể, giá bán 1kg thịt nạc là 130.000 đồng/kg, thịt mông sấn là 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ là 135.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thu hút được nhiều người dân đến mua hàng.

Không chỉ thịt lợn, các mặt hàng hải sản tại chợ Chớp cũng “dài cổ” mong ngóng người đến mua hàng. Chị Thu, một tiểu thương bán cá đồng tại chợ giãi bày: “Tôi cũng đã lường trước việc sau tết, khách hàng đi chợ mua thực phẩm rất ít nên chỉ lấy khoảng 10kg cá diêu hồng và một con cá trắm ốc nặng 5kg để bán. Tuy nhiên, ngồi từ sáng đến chiều, chỉ có khách hàng mua cá trắm ốc về ăn lẩu, với giá bán từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, bằng giá bán trong tết, còn cá diêu hồng không có người mua, nên tôi mang về”.

Chợ Điện Biên, phường Điện Biên được xem là chợ hải sản tươi sống lớn nhất của TP Thanh Hóa. Nguồn hàng kinh doanh tại chợ được đưa về từ các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn... nên giá bán nhiều loại hải sản còn rẻ hơn so với một số chợ hải sản ở các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh. Vì lẽ đó chợ Điện Biên luôn là địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận đến mua hàng. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ ngày mùng 3 tết, chợ Điện Biên đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Có mặt tại đây vào cuối chiều mùng 4 Tết Nhâm Dần, lượng khách vào chợ mua hải sản vẫn chưa nhiều, mặc dù nguồn hàng rất phong phú, dồi dào. Chị Lê Thị Hoài, tiểu thương kinh doanh tôm, cho biết: “Do lượng khách đến chợ mua hải sản không nhiều, nên tôi đã hạ giá bán từ 700.000 đồng/kg tôm he (loại 23 con/kg) xuống còn 500.000 đồng/kg so với dịp trước tết nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút được khách hàng đến mua”. Ở hàng cá khoai, người bán cũng đang đon đả, chào mời khách mua hàng với giá 1kg cá khoai là 250.000 đồng, nhưng người mua cũng không mấy mặn mà.

Cũng trong tình trạng chưa có nhiều khách vào mua hàng như các chợ dân sinh, giá bán các mặt hàng rau quả, thực phẩm tại các siêu thị và hệ thống Vinmart+ nhìn chung vẫn giữ ổn định. Đang chọn mua hộp nem rán Hà Nội tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chị Cao Thị Xuân, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi thường xuyên vào siêu thị để mua nem rán Hà Nội. Loại nem này, ăn rất giòn, ngon, hợp khẩu vị nên bọn trẻ nhà tôi rất thích. Ngoài nem rán, tôi chọn mua thêm một số thực phẩm khác để dùng như cá hồi”. Cũng theo chị Xuân, giá các loại thực phẩm hiện chị mua tại siêu thị bằng với dịp trước tết, trong khi đó hàng hóa dồi dào, phong phú, khách hàng tha hồ lựa chọn.

Nói về khả năng cung ứng nguồn hàng cũng như bình ổn giá của siêu thị dịp sau tết, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: "Đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, Co.opmart Thanh Hóa hoạt động trở lại từ ngày mùng 4 tết với sự phong phú, dồi dào các loại hàng hóa nên không có tình trạng khan hàng. Bên cạnh đó, siêu thị luôn đảm bảo giá cả bình ổn, không tăng so với dịp trước tết. Ngay trong buổi sáng đầu tiên mở cửa - mùng 4 tết, siêu thị đón khoảng 900 lượt khách và lượng hàng bán ra cho khách có giá trị trên 200 triệu đồng.

Ông Lê Huy Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Công Thương, cho biết: Đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp trước, trong, sau tết, các siêu thị, chợ đầu mối, các đơn vị kinh doanh, hộ cá thể đã tập kết lượng hàng hóa lớn, phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân (kể cả Nhân dân vùng 11 huyện miền núi), nên nhìn chung giá các mặt hàng trước, trong, sau tết ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tính đến thời điểm ngày 7-2, tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng khoảng 14.549 tỷ đồng.

Dạo quanh thị trường tiêu dùng tại một số chợ dân sinh, siêu thị những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy, nguồn cung khá dồi dào nên giá thành các loại thực phẩm cơ bản giữ mức ổn định, không có hiện tượng khan hàng, tăng giá. Tuy nhiên, sức mua giảm do lượng thực phẩm người dân mua dịp trước tết chưa tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý hạn chế mua sắm, gặp gỡ, giao lưu dịp trước, trong và sau tết. Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng online nhằm tránh đến những nơi đông người... Bởi vậy, lượng người đến giao dịch mua bán trực tiếp tại chợ, cửa hàng hay siêu thị vì thế cũng giảm so với những năm trước đó.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]