(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời đại 4.0 nên chẳng cần phải đi đâu, cũng không lo tốn kém vẫn có thể nghe, nhìn, khám phá mọi thứ chỉ bằng một chiếc ti vi hoặc điện thoại có kết nối internet. Thế nhưng, cũng bởi sự tiện lợi ấy mà không riêng gì người trẻ, nhiều người già cũng “nghiện” việc giải trí số đến nỗi sinh ra rất nhiều chuyện vừa vui, vừa… mệt.

Giải trí số với người già: Chuyện “dở khóc, dở cười”

Thời đại 4.0 nên chẳng cần phải đi đâu, cũng không lo tốn kém vẫn có thể nghe, nhìn, khám phá mọi thứ chỉ bằng một chiếc ti vi hoặc điện thoại có kết nối internet. Thế nhưng, cũng bởi sự tiện lợi ấy mà không riêng gì người trẻ, nhiều người già cũng “nghiện” việc giải trí số đến nỗi sinh ra rất nhiều chuyện vừa vui, vừa… mệt.

Khóa trái cửa để xem phim

Các thiết bị điện tử như máy tính, ti vi, điện thoại luôn có ánh sáng xanh rất nguy hiểm cho mắt nếu bị tác động liên tục. Người già thường xuyên sử dụng điện thoại, những biểu hiện suy giảm thị lưc càng rõ ràng. Trường hợp của bác Hương ở gần nhà tôi là một ví dụ. Dù đã 70 tuổi nhưng nghe kể bác rất thích xem những bộ phim dài tập bằng điện thoại. Vì tò mò về diễn biến tiếp theo của các tập phim nên ngày nào, bác cũng mở hết tập này đến tập khác, thậm chí có hôm trong bữa cơm, bác còn vừa ăn, vừa xem chẳng khác nào... một đứa trẻ. Nhiều khi qua nhà chơi, tôi thấy đôi mắt bác trông mệt mỏi, sưng húp chỉ vì thức khuya xem phim và khóc thương cho số phận của nhân vật chính quá khổ ải.

Giải trí số với người già: Chuyện “dở khóc, dở cười”

Mắt mờ, tay chậm nhưng người già giờ đây vẫn thích “lướt” điện thoại. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Một hôm, bác Hương đang xem phim thì bỗng nhiên bỏ ngang điện thoại và kêu đau nhức quanh hố mắt rồi lan ra nửa đầu phía trên. Những ngày sau đó, các cơn đau tiếp tục xuất hiện, kèm theo đó là thị lực mắt giảm hẳn, khiến bác có muốn xem phim cũng không nhìn ra được nhân vật. Đến khi được các con cho đi khám thì mới biết, mắt bác bị bệnh tăng nhãn áp (hay còn gọi là thiên đầu thống), rất dễ có nguy cơ mù lòa nên phải tiến hành phẫu thuật. Từ bữa nằm viện về, suốt ngày cứ đi vô, đi ra cũng buồn nên sở thích xem phim của bác lại trỗi dậy. Thế nhưng, vì sợ các con biết được sẽ không cho xem nên bác khóa cửa phòng rồi mở điện thoại. Có hôm cả nhà được một phen hú vía khi gọi mãi mà không thấy bác mở cửa chỉ vì đang quá tập trung vào màn đối thoại của các nhân vật.

Xem “mạng” là lẽ sống

Người già vốn đã mang nhiều loại bệnh nhưng một khi đã bị cuốn theo thuật toán của các nền tảng mạng xã hội thì khó mà rời màn hình điện thoại. Chẳng nói ai xa, mẹ tôi năm nay 65 tuổi nhưng cũng rất thích giải trí trên điện thoại thông minh. Thời gian đầu bà chỉ biết đến Facebook nên ngoài gọi điện cho bạn bè, người thân thì bà dành nhiều thời gian để bình luận dưới các bài đăng mà cộng đồng mạng chia sẻ. Trong một lần vì không hiểu nên bà đã bấm theo dõi một số fanpage nhảm nhí khiến cho những hôm sau, cứ mở Facebook ra là lại nhìn thấy những nội dung độc hại. Có những video, hình ảnh chỉ mang tính chất câu “like”, câu “view” nhưng bà vẫn nghiêm túc bình luận và lấy làm trăn trở trước các vấn nạn tiêu cực của xã hội.

Giải trí số với người già: Chuyện “dở khóc, dở cười”

Giải trí số khiến nhiều người già đam mê. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Thế rồi, mẹ tôi đâm ra chán Facebook và để mặc cho bọn trẻ lấy điện thoại nghịch ngợm. Cũng nhờ đó mà bà biết thêm một số kênh giải trí khác, trong đó có youtube. Bà thích lắm, cứ thấy video nào giật “tít” ấn tượng là mở vào xem ngay. Bởi vậy mà có hôm, bà xem đúng vào một bộ phim kinh dị đến nỗi cả đêm đó không sao ngủ được vì bị ám ảnh khiến cho căn bệnh rối loạn tiền đình tái phát trở lại. Ấy thế mà ít ngày sau, tôi lại thấy bà cười vang khi xem một vở hài kịch. Từ dạo đó, bà siêng sạc điện thoại hơn hẳn, có ngày sạc tới 5 lần. Thấy bà vui, tôi cũng vui theo nhưng lại không khỏi lo lắng khi gần như làm gì bà cũng không rời điện thoại. Vậy nên, nhiều bữa kho cá thì cá cháy, nấu canh thì canh cạn, thậm chí có ngày còn không nhớ cả giờ đón cháu ở trường.

Vì muốn bà đi ngủ sớm cho khỏe nên cứ 22h là tôi tắt mạng wifi. Nhưng lạ thay, vào một đêm tỉnh dậy, tôi vẫn nghe tiếng điện thoại trong phòng bà. Hóa ra, nằm mãi không ngủ được nên bà lại dậy cắm wifi mà không cho ai biết. Nghĩ xem nhiều điện thoại về đêm chính là một trong những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ nên rút kinh nghiệm trước đó, tôi đem giấu cục wifi mỗi khi đi ngủ. Nào ngờ ít lâu sau, tôi lại tình cờ phát hiện bà đang cười nghiêng ngả vì một gameshow hẹn hò vào lúc 1h sáng. Lấy làm thắc mắc, sáng ra tôi cầm điện thoại kiểm tra thì mới biết, bà đã xin được mật khẩu wifi của hàng xóm từ lúc nào.

Đúng là giải trí số đang đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao cho người già mà các hình thức giải trí truyền thống chưa làm được. Thế nhưng, vì vui và vì có nhiều thời gian, mà không ít người già đang bị mất cân bằng cuộc sống chỉ vì quá lạm dụng các thiết bị điện tử. Hiểu được điều đó nhưng ngày càng có nhiều người không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn từ các loại hình giải trí mà mạng xã hội đem lại, nên thực tế mới có những chuyện “dở khóc, dở cười” như đã kể trên.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]