(vhds.baothanhhoa.vn) - Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến cho người lao động trở về sau xuất khẩu khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã từng làm ở nước ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Đâu là nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến cho người lao động trở về sau xuất khẩu khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã từng làm ở nước ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Đâu là nguyên nhânĐào tạo nghề cho lao động trước khi đi xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân.

Tin liên quan:
  • Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Đâu là nguyên nhân
    Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Cần những giải pháp đồng bộ

    Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của người lao động đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả. Nhằm giúp người lao động hòa nhập thị trường lao động khi về nước, ổn định cuộc sống, tránh lãng phí lao động có tay nghề, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

  • Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Đâu là nguyên nhân
    Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Nhìn từ thực trạng

    Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh rất được quan tâm. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến 30-10-2021, toàn tỉnh có 19.662 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, năm 2019 là 10.309 lao động; năm 2020 là 5.718 lao động; 10 tháng của năm 2021 xuất khẩu được 3.635 lao động. Thị trường XKLĐ tập trung chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông, trong đó, số lao động có trình độ tay nghề chiếm 15-20% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, tiện, may). Đối với lao động thuộc 11 huyện miền núi, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Những địa phương đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân.

Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng việc làm của lao động sau xuất khẩu trở về, chúng tôi được gặp anh Lê Minh Thái ở phố Tân Cộng, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa), là một trong số ít người thành công, thành lập công ty, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập trung bình từ 7-11 triệu đồng/tháng. Anh sang Hàn Quốc lao động từ năm 2007 đến 2012, làm công nhân sản xuất kim chi, với mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng. Trước khi đi nước ngoài anh làm thợ cơ khí. Trở về, anh không hề có ý định tìm công việc phù hợp để phát huy ngành nghề lao động tại Hàn Quốc. Anh lý giải: “Không riêng gì tôi mà rất nhiều người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ với mục đích kiếm nguồn vốn nhất định về quê lập nghiệp. Hầu hết khi trở về, chúng tôi đều tự xoay xở công việc phù hợp với bản thân, ổn định cuộc sống và gần gũi gia đình, rất ít người được làm công việc đã từng làm ở nước ngoài. Hơn nữa, dù cùng một công việc, khi làm việc tại nước ngoài có mức thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng, về doanh nghiệp địa phương giỏi lắm được 10 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch này khiến chúng tôi có tâm lý muốn kinh doanh riêng”. Với suy nghĩ đó, mặc dù có khả năng giao tiếp tiếng Hàn rất tốt, từng có cơ hội làm phiên dịch viên cho công ty nước ngoài với mức lương 20 triệu đồng/tháng, nhưng anh Thái vẫn từ chối và quyết định thành lập Công ty TNHH dịch vụ thương mại Minh Thái, tiếp tục nghề cũ trước khi sang Hàn Quốc.

Trên thực tế, sau xuất khẩu trở về, có vốn, nhiều lao động đã mở, hoặc góp vốn mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như anh Thái. Bởi phần nhiều họ thiếu kinh nghiệm thị trường, kỹ năng quản lý... Do vậy mà nhiều lao động chỉ buôn bán nhỏ, đi làm công nhân với ngành nghề thông thường, hoặc làm nông nghiệp.

Đó là góc nhìn từ phía người lao động, còn phía địa phương, theo ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc (Lang Chánh): “Mặc dù địa phương rất muốn tận dụng nguồn lao động chất lượng cao này, nhưng lực bất tòng tâm. Bởi, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư sản xuất, kinh doanh. 6 năm nay, mỗi năm xã Tân Phúc có khoảng 10 lao động đi xuất khẩu, 10 tháng đầu năm 2021 mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng vẫn có 13 người đi XKLĐ. Trong 3 năm gần đây, xã có khoảng 10 lao động trở về địa phương, làm lao động tự do, đi làm ăn xa hoặc mở cửa hàng nhỏ kinh doanh tại nhà”.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, cuối tháng 9-2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 50 doanh nghiệp FDI cần tuyển dụng khoảng trên 35.000 lao động, chủ yếu ở ngành giày da và may mặc. Con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Liên đoàn Lao động tỉnh cùng với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nói chung và người lao động trở về sau xuất khẩu nói riêng nắm bắt thông tin, lựa chọn nơi làm việc phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng. Nhưng không nhiều lao động trong số này có nhu cầu. Bởi nói như anh Lê Minh Thái (phố Tân Cộng, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa), tính cả tăng ca, thu nhập cũng chưa được 10 triệu đồng/tháng. Cùng một công việc như ở nước ngoài, thu nhập thấp hơn rất nhiều, nên họ khó chấp nhận. Trong khi đó, các vị trí có thu nhập cao, như phiên dịch viên, kỹ sư, quản lý... lại rất ít và nếu có tuyển dụng thì nhiều lao động trở về sau xuất khẩu cũng không thể đáp ứng.

Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa), cho biết: “Kỹ năng người lao động được đào tạo bên nước ngoài thường gắn với công việc thực tế, điều kiện vật chất, mô hình máy móc trong từng lĩnh vực nhất định. Mặt khác, dù được đào tạo, làm việc bên nước ngoài, nhưng mỗi người lao động Việt Nam chỉ đảm nhiệm một phần nhỏ trong hệ thống dây chuyền của nhà máy. Về nước, dù có doanh nghiệp FDI, nhưng mô hình, điều kiện vật chất, máy móc khác với ở nước ngoài. Muốn sử dụng họ, doanh nghiệp phải đào tạo lại, người lao động phải thích ứng được. Tuy nhiên, khả năng thích ứng của nhiều lao động Việt Nam chưa cao, lại thêm mức lương thấp, khiến họ không hào hứng gắn bó”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp cung ứng nhân lực, cơ hội việc làm dành cho người đi XKLĐ về nước vẫn rất lớn vì các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng luôn có nhu cầu tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Điều kiện này thì lao động trở về sau xuất khẩu đáp ứng được. Chỉ có điều là sự chấp nhận của họ. Bản thân người lao động cũng phải tự so sánh mức chi phí cho cuộc sống sau thu nhập ở nước ngoài, cùng với đó là môi trường, yêu cầu công việc, chứ không nên chỉ nhìn phiến diện ở mức tiền công mà doanh nghiệp chi trả.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng cường hơn công tác kết nối giữa cung và cầu, giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tích cực vào cuộc trong việc quản lý, hỗ trợ pháp lý, tư vấn việc làm, tổ chức chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu... giúp người lao động sau xuất khẩu tái hòa nhập thị trường lao động trong nước, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Việc làm này là vô cùng cần thiết, vừa tận dụng được nguồn lao động giàu kinh nghiệm, có kỹ năng vừa góp phần giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Bài và ảnh: Thành Phan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]