(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi bình minh vừa ló rạng, tại Cảng cá Lạch Bạng đã nhộn nhịp, tấp nập với hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân nối đuôi nhau cập cảng mang theo nhiều hải sản sau những ngày lênh đênh trên sóng biển. Trên bờ, tiếng người mua bán í ới, tất bật với đủ công việc từ khiêng vác, gồng gánh cá, tôm, rồi phân loại...

Mưu sinh ở Cảng cá Lạch Bạng

Khi bình minh vừa ló rạng, tại Cảng cá Lạch Bạng đã nhộn nhịp, tấp nập với hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân nối đuôi nhau cập cảng mang theo nhiều hải sản sau những ngày lênh đênh trên sóng biển. Trên bờ, tiếng người mua bán í ới, tất bật với đủ công việc từ khiêng vác, gồng gánh cá, tôm, rồi phân loại...

Mưu sinh ở Cảng cá Lạch BạngCảng cá Lạch Bạng vào buổi sớm mai nhộn nhịp người mua, kẻ bán.

Nằm trên địa bàn phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) Cảng cá Lạch Bạng là một trong những cảng cá lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và được đưa vào khai thác từ năm 2003. Đây là điểm trung chuyển thiết yếu các loại thủy, hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực, đồng thời thu hút lượng lớn tàu thuyền của thị xã Nghi Sơn và nhiều tỉnh vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, tránh trú bão.

Ở cảng có các dịch vụ như: Cung cấp đá lạnh, nước ngọt, cửa hàng, kho lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản, ngư cụ, nhiên liệu, kho đông lạnh... Cảng hiện quản lý trên 170 phương tiện tàu thuyền (chiều dài từ 15m đến 27m), trung bình mỗi ngày có khoảng chục lượt tàu dịch vụ, hậu cần, thu mua, tàu lưới kéo cập cảng thường vào buổi sáng... Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều năm qua Lạch Bạng trở thành nơi mưu sinh của người dân vùng biển Hải Bình, Hải Thanh...

Mưu sinh ở Cảng cá Lạch BạngCảng cá là nơi mưu sinh của những người lao động, chủ yếu ở hai phường Hải Bình, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn).

Chúng tôi có mặt ở Cảng cá Lạch Bạng vào buổi sáng sớm, không khí nơi đây ồn ào, náo nhiệt với hình ảnh những người lao động đang tất bật với công việc khuân vác, phân loại cá, tôm... ngay tại bờ. Họ phần đông đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định. Có những người dù ở cái tuổi đáng nhẽ được nghỉ ngơi, nhưng vẫn luôn tay, ai thuê gì làm nấy, làm từ sáng sớm đến chiều tối. Ở cảng cá này, công việc mưu sinh được chia thành nhiều công đoạn. Trong đó, nhóm khuân hàng hay gánh cá từ trên thuyền xuống bến là những người làm công việc nặng nhọc nhất.

Có thâm niên gần chục năm gắn bó với công việc cửu vạn ở cảng cá, hơn ai hết anh Lê Văn Toàn (40 tuổi, tổ dân phố Tân Vinh, phường Hải Bình) hiểu rõ công việc vất vả như thế nào. Trên khuôn mặt sạm nắng gió, mồ hôi chảy thành dòng, anh cùng tốp lao động chừng 3, 4 người trèo qua mạn tàu, rồi mang những thùng cá, tôm nặng trịch đó xuống bến cho những người buôn. Anh Toàn cho biết, công việc này nặng nhọc, đòi hỏi có sức khỏe, vất vả nhất những hôm trời nắng nóng, mùi tanh hôi của nước thải chảy lênh láng khắp nơi sau mỗi lần thuyền cập cảng bốc lên rất khó chịu. Mọi người ở đây có người thuê là làm, ai thuê gì làm nấy. Mỗi ngày vận chuyển cá, tôm, mực như thế anh cũng kiếm được hơn ba trăm nghìn đồng.

Đang lúi húi thu gom, phân loại hải sản bán lại cho các thương lái, chị Nguyễn Thị Yến (phường Hải Thanh), cho biết: Cảng cá Lạch Bạng là nơi mưu sinh của phần đông người dân 2 phường Hải Bình, Hải Thanh. Đây được coi là nơi cung cấp nguồn hải sản tươi ngon nhất nên nhiều chủ nhà hàng ở trong tỉnh thường đặt hàng tại đây. Bình quân, mỗi ngày có hàng trăm người buôn bán nhỏ lẻ, lao động mưu sinh tại cảng. Họ làm đủ nghề như: bốc vác thuê; phân loại hải sản; bóc xẻ tôm, cá; gánh cá lên xe cho thương lái... Ngoài ra, còn vận chuyển đá lạnh, thức ăn, nhu yếu phẩm phục vụ cho chủ tàu. Vất vả là vậy nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Theo chị Yến, nghề này khó nhọc, lam lũ, hàng ngày phải tiếp xúc rồi hít thở mùi tanh nồng của tôm, cá ám vào nhiều lúc nôn nao, khó chịu.

Mưu sinh ở Cảng cá Lạch Bạng

Cảng cá là nơi mưu sinh của những người lao động, chủ yếu ở hai phường Hải Bình, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn).

Do điều kiện làm việc khắc nghiệt, giờ giấc không đảm bảo, người lao động nơi đây luôn nơm nớp với sức khỏe của mình sau này, chưa kể những tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mấy năm nay ngư dân đi biển gặp khó, công việc ngày một ít đi, người làm thì nhiều. Xô xát, đánh nhau giành mối làm ăn là chuyện thường xuyên xảy ra, tất cả cũng bởi hai chữ mưu sinh.

Vất vả, mệt mỏi là vậy, nhưng vì “miếng cơm, manh áo” họ sẵn sàng đánh đổi, hi sinh để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]