(vhds.baothanhhoa.vn) - Mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân văn minh, hiện đại.

Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân

Mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân văn minh, hiện đại.

Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân

Hoạt động hòa giải tại khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn.

Trong cuộc sống hàng ngày do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách, kinh nghiệm… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân.

Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tình cảm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên hòa giải ở cơ sở được hình thành - là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cơ sở, góp phần giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vì vậy, hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng; góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm nói riêng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác hòa giải ở cơ sở giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, tránh để “chuyện bé xé ra to”,“cái sảy nảy cái ung”, từ tranh chấp dân sự chuyển thành phạm tội hình sự. Thông qua hòa giải ở cơ sở, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước; góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.

Chính vì vậy, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, điều này thể hiện như sau:

Thứ nhất, để tiến hành hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín của bản thân, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật từ đó đưa ra nhận định và hướng dẫn, phân tích cho các bên tranh chấp biết, hiểu thỏa thuận của họ có đúng pháp luật không, có phù hợp đạo đức không, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc người thứ ba không, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thứ hai, thông qua hòa giải ở cơ sở, bằng việc đưa ra những quy định của pháp luật để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp, hoà giải viên đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, từ đó giúp họ hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật (để tránh những tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tương tự có thể tiếp tục xảy ra). Đồng thời, sau khi được hòa giải, mỗi bên tranh chấp cũng có thể trở thành người tư vấn pháp luật cho những người khác (người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) khi những người này nảy sinh hoặc có nguy cơ nảy sinh tranh chấp tương tự trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ ba, thông qua hòa giải, hòa giải viên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua vụ việc cụ thể, cho đối tượng cụ thể bằng cách thức dễ hiểu nhất, gần gũi nhất, phân tích sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên phù hợp với từng nội dung cụ thể. Đây là phương thức phổ biến pháp luật tác động trực tiếp từ chủ thể (hòa giải viên) đến đối tượng (các bên mâu thuẫn, tranh chấp và những người khác) với nội dung pháp luật xác định, gắn liền với từng mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật cụ thể. Từ đó các bên hiểu rõ, nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ xã hội nhất định và hình thành hành vi xử sự phù hợp, đó chính là thói quen tự giác chấp hành pháp luật.

Thứ tư, hòa giải ở cơ sở là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Vì vậy, hòa giải ở cơ sở là một phương thức để thực hiện dân chủ. Thông qua hòa giải ở cơ sở, vai trò tự quản của người dân được tăng cường, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội.

Bằng hoạt động hòa giải ở cơ sở, các bên tranh chấp tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở nguyện vọng, hài hòa lợi ích giữa các bên. Hòa giải viên ở cơ sở là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; hòa giải viên hướng dẫn các bên tranh chấp, mâu thuẫn để họ tự thống nhất cách giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

Thứ năm, hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải, giải quyết kịp thời sẽ không phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, không gây sự âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, từ đó các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.

Như vậy, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân, hướng mọi người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh. Mặt khác, qua việc nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó có những đề xuất, kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp, “Ý Đảng - lòng Dân”.

Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân văn minh, hiện đại. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

ThS Lê Thị Hương

Phó Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và NCKH, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa


ThS Lê Thị Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]