(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định xây dựng các mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, các cấp chính quyền, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo, tạo tiền đề để hộ nghèo, cận nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ việc xây dựng các mô hình giảm nghèo

Xác định xây dựng các mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, các cấp chính quyền, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo, tạo tiền đề để hộ nghèo, cận nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ việc xây dựng các mô hình giảm nghèoMô hình nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở bản Bá, xã Trung Hạ (Quan Sơn).

Gia đình ông Trịnh Đăng Hoạch, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương (Như Xuân) trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Tuy có diện tích đất sản xuất nhưng gia đình ông không tìm ra được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đầu năm 2020, khi cán bộ các cấp về điều tra, rà soát, nhận thấy gia đình ông Hoạch có nguyện vọng phát triển sản xuất nhưng khó khăn về nguồn vốn. Để “tiếp sức” cho gia đình ông Hoạch, chính quyền xã Bình Lương đã hỗ trợ hơn 1 vạn con ốc nhồi giống, để phát triển kinh tế. Với lợi thế hơn 2.500m2 diện tích ao, ông Hoạch đã cho vệ sinh môi trường nước, nuôi bèo để thả ốc.

Hướng mắt vào đàn ốc đang bám kín miếng bầu thái mỏng, ông Hoạch chia sẻ: Nuôi ốc nhồi có thể tận dụng được sức lao động nông nhàn; kỹ thuật nuôi khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp, chi phí thấp. Đặc biệt, đầu ra của mặt hàng này thường ổn định, đem lại lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn của ốc rất đa dạng và dễ kiếm trong tự nhiên như rau xanh, bèo lục bình, các loại cỏ dại xung quanh hồ... Chỉ cần môi trường nước sạch, mật độ ao nuôi không quá dày (dao động từ 80-100 con ốc bố mẹ/m2), cũng có thể nuôi nhiều hơn tùy vào kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc của mỗi người là ốc sống khỏe và sinh sản tốt... Với hiệu quả mang lại từ nuôi ốc nhồi, hiện gia đình ông Hoạch đã mở rộng gấp đôi diện tích ao, xây dựng các bể nuôi ốc giống; từ mô hình nuôi ốc nhồi, năm 2022 gia đình ông Hoạch đã thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, công tác giảm nghèo nói chung và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm triển khai thực hiện. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh ta xác định giải pháp hàng đầu là khơi dậy ý chí vươn lên của chính các hộ nghèo, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhờ vậy nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cách nghĩ, cách làm mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Với nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 của Trung ương giao là 165 tỷ 673 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế và xây dựng các mô hình giảm nghèo. Đến nay, tỉnh đã phân bổ 100% số vốn cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện; trong đó đã giải ngân được khoảng 45 tỷ 176 triệu đồng. Về hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, các đơn vị cấp tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện phê duyệt, thực hiện được 11 dự án, tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước là 8 tỷ 796 triệu đồng. Kết quả, đã giao vốn thực hiện 5 dự án tại các huyện: Dự án nuôi lợn nái (Quan Hóa); Dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng (Bá Thước); Dự án trồng cây dược liệu (Lang Chánh); Dự án bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu dong riềng kết hợp chế biến miến dong Thuận Tâm (Cẩm Thủy); Dự án trồng lúa nếp hạt cau (Vĩnh Lộc).

Về hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với quy mô từ 200 - 500 triệu đồng/dự án, dự kiến sẽ thực hiện khoảng từ 300 - 500 dự án, tổng kinh phí được giao 148 tỷ 973 triệu đồng, từ năm 2021 đến nay, các huyện phê duyệt, triển khai thực hiện 88 dự án (trong đó năm 2021 là 23 dự án); phần kinh phí còn lại các huyện còn lại đang trong quá trình hướng dẫn, lập, thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện. Giá trị giải ngân khoảng 26 tỷ 978 triệu đồng (đạt 17,44%).

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, thời gian tới, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương. Phối hợp tham mưu cho tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho dự án để bảo đảm hiệu quả tham gia của các hộ, nhất là hộ nghèo; đồng bộ và quy định cụ thể về thực hiện cơ chế thu hồi, luân chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]