(vhds.baothanhhoa.vn) - Do giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng trong những tháng đầu năm đồng loạt tăng giá, không những ảnh hưởng đến túi tiền của người dân mà còn làm giảm sức mua của thị trường. Và người dân đã có nhiều cách để thích ứng, tiết kiệm chi tiêu.

Muôn kiểu thích ứng thời hàng hóa tăng giá

Do giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng trong những tháng đầu năm đồng loạt tăng giá, không những ảnh hưởng đến túi tiền của người dân mà còn làm giảm sức mua của thị trường. Và người dân đã có nhiều cách để thích ứng, tiết kiệm chi tiêu.

Muôn kiểu thích ứng thời hàng hóa tăng giáTrước việc hàng hóa tăng giá, người tiêu dùng phải tính toán chi tiêu nhiều hơn.

“Hoa mắt” vì hàng hóa tăng giá

Hơn 1 tháng nay, bà Trương Thị Oanh, ở phố Nam Sơn, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) không khỏi lo ngại mỗi lần xách làn đi chợ. Gia đình bà có 6 người, việc chi tiêu, cơm nước trong nhà đều do bà quán xuyến. Trước đây, chi phí sinh hoạt (ăn uống, điện, nước, ga, mắm muối...) trung bình mỗi tháng của gia đình bà hết 9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau tết, hàng hóa tăng giá đồng loạt, ít thì một vài nghìn (muối, đường), nhiều thì vài chục nghìn đồng (dầu ăn, ga...); rồi thì thực phẩm cá, thịt, tôm... đều “nhảy giá” mỗi ngày. Dù việc chi tiêu vẫn như cũ song chi phí sinh hoạt tháng vừa qua của gia đình bà Oanh đã đội lên mức 11 triệu đồng. Chưa kể, vợ chồng con trai bà còn phải lo tiền học, bỉm sữa cho hai con nhỏ, mỗi tháng hết gần 6 triệu đồng.

Khác với gia đình bà Oanh, gia đình bà Lương Thị Ngọ ở xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) vốn nghề nông, con cái đi làm ăn xa. Mỗi năm, ngoài 2 vụ lúa thì bà Ngọ trồng thêm rau màu đem đi chợ bán lấy tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Ngày hơn bù ngày kém, được ngót nghét 100 nghìn đồng cũng đủ cho mức chi tiêu ở quê. Nhưng từ giữa tháng 2-2022, hàng hóa tăng giá, việc chi tiêu của gia đình bà Ngọ càng phải dè sẻn. Bà Ngọ cho biết: “Rau bán ở chợ cho bà con trong làng nên không thể tăng giá, vì tăng thì họ không mua. Ai đời, bán cả gánh rau nặng trĩu mà về quán tạp hóa chưa mua được chai dầu ăn. Trong khi giá phân bón, giống rau trồng đều tăng".

Theo ghi nhận thực tế, nếu trước đây một can dầu ăn 2 lít nhãn hiệu Simply có giá chỉ hơn 100 nghìn đồng thì giờ đây đã vọt lên trên 140 nghìn đồng; đường trắng tăng lên hơn 24 nghìn đồng/kg; mì tôm Hảo Hảo tăng lên mức 110 nghìn đồng/thùng...; rồi thì rau, củ, quả, gạo... đều tăng giá (tùy mua ở cửa hàng bán lẻ hay siêu thị mà giá bán có thể chênh lệch khác nhau).

Áp lực hàng hóa tăng giá không chỉ là câu chuyện của riêng người tiêu dùng như bà Oanh, bà Ngọ mà còn khiến cả người sản xuất, người bán hàng cũng đau đầu. Cô Nguyễn Thị Mão, ở phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) chuyên làm bánh ngọt bán lẻ tại chợ Điện Biên, cho biết: “Trước đây, một túi bánh tôi bán 20 nghìn đồng, mỗi ngày trung bình bán được gần 50 túi. Hiện tại, giá nguyên liệu làm bánh (bơ, trứng, bột mì, dầu ăn...) đều đã tăng mạnh, nhưng giá bán bánh lại chưa thể tăng. Dù vậy nhưng gần đây, trung bình mỗi ngày tôi chỉ bán được hơn 20 túi bánh. Bây giờ chủ yếu làm để duy trì nghề, đợi cho “bão giá” đi qua, chứ cứ như thế này không biết phải làm thế nào”.

Anh Mạnh, chủ cửa hàng tạp hóa Mạnh Hoa, ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) lo lắng: “Hàng hóa nhập vào tăng cao khiến tôi là người kinh doanh còn thấy xót ruột. Giá cả tăng, người dân ít mua, hàng hóa bán chậm, ế ẩm, doanh thu sụt giảm”.

Muôn kiểu tiết kiệm

Trong cơn “bão giá” hàng hóa, tùy vào điều kiện thu nhập của mỗi gia đình mà việc ứng phó với “bão giá” có thể khác nhau. Là nhân viên Ngân hàng VPBank (TP Thanh Hóa), chị Lê Vân chia sẻ: “Do công việc áp lực về thời gian, nên buổi trưa tôi thường ở lại cơ quan đi ăn cùng đồng nghiệp. Nhưng gần đây, một phần do dịch bệnh, phần vì giá cả tăng nên hàng ngày tôi dậy sớm một chút chuẩn bị bữa trưa mang theo. Vừa tiết kiệm được một khoản, lại đảm bảo an toàn”.

Còn anh Vũ Thanh Quân ở xã Đông Thanh (Đông Sơn) làm việc tại TP Thanh Hóa lại chọn việc tiết kiệm chi phí bằng cách chuyển từ đi ô tô sang xe máy. Anh cho biết: “Tôi là nhân viên văn phòng nên lương cố định. Trước đây do giá xăng chưa tăng nên tôi chọn đi ô tô cho an toàn. Nhưng hiện nay, không chỉ giá xăng, việc chi tiêu trong gia đình cũng tăng lên nhiều, nên tôi chuyển sang đi xe máy vào những ngày không mưa gió, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng”.

Vốn là người có sở thích mua sắm song chị Phạm Tâm, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) thời gian gần đây cũng phải điều chỉnh việc chi tiêu của mình. Chị cho biết: “Trung bình, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi 20 triệu đồng, chi phí sinh hoạt và học tập của hai con dao động khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trước đây, tôi thường dành mỗi tháng 2 triệu đồng mua sắm quần áo cho cả gia đình, nhưng bây giờ chủ yếu chỉ mua cho con”.

Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng do hàng hóa tăng giá, nhiều đơn vị kinh doanh đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: “Giá các mặt hàng tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, làm giảm sức mua của thị trường. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu của Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa giảm khoảng 10%. Với người làm kinh doanh thì lợi nhuận vẫn được xem là yếu tố hàng đầu, nhưng trong tình hình hiện nay, bản thân đơn vị kinh doanh cũng phải chấp nhận “chịu thiệt”. Có nghĩa nếu trước đây lợi nhuận kinh doanh là 2 đồng, thì bây giờ hạ xuống còn 1 đồng. Tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chúng tôi đã làm việc với các đối tác, nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào xuống thấp. Nhằm giảm chi phí vận chuyển, siêu thị tăng cường đấu mối đưa nông sản địa phương (rau, củ, quả) có sẵn, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ người tiêu dùng. Cùng với đó là triển khai các chương trình giảm giá. Để vượt qua giai đoạn khó khăn do hàng hóa tăng giá, việc chia sẻ lợi nhuận, bình ổn giá, tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng mới là điều quan trọng nhất hiện nay”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]