(vhds.baothanhhoa.vn) - Cứ vào đầu năm học, cụm từ “lạm thu” lại có nhiều luồng ý kiến trái chiều, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Lại chuyện “lạm thu” đầu năm học khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Cứ vào đầu năm học, cụm từ “lạm thu” lại có nhiều luồng ý kiến trái chiều, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Đến hẹn lại lo...

Trong khi học sinh cả nước háo hức được đến trường thì các bậc làm cha, làm mẹ lại ngổn ngang với các mối lo không chỉ tiền sách, vở, đồng phục... mà họ còn “gánh” thêm nhiều các khoản thu khác mang tên “xã hội hóa”, “ủng hộ”... Chắc hẳn, chúng ta vẫn còn chưa quên câu chuyện khoản thu về “ghế ngồi chào cờ của học sinh”, “tivi trong lớp học”, hay “máy tính cho giáo viên” đã khiến dư luận “ngao ngán” những về năm trước. Thì mới đây, một lần nữa dư luận lại dậy sóng câu chuyện tại một trường học ở TP Hồ Chí Minh chưa đầy một tháng tựu trường nhưng các khoản chi quỹ của 1 lớp tiểu học đã lên tới hơn 260 triệu đồng; khoản tiền được chi “mạnh tay” nhất cho việc sửa chữa phòng học, mua máy lạnh, quạt và các thiết bị khác.

Lại chuyện “lạm thu” đầu năm học khiến nhiều phụ huynh lo lắngCác khoản thu khiến phụ huynh phản ứng tại một trường tiểu học. Ảnh nguồn Internet

Có con đang theo học tại trường THCS, chị L chia sẻ: “Mỗi lần đến mùa tựu trường của con gia đình tôi lại “toát mồ hôi” khi có đến ti tỉ khoản đóng góp phục vụ cho việc học tập của các con; với “muôn hình vạn trạng” nào là huy động tài trợ, xây dựng quỹ lớp, ủng hộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường; hay việc mua đồng phục lớp, đồng phục thể thao, đồng phục mùa hè, mùa đông, mua sắm điều hòa, bộ âm li, loa đài, cây cảnh,... Chưa kể, tiền bồi dưỡng, tiền poto, tiền vệ sinh, điện, nước, tri ân thầy (cô) các ngày lễ, tết... Dường như, phụ huynh chúng tôi đang phải “gánh vác” thêm việc của nhà trường. Mỗi kỳ tôi đóng tiền quỹ lớp cho con từ 500 đến 1 triệu đồng, nhưng vẫn chưa phải là khoản đóng cuối cùng nếu cuối học kỳ ban chi hội chi thiếu lại “bổ đầu” phụ huynh thu tiếp. Nhưng thật sự các khoản thu mang danh “tự nguyện” khiến người có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng như tôi thấy kiệt sức”.

Lại chuyện “lạm thu” đầu năm học khiến nhiều phụ huynh lo lắngẢnh minh họa

Danh giới giữa xã hội hóa và lạm thu quá mong manh, anh H. có con đang học tại Trường Tiểu học Tân Sơn, TP Thanh Hóa cho hay: “Giờ “danh mục” các khoản thu ngoài học phí rất dễ biến tướng vì nó được “bảo hộ” bởi “câu thần chú” mang tên “xã hội hóa”, “tự nguyện”. Tôi cho rằng ở bất cứ địa phương nào, tại nhiều nhà trường có những khoản nếu lạm thu thì phụ huynh vẫn phải đóng, mà hầu như không dám ý kiến vì đa số họ đều mang tâm lý ngại nói ra, hay thuận theo số đông, né tránh vì sợ con mình đi học bị nói này nói nọ, thua thiệt bạn bè. Bản thân gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì, vợ chồng tích góp đi làm cả tháng, chi tiêu tiết kiệm để đóng góp cho cháu chỉ mong cháu đi học được bằng bạn, bằng bè. Cuộc họp phụ huynh mới đây, tôi lại được phổ biến đóng thêm khoản tiền “hỗ trợ” nhà trường mua loa phục vụ chào cờ và các hoạt động khác lên tới 60 triệu đồng khiến tôi càng thêm bức xúc”.

Lại chuyện “lạm thu” đầu năm học khiến nhiều phụ huynh lo lắngBố mẹ “còng lưng” mới đủ tiền đóng quỹ lớp cho con. Ảnh minh họa

Cuộc “chạy đua” không hồi kết...

Có thể thấy, tình trạng “lạm thu” vào đầu năm học không phải năm nay mới xuất hiện. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong xã hội, làm cho phụ huynh mất niềm tin vào ngành giáo dục - đào tạo; đặc biệt, trong giai đoạn đầu và cuối năm học. Thực tế, xã hội hóa để có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất khang trang; mua sắm những trang thiết bị dạy học hiện đại... là điều thực sự cần thiết cho sự phát triển của con trẻ. Tuy nhiên, đầu tư ra sao, như thế nào? thì phải xuất phát từ nhu cầu thực tế dạy và học; chi phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình học sinh. Hơn hết, mức chi cho từng khoản cũng cần phù hợp với thực tế giá cả thị trường chứ không bị “đội” lên ở mức ngất ngưởng.

Lại chuyện “lạm thu” đầu năm học khiến nhiều phụ huynh lo lắngĐa số các phụ huynh đều mong muốn các khoản thu, chi cần được minh bạch, rõ ràng. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói là năm nào trước thềm năm học mới, ngành giáo dục cũng ra công văn nhắc nhở các trường về minh bạch, công khai các khoản thu, chi. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu “lách luật, biến tướng” các khoản thu ở một số trường vẫn gây nhức nhối, phản cảm, làm khó các bậc phụ huynh và học sinh khiến cho niềm tin, uy tín của ngành giáo dục ngày càng giảm sút.

Thiết nghĩ, cần xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu tại đơn vị mình quản lý. Đồng thời, ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm của lớp cũng cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, phụ huynh cần nắm rõ quy định về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường; từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát. Cũng như, kiên quyết từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định, tránh tình trạng cả nể, sợ liên lụy đến con em mình rồi “nhắm mắt” cho qua. Có như vậy, mới “diệt tận gốc” được vấn nạn lạm thu mỗi khi bước vào năm học mới.

Ngọc Lan


Ngọc Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]