(vhds.baothanhhoa.vn) - Tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội để làng nghề thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, cũng còn đó không ít thách thức.

Làng nghề và công nghệ: Cơ hội và thách thức

Tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội để làng nghề thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, cũng còn đó không ít thách thức.

Làng nghề và công nghệ: Cơ hội và thách thứcCông nhân làm việc tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Việt Trang

Mới dừng ở... thử nghiệm

Trước đây, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu đã có ý tưởng áp dụng công nghệ đúc khuôn mẫu chảy vào sản xuất tại doanh nghiệp của ông - Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn ở làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Đúc mẫu chảy là làm cho mẫu bằng sáp chảy lỏng ra và thoát khỏi khuôn, để lại một hốc khuôn có hình dáng tương tự như hình dáng vật đúc. Đây là phương pháp tiên tiến, nhiều ưu điểm.

Theo NNƯT Nguyễn Bá Châu, đúc mẫu chảy có thể làm được các chi tiết phức tạp, có thành mỏng, chất lượng bề mặt cao, giảm đáng kể lượng gia công cơ khí. Đặc biệt, nhiều chi tiết đúc xong có thể sử dụng ngay. “Khuôn chỉ đúc được 1 lần nhưng công nghệ để làm khuôn là cả dây chuyền. Tôi đã làm thử nghiệm 1 vài vật nhỏ và cho hiệu quả cao, họa tiết hoa văn rất sắc nét. Áp dụng công nghệ này, một ngày công lao động có thể làm được vài chục, thậm chí cả trăm sản phẩm, nhanh hơn nhiều lần so với làm thủ công”, NNƯT Nguyễn Bá Châu cho biết.

Cũng theo nghệ nhân, nếu ứng dụng công nghệ này, sản phẩm sẽ đến gần hơn với khách du lịch khi đến tham quan làng nghề. Bởi lợi thế của công nghệ là đúc được hiện vật nhỏ, hợp với túi tiền của khách hàng, một sản phẩm có thể dao động từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Điều này, phương pháp thủ công không thể đáp ứng. Đồng quan điểm, ông Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thiệu Hóa cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm làng nghề đúc đồng Thiệu Trung có kém hơn so với một số tỉnh bạn. Ông nói: “Ví dụ ở Nam Định, họ đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất. Như vậy, làm thương mại, du lịch sẽ rất tốt. Trong thời gian tới làng nghề đúc đồng Thiệu Trung vẫn đi theo hướng vừa bảo đảm truyền thống vừa đa dạng hóa hàng hóa để tiếp cận công nghệ cao”.

Với NNƯT Nguyễn Bá Châu, câu chuyện về ý tưởng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất dường như vẫn chưa hết. Đúc mẫu chảy, ông mới chỉ dừng ở thử nghiệm. Muốn phát triển quy mô cần phải có vốn đầu tư cho máy móc, lò, xưởng với số tiền thấp nhất khoảng 2 tỷ đồng. Đây cũng chính là điều ông trăn trở.

"Gác" lại công nghệ

Năm 2019, trước 1 năm dịch COVID-19 bùng nổ tại Việt Nam, làng nghề dệt chiếu cói truyền thống Nga Sơn có dấu hiệu hoạt động cầm chừng do khó khăn đầu ra cho sản phẩm. Trước đó, sản phẩm làng nghề có chỗ đứng ổn định tại thị trường trong nước và các nước Trung Quốc, Nhật Bản.

Làng nghề và công nghệ: Cơ hội và thách thức

Trong quá trình sản xuất, để bắt kịp công nghệ, thích ứng với thị trường đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, một số hộ làm nghề không còn dệt chiếu thủ công bằng tay mà chuyển sang dệt chiếu bằng máy. Nếu dệt bằng tay thì 3 tiếng mới cho 1 chiếc chiếu nhưng dệt máy thì khoảng 45 phút đã có sản phẩm.

Sau này, do khó khăn đầu ra, 22 máy dệt chiếu ngày ấy, giờ chỉ còn 3 máy ở doanh nghiệp. Các hộ có máy trước đây đã chuyển sang làm thủ công mỹ nghệ, đan lát các mặt hàng từ cói. Doanh nghiệp còn máy và những hộ làm thủ công vẫn sản xuất chiếu, tuy nhiên chỉ làm theo đơn đặt hàng và tiêu thụ trong nước. “Tiến bộ khoa học - kỹ thuật lúc nào cũng cần, nhưng quan trọng vẫn là thị trường tiêu thụ. Có thị trường tiêu thụ sản phẩm thì tự khắc doanh nghiệp phải thay đổi, tìm đến công nghệ và ngược lại”, ông Nguyễn Hữu Thọ, chuyên viên Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nga Sơn chia sẻ.

Câu chuyện về ý tưởng áp dụng công nghệ đúc mẫu chảy của NNƯT Nguyễn Bá Châu hay câu chuyện về máy dệt chiếu ở làng nghề dệt chiếu cói truyền thống Nga Sơn, đặt ra thử thách đối với người làm nghề. Áp dụng công nghệ hiện đại để thay đổi tư duy, phương pháp cách làm với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để thay đổi cần nguồn vốn đầu tư. Và ngay cả khi đã ứng dụng được công nghệ thì cũng có thể vẫn phải “gác” lại công nghệ do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Làng nghề và công nghệ: Cơ hội và thách thứcTượng Mẹ Âu Cơ theo công nghệ đúc mẫu chảy của NNƯT Nguyễn Bá Châu.

Đứng trước cuộc cách mạng 4.0, và sẽ còn nhiều thử thách hơn thế trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, ở Thanh Hóa, một số làng nghề đang có nguy cơ mai một, thậm chí là biến mất. Sự bế tắc này, chủ yếu do sử dụng kỹ năng của đôi bàn tay là chính, máy móc, thiết bị thô sơ nên năng suất, chất lượng không cao. Vậy nên, cần thiết phải đổi mới. Đổi mới để tồn tại.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 nêu mục tiêu: “Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, chú trọng sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu”. Mục tiêu định hướng cho các làng nghề tiếp tục duy trì, phát triển bảo đảm tính bền vững. Muốn vậy, phải liên tục đổi mới, sản phẩm phải tinh túy, mang nét văn hóa dân tộc thì mới có thể đứng vững và phát triển trên thị trường. Muốn tạo màu sắc mới cho sản phẩm làng nghề, cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại. Nếu biết khai thác thế mạnh của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du lịch thì làng nghề sẽ thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đầu tiên sản phẩm làng nghề phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, chất lượng phải được người tiêu dùng trong nước đánh giá tốt… Đó là thách thức không nhỏ!

Bài và ảnh: Hoàng Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]