(vhds.baothanhhoa.vn) - Để người khuyết tật (NKT) có thể vững vàng trong cuộc sống vốn nhiều khó khăn, cần sự cảm thông, quan tâm và sẻ chia thực sự.

Hoa nở giữa đời thường: Để người khuyết tật vững vàng trong cuộc sống

Để người khuyết tật (NKT) có thể vững vàng trong cuộc sống vốn nhiều khó khăn, cần sự cảm thông, quan tâm và sẻ chia thực sự.

Hoa nở giữa đời thường: Để người khuyết tật vững vàng trong cuộc sốngChị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Bản thân mỗi người khuyết tật phải luôn tự mình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”

Mong được làm việc

Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Thùy ở phố Trần Bình Trọng, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa): “Chị biết làm gì”? Chị bảo: “Chị biết may, biết làm hoa giấy, hoa lụa”... rồi chị dẫn tôi đến bên chiếc máy khâu với những vải, những giấy và những bó hoa thành phẩm rất đẹp.

Khi chưa lấy chồng, chị đã theo lớp học may. Chị cũng từng đi làm 1 năm. Nhưng lâu nay, chị đi xin việc ở khắp nơi, chẳng ai muốn nhận. Họ đưa ra lý do chị không nghe, không nói được thì làm sao “hiểu” được yêu cầu của công việc. Chị có thể kiên nhẫn viết ra từng chữ một cách khó khăn, song người khác, họ không đủ kiên nhẫn để tạo việc làm cho một NKT bẩm sinh như chị. Rồi chị đi xin làm việc ở quán ăn, thậm chí là bưng bê, rửa bát... cũng chẳng được. Việc chị nỗ lực cố gắng học “nói” bằng thủ ngữ - ngôn ngữ ký hiệu bằng các động tác bàn tay trong suốt 3 năm ròng, rốt cuộc cũng chỉ có thể giao tiếp với người thân. Ngoài xã hội rộng lớn, chị vẫn là một NKT lạc lõng.

Mong muốn kiếm được những đồng tiền do chính mình làm ra, chị Thùy lại vào mạng internet học cách làm hoa giấy, hoa lụa. Không biết đi xe, một mình chị bắt xe buýt đến chợ Vườn Hoa lựa chọn nguyên liệu. Về nhà, bên chiếc máy khâu, chị chong đèn cần mẫn tạo ra những bó hoa bằng tất cả tâm huyết của mình. Chỉ mong, sẽ kiếm được tiền. Nhưng cũng chẳng có nhiều người bận tâm. Chị viết: “Sao người ta không thích hoa của chị? Người ta không mua, nên chị không kiếm được tiền. Nhưng chị sẽ không bỏ cuộc đâu”. Chị vừa viết, vừa ra dấu, lại như ngại ngùng, có lẽ chị đang trách mình chưa đủ cố gắng chăng?!

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh, là một trong số ít phụ nữ khuyết tật đầu tiên của cả nước được nhận Giải thưởng KOVA ở hạng mục sống đẹp (năm 2017), cho biết: “Mọi người cứ nghĩ người khiếm thính vẫn có tay chân lành lặn, nhưng kỳ thực họ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Để thấu hiểu vất vả của người khiếm thính như Thùy, phải dùng cái tâm. Thực ra, họ rất cô đơn trong cuộc sống này”.

Khơi dậy tình yêu lao động và dạy nghề cần “đúng và trúng”

Và thay vì xem NKT như gánh nặng, vai trò của gia đình, người thân, cộng đồng trong việc khơi dậy sức mạnh, tình yêu lao động của NKT là quan trọng. Và dạy nghề, tạo việc làm cho NKT- đó mới là sinh kế bền vững.

Dù được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng theo chính sách của Nhà nước, song với những NKT có tự trọng, họ chưa bao giờ muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Chính vì vậy, dẫu không có nhiều sự lựa chọn, song nếu đã yêu, đã chọn nghề thì sẽ đặt mục tiêu rất lớn, dành toàn bộ tâm huyết của bản thân - đó cũng là chia sẻ rất thực lòng của cô thợ may khuyết tật Phạm Thị Thắm. Theo Thắm, vai trò của người thầy trong dạy nghề cho NKT là vô cùng quan trọng. Người thầy ấy, vừa phải khơi dậy, truyền “lửa nghề, lửa đam mê” để học trò tự tin vào khả năng của mình. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, không có gì là không thể. Đừng nghĩ, cứ NKT là phù hợp với làm chổi đót, tăm tre... Với quan điểm của mình, Phạm Thị Thắm thẳng thắn: “Việc dạy nghề cho NKT còn mang nặng tính phong trào và làm từ thiện. Chừng nào việc dạy nghề còn mang tính từ thiện, thiếu sự cạnh tranh trong công việc thì hiệu quả sẽ không cao”.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh, cho rằng: “Những năm qua, công tác đào tạo, dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, hội, đoàn thể quan tâm. Tuy nhiên, việc dạy nghề cho NKT cần chú trọng yếu tố “đúng và trúng”. Thay vì chú trọng số lượng NKT được dạy nghề, hãy quan tâm hơn đến con số những NKT có việc làm, thu nhập thực sự sau khi có nghề. Và NKT khi học nghề, họ cần được cầm tay chỉ việc một cách cụ thể”.

Ngày 19-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với NKT học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, giai đoạn 2010 - 2020 đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 3.049 NKT là lao động nông thôn. Nghề được đào tạo chủ yếu là tẩm quất cổ truyền, làm mây song xiên xuất khẩu, nghề làm chổi đót, nghề đan mũ bẹ ngô...; Trường Trung cấp nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp với các nghề như kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính và may thời trang”.

Đánh giá về hiệu quả của việc đào tạo, dạy nghề cho NKT hiện nay, bà Trịnh Thị Minh Hường nhìn nhận: “Hỗ trợ, định hướng tạo việc làm cho NKT còn hạn chế (các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tiếp nhận NKT vào làm việc và sắp xếp việc làm còn hạn chế, bố trí công việc chưa phù hợp). Số lượng NKT được đào tạo nghề gắn với việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ thấp. Đào tạo nghề gắn với việc làm nhưng chưa có giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất của NKT, do vậy chưa tạo được tính ổn định, bền vững”.

Là một trong những đơn vị thường xuyên tham gia vào công tác dạy nghề cho NKT, ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, hội đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 5.400 NKT với tổng kinh phí 16,2 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Có lớp dạy nghề trong 1 tuần (nghề nuôi ong), cũng có lớp diễn ra 2 - 3 tháng. Việc dạy nghề cho NKT cần gắn với đầu ra thì mới có thể làm nghề bền vững; những đơn vị đảm trách việc dạy nghề cần có năng lực và tâm huyết. Và quan trọng, sau khi thành nghề, NKT được làm nghề ở ngay cộng đồng dân cư họ sinh sống, được hòa nhập, gắn bó với mọi người. Có như vậy, việc giảm nghèo bền vững cho NKT mới thực sự hiệu quả”.

Cũng theo ông Lê Hồng Lương, việc hỗ trợ dạy nghề và quan tâm tới NKT cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, đặc biệt là tạo điều kiện để NKT được tiếp cận nguồn vốn vay, cho thuê đất, ưu đãi thuế... Dù cho Luật Người khuyết tật năm 2010 đã quy định rất rõ, nhưng thực tế, NKT vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ở đâu, địa phương, cộng đồng quan tâm hỗ trợ NKT, thì ở đó NKT có nhiều điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.

Về phía NKT, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh, cho rằng: “Bản thân mỗi NKT phải luôn tự mình vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta phải tự tạo ra nội lực của chính mình. Có như vậy, khi được người khác hỗ trợ mới có thể “bật” lên tạo thành quả. Hãy sống bằng niềm tin, lòng tự trọng chứ không phải sự thương hại của người khác”.

Nỗi đau, sự bất hạnh của NKT là điều không ai mong muốn. Nhưng khi chẳng may là NKT, họ vẫn có quyền được hưởng sự bình đẳng trong mọi mặt đời sống, được lao động, cống hiến, yêu thương... Hãy dành cho NKT sự trân trọng những điều họ làm được. Cuộc sống vốn hữu hạn, nhưng yêu thương là vô hạn.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]