(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân đã và đang chung tay xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương trong đồng bào dân tộc Thổ được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân ghi nhận. Họ như những bông hoa rừng tỏa hương thơm ngát, tạo động lực thi đua trong đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân.

Làm giàu trên quê hương

Cùng với gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân đã và đang chung tay xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương trong đồng bào dân tộc Thổ được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân ghi nhận. Họ như những bông hoa rừng tỏa hương thơm ngát, tạo động lực thi đua trong đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân.

Làm giàu trên quê hươngCô gái dân tộc Thổ Nguyễn Lê Ngọc Linh, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ xây dựng thành công mô hình “Vườn rừng Bản Thổ”.

Xây dựng các sản phẩm OCOP tiêu biểu

Về khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát, thoảng thơm mùi hương bài trong nắng. Khu phố chủ yếu là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống và nổi tiếng với nghề làm hương bài thủ công truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Gia đình ông Lê Văn Thăng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm hương bài, ông không chỉ coi nghề như một nguồn thu nhập chính, mà còn duy trì nghề thủ công truyền thống của gia đình. Hương bài được làm từ nhựa trám, cây hương bài và than hoa, ba loại nguyên liệu trộn với nhau thành hỗn hợp chất làm hương bài. Nghề làm hương bài truyền thống được gia đình ông Thăng và các hộ dân ở khu phố Cát Tiến duy trì quanh năm.

Để sản phẩm ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường, gia đình ông Thăng và một số hộ ở khu phố Cát Tiến đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp - Hương bài Như Xuân. Con gái ông Thăng là chị Lê Thị Hằng, sinh năm 1989, quyết tâm theo đuổi nghề của gia đình. Từ việc học hỏi, kế thừa kinh nghiệm của gia đình và phát huy sức trẻ nhanh nhẹn, năng động của mình, chị Hằng tham gia HTX và hiện là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp - Hương bài Như Xuân. Trung bình, HTX sản xuất từ 35 - 40 vạn cây hương bài/tháng, tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2021, sản phẩm Hương bài Yên Cát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm hương bài Như Xuân không chỉ được bán rộng rãi trong thị trường cả nước, còn được xuất đi nhiều nước ở châu Á, châu Âu để phục vụ kiều bào xa Tổ quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Lê Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát khẳng định, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thổ ở Yên Cát, nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn thể hiện đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Việt Nam. Sản phẩm được phân phối rộng rãi trong nước và quốc tế chính là cơ hội để hương bài khẳng định thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm.

Từ năm 2022, sản phẩm thịt trâu gác bếp thợ rừng của gia đình anh Lê Hải Hà, khu phố Mỹ Ré được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ xa xưa thịt trâu gác bếp là đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Thổ nói riêng. Nhận thấy nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là rất lớn, là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng cho người sử dụng, nguyên liệu chính hoàn toàn từ tự nhiên và sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở rất nhiều thị trường nên anh Lê Hải Hà đã tổ chức sơ chế, chế biến thủ công để giữ được hương vị tự nhiên, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình và tạo việc làm cho người dân lao động. Ở thị trấn Yên Cát, trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Thổ còn có anh Lê Đức Sơn, khu phố Mỹ Ré với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi; anh Lê Hải Hồng, khu phố Xuân Chính kinh doanh vật liệu xây dựng... được nhiều người biết đến.

Những người trẻ biến đất cằn “nở hoa”

Về thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Lê Nhân Hậu. Dưới cái nắng hè oi ả, khu trang trại của gia đình anh xanh mướt với những hàng bưởi, xoài, phía dưới là đập ao mới vừa để nuôi cá và điều tiết nước tưới cho bà con trong vùng. Lê Nhân Hậu, sinh năm 1985, tốt nghiệp Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2009 (cơ sở tại Thanh Hóa). Nhận thấy đất đai của gia đình còn nhiều, những vườn cây cao su lâu năm hiệu quả kinh tế thấp dần, anh Hậu suy nghĩ, nếu như cải tiến đất đồi, trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả chất lượng sẽ đem lại thu nhập cao cho gia đình. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào cải tạo lại khu đồi với diện tích 7 ha của gia đình mình, trong đó anh dành 5 ha trồng keo, 2 ha trồng các loại bưởi, nhiều nhất là bưởi da xanh với hơn 1.000 gốc. Vườn bưởi đến nay đã được 3 năm, bắt đầu vụ bói đầu tiên, anh Hậu dự kiến đến tháng 9, tháng 10 năm nay sẽ cho thu hoạch. Trên đồi thì trồng keo, trồng bưởi, dưới ao anh Hậu thả cá nước ngọt, chủ yếu là trắm cỏ. Trang trại gia đình anh Hậu đang tạo việc làm cho 6 - 7 lao động thường xuyên, mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh Hậu còn thuê 3 ha đất dự phòng của xã để trồng 1.500 gốc cam Đường Canh. Hiện nay, anh Hậu còn là Giám đốc HTX Liên Hiệp (Hóa Quỳ), với 12 thành viên. HTX chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây ăn quả, liên kết chăn nuôi vịt với Tập đoàn Mavin. Mỗi năm, HTX nuôi 4 - 5 lứa vịt, mỗi lứa khoảng 1,2 vạn con, trung bình xuất bán 40 tấn vịt/lứa.

Làm giàu trên quê hươngAnh Lê Nhân Hậu (phải) thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ trồng hơn 1.000 gốc bưởi da xanh.

Cũng như anh Lê Nhân Hậu, ở xã Hóa Quỳ nhiều người còn biết đến chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, sinh năm 1990, dân tộc Thổ, thôn Thanh Xuân là những người trẻ dám nghĩ, dám làm, biến vùng đất khô cằn trở nên xanh mướt. Đến nay, Linh đã xây dựng thành công bước đầu mô hình “Vườn rừng Bản Thổ” với mục đích liên kết đồng bào và hướng tới tạo ra một hình thức du lịch mới kết hợp cả ba yếu tố: du lịch - văn hóa - nông nghiệp.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh cho biết: Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, xung quanh là những người nông dân gắn bó với nông nghiệp, thế nên tôi hiểu rõ nỗi vất vả của họ. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm tìm hướng đi để “làm sao tận dụng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế mà vẫn góp phần xây dựng môi trường phát triển bền vững tại quê hương?”. Đó chính là lý do tôi rời Hà Nội về thực hiện mô hình “Vườn rừng Bản Thổ”. HTX Bản Thổ thành lập tháng 12-2020 với 7 thành viên. Hiện doanh thu chính và được HTX chú trọng để phát triển thành sản phẩm mũi nhọn là mật ong lên men, các thảo dược kết hợp cùng mật ong lên men tạo nên các sản phẩm riêng biệt. Mô hình của Bản Thổ trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực cho những thanh niên khác tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Lê Khắc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, cho biết: Xã Hóa Quỳ có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh, trong đó dân tộc Thổ chiếm 27,5% dân số toàn xã. Người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Những năm qua, trong đồng bào dân tộc Thổ xã Hóa Quỳ đã có nhiều tấm gương tiêu biểu là đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, điển hình như anh Lê Nhân Hậu và chị Nguyễn Lê Ngọc Linh. Họ là những tấm gương, tạo động lực cho những thanh niên khác trên địa bàn về ý chí, nghị lực vươn lên, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]