(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã gần tháng nay, anh Phạm Đức Ngọc (Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa) vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh cậu bé chới với giữa hồ, khi anh nhảy xuống cứu thì đã quá muộn.

Đừng để thêm những sự việc đáng buồn

Đã gần tháng nay, anh Phạm Đức Ngọc (Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa) vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh cậu bé chới với giữa hồ, khi anh nhảy xuống cứu thì đã quá muộn.

Anh Ngọc nhớ lại, vào chiều 20-6, anh cùng bạn đi tập thể dục ở hồ Đồng Chiệc, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa thì phát hiện 2 học sinh độ tuổi tiểu học đang chới với giữa hồ. Một thanh niên khác đã cứu được một em, cậu bé còn lại đang chìm dần. Không kịp suy nghĩ, anh nhảy xuống hồ đưa cậu bé lên bờ sơ cứu ban đầu rồi đưa đến bệnh viện nhưng do được cứu muộn nên cháu bé không qua khỏi.

Cháu bé xấu số là B.M.Q (học sinh lớp 3) đang sống với ông bà nội và bố. Buổi chiều Q cùng bạn ra hồ chơi và không may ngã xuống nước, do không được cứu kịp thời dẫn đến cái chết thương tâm.

Đừng để thêm những sự việc đáng buồn

Hồ Đồng Chiệc, phường Phú Sơn là một trong những hồ nhân tạo lớn ở trung tâm TP Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Kiệt

Anh Ngọc cho rằng, Hồ Đồng Chiệc đã cắm biển cảnh báo độ sâu của hồ nên người dân sẽ có ý thức không xuống hồ tắm. Tuy nhiên hồ rộng, lại không có hệ thống lan can bảo vệ nên rất có thể nhiều em nhỏ vui đùa, không may rơi xuống hồ. Nếu không kịp thời phát hiện thì sẽ dẫn đến đuối nước như trường hợp cháu Q.

Đây không phải lần đầu Ngọc gặp trường hợp rơi xuống Hồ Đồng Chiệc. Tháng 5-2020, trong khi đi tập thể dục ở đây anh cũng phát hiện ra một cô bé độ 15-16 tuổi rơi xuống hồ, Ngọc kịp thời nhảy xuống cứu, cô bé đã thoát nạn.

Đừng để thêm những sự việc đáng buồn

Hồ Đồng Chiệc là địa điểm lý tưởng được nhiều người dân đến thể dục, vui chơi giải trí. Ảnh tư liệu của Tuấn Kiệt.

“Ở các hồ nhân tạo trên địa bàn thành phố nói chung, hồ Đồng Chiệc nói riêng ngoài việc đặt biển cảnh báo nguy hiểm thì nên có hệ thống lan can xung quanh mép hồ hoặc dưới mép hồ khoảng 1m, khi có những tình huống đột ngột xảy ra sẽ giảm đi những điều đáng tiếc. Ở thành phố Thanh Hóa, khu vực Hồ Thành IV gần Trường THCS Điện Biên có hệ thống lan can rất đẹp, vừa an toàn”, anh Ngọc nói.

Là giảng viên môn Giáo dục thể chất, theo anh Ngọc điều quan trọng để ngăn chặn tình trạng đuối nước trong độ tuổi học sinh, thì việc dạy bơi và những kỹ năng trong sơ cứu đuối nước cho các em là điều cần thiết. Vừa bảo vệ mình, khi gặp tình huống cũng có thể hỗ trợ xử lý.

Đừng để thêm những sự việc đáng buồn

Khu vực Hồ Thành IV (Hồ điều hòa công viên Hồ Thành), phường Điện Biên, TP Thanh Hóa có hệ thống lan can an toàn bởi nơi đây gần khu vực trường học.

Nhà ở gần hồ nên trước đây vào mỗi buổi chiều tối, chị Ngô Thị Nguyệt Minh, phường Phú Sơn thường xuyên đưa con ra Hồ Đồng Chiệc để vui chơi. Chị Minh cho biết: Trước ngày 10-7, khi chưa có văn bản của thành phố về việc tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời, các điểm vui chơi giải trí, tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19 thì hồ Đồng Chiệc là khu vực tập trung rất đông người với nhiều lứa tuổi.

Tuy nhiên, điều mà chị Minh lo lắng đó là Hồ Đồng Chiệc khá rộng, hai đứa con của chị đang độ tuổi thiếu nhi nên rất hiếu động, không phải lúc nào chị cũng đuổi kịp theo con mỗi khi con chạy nhảy, nô đùa. Theo chị Minh, Hồ Đồng Chiệc xây dựng được hệ thống lan can xung quanh hồ sẽ rất phù hợp, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo nên hành lang bảo vệ mọi người. Trước mắt, chị Minh đã cho con đi học bơi, vừa khỏe mạnh, vừa bảo vệ sự an toàn cho con.

Đừng để thêm những sự việc đáng buồn

Theo nhiều người dân, nếu như Hồ Đồng Chiệc có thêm hệ thống lan can xung quanh hồ sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện nay các hồ nhận tạo với diện tích khá rộng như Hồ Đồng Chiệc, Hồ Thành, Hồ Máy Đèn… vừa làm không gian trữ nước tạm thời vừa tạo cảnh quan, điều hòa không khí cho thành phố. Trong số đó, Hồ Đồng Chiệc có diện tích rộng, được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014. Nơi đây trở thành điểm đến để người dân “giải nhiệt” vào những ngày hè nóng bức. Không chỉ thế, hồ điều hòa này còn giúp cải thiện đáng kể cảnh quan đô thị cho thành phố. Tuy nhiên, từ vụ việc đuối nước thương tâm qua lời kể của anh Ngọc hay lo lắng của chị Minh khi có con trong độ tuổi học sinh hiếu động, là điều đáng phải suy nghĩ.

Bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa cho biết: Sự việc có 2 cháu bị rơi xuống hồ Đồng Chiệc vào cuối tháng 6-2021, UBND phường có nắm được sự việc. Hàng năm, nhất là dịp hè, phường đều tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của phường đến các khu phố về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đối với khu vực Hồ Đồng Chiệc cũng đã có loa lưu động tại hồ, có chương trình tuyên truyền để mọi người biết, lưu ý.

“Nếu làm được hệ thống lan can thì an toàn hơn, nhưng nếu nói không có lan can mà dẫn đến nguy hiểm thì tôi chưa đồng thuận. Hồ Đồng Chiệc là hồ tràn, quy hoạch ban đầu không thiết kế hệ thống lan can xung quanh hồ. Ở phần thiết kế đã có hệ thống hàng cây, phần đường đi đến vỉa hè bao quanh khu vực hồ tầm 3m thì đó là khu vực ngăn cách để người dân thực hiện đảm bảo an toàn, không đi quá sát vào khu vực có thể dẫn đến nguy hiểm. Để phòng, chống đuối nước ở trẻ, ngoài công tác tuyên truyền của chính quyền, nhà trường, cơ quan chức năng, thì phụ huynh phải có trách nhiệm quản lý con em mình mới tránh được sự việc đáng tiếc xảy ra”, bà Tâm nói.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]