(vhds.baothanhhoa.vn) - Gửi những tâm sự thầm kín đến cha mẹ, bên cạnh việc nói chuyện, viết thư thì nhắn tin bằng điện thoại thông minh đã và đang là cách được nhiều bạn trẻ sử dụng.

Khi giới trẻ tâm sự với cha mẹ bằng tin nhắn

Gửi những tâm sự thầm kín đến cha mẹ, bên cạnh việc nói chuyện, viết thư thì nhắn tin bằng điện thoại thông minh đã và đang là cách được nhiều bạn trẻ sử dụng.

Khi giới trẻ tâm sự với cha mẹ bằng tin nhắn

Giao tiếp bằng công nghệ trở nên phổ biến với nhiều gia đình.

Trải lòng

Từ khi trở thành sinh viên đại học, bắt đầu cuộc sống xa gia đình, Nguyễn Thị Minh (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) thường xuyên nhắn tin về trò chuyện cùng cha mẹ. Biết cha mẹ chưa thành thạo sử dụng tin nhắn bằng điện thoại nên trước khi nhập học cô dành thời gian hướng dẫn trước. Theo Minh thì việc nhắn tin bằng điện thoại tiện lợi, nhanh chóng và là phương thức trò chuyện hữu hiệu với cha mẹ. Minh cho biết: “Em không hay tâm sự với mẹ nhưng từ ngày sử dụng nhắn tin em thấy việc tâm sự trở nên dễ dàng và thoải mái hơn, em có thể nói với mẹ về chuyện trường mới, bạn mới và chỉ cần một cái thả tim là em biết mẹ đang lắng nghe mình”. Không chỉ Minh mà nhiều bạn trẻ khác, việc trực tiếp chia sẻ, thổ lộ tình cảm với cha mẹ khiến họ e ngại, nhưng mọi việc trở nên nhẹ nhàng, tình cảm hơn khi thực hiện qua tin nhắn. Không những thế việc nhắn tin trong trạng thái bình tâm, những thông điệp cũng đầy đủ ý nghĩa hơn khi có thời gian suy nghĩ thấu đáo.

Tương tự với Lê Viết Quân (30 tuổi, thị trấn Bút Sơn, Hoằng Hóa), nhắn tin đã trở thành phương thức trò chuyện quen thuộc giữa anh với bố, nhất là khi anh chuyển công tác vào Nam. Quân có thể trò chuyện thoải mái với mẹ, nhưng sự nghiêm khắc của bố khiến anh cảm thấy khó gần gũi, nhưng trong một chuyến công tác xa nhà bị ốm, nhận được tin nhắn của bố, Quân rất bất ngờ và hạnh phúc. Từ đó, anh nhắn tin với bố nhiều hơn, bố anh cũng cởi mở hơn với những câu hỏi thăm, động viên. “Có lần bố đã nhắn tin nhớ đứa con trai lâu ngày chưa về, mình rất xúc động trước lời nhắn này, thì ra bố cũng quan tâm và rất yêu thương mình”, Quân chia sẻ. Từ đó, Quân chọn cách gửi tin nhắn thay vì trò chuyện bởi đây là cách không những giúp anh mà cả bố mẹ có thể nói ra những lời yêu thương thầm kín, bên cạnh đó việc nhắn tin giúp cha mẹ chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để đọc và trả lời lại.

Không riêng gì Minh, Quân mà rất nhiều bạn trẻ lựa chọn nhắn tin là hình thức trò chuyện gián tiếp hiệu quả với bố mẹ. Với nhiều bạn trẻ sự đối mặt trực tiếp có thể khiến họ e ngại, không bộc lộ hết những suy nghĩ, cảm xúc nhưng với việc nhắn tin họ có thời gian để sắp xếp nội dung và kiểm soát cảm xúc tốt hơn, nhờ đó rút ngắn được khoảng cách thế hệ.

Cầu nối truyền tải thông điệp

Ngày nay các ứng dụng trò chuyện trực tuyến như Zalo, Messenger... là công cụ không thể thiếu trong giao tiếp của các bạn trẻ mà cũng trở thành hình thức giao tiếp kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ. Với những ưu điểm về sự nhanh chóng, tiện lợi, linh hoạt về thời gian và đa dạng về hình thức tương tác, nhắn tin trở thành công cụ giao tiếp hữu hiệu không chỉ của giới trẻ mà cả những bậc phụ huynh.

Khi giới trẻ tâm sự với cha mẹ bằng tin nhắn

Chị Lê Thị Phương (55 tuổi) từ ngày được con gái dạy cho cách đọc, gửi tin nhắn thì đây trở thành hình thức giao tiếp thường xuyên của hai mẹ con. Theo chị, thời gian làm việc của con gái bận rộn, không thể lúc nào cũng gọi điện, nhiều khi ở chỗ đông người con gái sẽ ngại mà không nghe máy, việc nhắn tin sẽ tiện lợi hơn với những câu hỏi thăm ngắn gọn. Không những thế, hai mẹ con cũng có những mâu thuẫn, quan điểm trái ngược, mỗi lần như thế hai mẹ con sẽ nhắn tin để hiểu rõ hơn về suy nghĩ của mỗi người.

T.S tâm lý Nguyễn Thị Hồng, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Việc các thành viên trong gia đình nhắn tin cho nhau đã không còn xa lạ. Bên cạnh phương thức giao tiếp truyền thống như trò chuyện, viết thư thì giao tiếp trực tuyến làm tăng sự tương tác, gắn bó, tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình cập nhập thông tin cuộc sống hàng ngày. Nhất là với những thành viên phải sống xa gia đình thì việc giao tiếp qua ứng dụng công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách, gia tăng sự kết nối và giữ sự tương tác liên tục giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, việc phụ huynh tương tác bằng công nghệ mà cụ thể là nhắn tin giúp kéo gần khoảng cách thế hệ, khi cha mẹ muốn hiểu con cái nhiều hơn, từ đó có thể hiểu được góc nhìn, thói quen giao tiếp, cũng như cách truyền tải thông điệp hiệu quả mà mình muốn gửi đến thế hệ trẻ.

Tuy nhiên nếu phụ thuộc vào giao tiếp công nghệ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian của giao tiếp trực tiếp. “Việc nói chuyện trực tiếp, nhất là với người thân trong gia đình là điều cần thiết và nên duy trì bởi gia đình là nơi con người cởi mở, dễ chia sẻ tâm sự nhất. Việc nói chuyện trực tiếp sẽ giúp các thành viên gắn bó, hiểu nhau, từ đó yêu thương nhau hơn. Giao tiếp bằng tin nhắn ở nhiều tình huống chưa thể hiện hết cảm xúc, chưa tạo được niềm tin như việc trực tiếp nói chuyện với nhau”, T.S Hồng cho biết thêm. Vì vậy, việc giao tiếp công nghệ chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi các thành viên trong gia đình, nhất là về phía cha mẹ cùng thống nhất và diễn ra với từng tình huống, từng thời điểm thích hợp.

Bài và ảnh: Phan Vân


Bài và ảnh: Phan Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]