(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi năm, gần đến ngày 27-7, tôi thường nghĩ đến hình ảnh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số 73 mẹ còn sống, người “trẻ” nhất cũng đã 87 tuổi. Qua bao thăng trầm, các mẹ vẫn vươn lên, sống vì những người con còn bên cạnh mình, và lặng lẽ lau nước mắt vì chồng, vì con đã hy sinh.

Ngày 27-7, lại nhớ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mỗi năm, gần đến ngày 27-7, tôi thường nghĩ đến hình ảnh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số 73 mẹ còn sống, người “trẻ” nhất cũng đã 87 tuổi. Qua bao thăng trầm, các mẹ vẫn vươn lên, sống vì những người con còn bên cạnh mình, và lặng lẽ lau nước mắt vì chồng, vì con đã hy sinh.

Năm nay, vừa về đến UBND huyện Như Thanh, anh Trương Thanh Tĩnh, Trưởng phòng LĐ- TB&XH cho chúng tôi biết: Huyện Như Thanh có tổng cộng 57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng đến giờ chỉ duy nhất mẹ Bùi Thị Long còn sống. Mẹ Hà Thị Nghé mới ra đi cách đây hơn 1 tháng.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cách đây 2 năm khi tôi về thôn Hợp Tiến, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh thăm mẹ, mẹ vội khoác cái áo hoa và chiếc khăn sặc sỡ đón chúng tôi.

Ngày 27-7, lại nhớ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Nghé (ảnh chụp năm 2021).

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Nghé sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. Tuổi thơ mẹ đã chứng kiến và trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, luôn tin theo Đảng và hướng về cách mạng.

Mẹ từng kể cho tôi nghe 2 lần tiễn đưa hai người con tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chưa kịp biết thông tin về con thì trong 2 năm mẹ liên tiếp nhận giấy báo tử của cả 2 người. Con thứ hai của mẹ - liệt sĩ Lương Văn Tăng, sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1971, hy sinh ngày 24-6-1978 tại mặt trận phía Tây Nam và người con thứ tư - liệt sĩ Lương Ngọc Băng, sinh năm 1957, nhập ngũ tháng 10-1974, hy sinh tháng 10-1979 cũng tại mặt trận phía Tây Nam.

Cuộc đời của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Nghé với 96 tuổi đời, trải qua biết bao thăng trầm và chịu không ít nỗi buồn. Nhưng mẹ vẫn còn có 7 người con bên cạnh động viên, an ủi. Căn nhà của mẹ đã được các con sửa lại khang trang hơn. Một người con của mẹ nói với chúng tôi: “Mẹ tôi tuổi cao sức yếu, như ngọn đèn leo lắt rồi tắt. Mẹ về vui với ông bà bên kia thế giới nhưng chúng tôi thì mất đi người thân yêu nhất”.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Long (thôn Bái Gạo 2, xã Mậu Lâm, Như Thanh) năm nay vừa tròn 90 tuổi. Mỗi năm qua đi, mẹ yếu hơn nhiều. Anh Quách Văn Sơn, người con trai thứ ba của mẹ Long, hiện là bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã Mậu Lâm (Như Thanh) cho chúng tôi biết: “Mấy hôm nay, nhiều đoàn tới thăm mẹ lắm. Mệt nhưng mẹ vui”.

Cuộc đời của mẹ Long trải qua nhiều vất vả, gian khó. Đã từng là dân quân du kích, mẹ thấu hiểu những hiểm nguy của chiến tranh. Khi người con thứ hai, anh Quách Văn Minh (SN 1963) lên đường nhập ngũ năm 1982, là lúc mẹ bất an nhất. Đây là giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam rất ác liệt. Chàng trai vừa tròn 20 tuổi đã hào hứng ra trận và mãi mãi không trở về. Anh Minh hy sinh năm 1985.

Khi hỏi về anh, mẹ Long lục tìm trong ngăn tủ những kỷ vật cất giữ bao năm: “Tiếc lắm con ạ, thằng Minh viết mấy lá thư về, mà giờ mẹ chỉ giữ được duy nhất một lá thư”. Rồi mẹ đưa cho tôi lá thư đề “Đêm 20-12-1983”, trong đó có đoạn: “Hiện nay con đang học tại Trường Đào tạo cán bộ thị xã Xiêm Riệp, thời gian đào tạo 6 tháng, khi ra trường phong thiếu úy, làm trung đội trưởng. Hiện giờ con đã học được 3 tháng. Nói chung, học ở trường có khó khăn nhưng con sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu, lý tưởng của con và sự mong muốn của bố, mẹ và toàn thể gia đình”.

Anh Minh còn viết: “Về địch, vừa qua trung đoàn đã đánh bật một tiểu đoàn Pôn Pốt tiêu diệt và bắt sống 200 tên... Về ta có hy sinh và bị thương một số ít thôi"... Những dòng thư ngắn ngủi ấy, mẹ thuộc nằm lòng.

Rồi mẹ lại nhận được tin về sự ra đi của người em trai. Đó là liệt sĩ Bùi Văn Tiếp - hy sinh tại chiến trường hạ Lào trong một trận chiến đấu ác liệt.

Nỗi đau này chưa vơi, nỗi đau kia ập đến. Người con trai thứ tư, anh Quách Văn Quang (sinh năm 1967) cũng hy sinh ở đảo Mê trong một lần làm nhiệm vụ.

Ngày 27-7, lại nhớ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Bùi Thị Long chụp ảnh cùng con dâu và chắt nội.

Vượt qua nỗi đau, mẹ Long vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội, nuôi 4 con khôn lớn. Năm 2020, mẹ là một trong số 300 Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện cho gần 5.000 mẹ còn sống tề tựu tại Thủ đô Hà Nội trong chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020”.

Ngày hôm nay, tôi và bao nhiêu người sinh ra sau chiến tranh, nghe lại chuyện “ngày xưa” không khỏi cảm phục về sự vươn lên, vượt qua nỗi đau của các mẹ. Đặc biệt, khi gặp các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tôi lại càng xúc động hơn. Gánh trọn nỗi đau mất con, mất chồng nhưng các mẹ vẫn sống khỏe, sống có ích.

Tỉnh Thanh Hóa có 4.610 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay chỉ còn 73 mẹ còn sống, trong đó mẹ cao tuổi nhất cũng đã 107 tuổi (mẹ Lê Thị Đệch, ở thị trấn Quý Lộc, Yên Định). Trong lời mở đầu cuốn sách ảnh “Chân dung cuộc sống”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: “Các mẹ đã gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Sự hy sinh thầm lặng và cao cả của các mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta; là bản trường ca bất tử từ đau thương và kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam, đó là cội nguồn để dân tộc ta trường tồn, bất diệt”.

Sẽ chẳng có lời nào để nói hết về các mẹ, bởi các mẹ chính là biểu tượng đẹp về niềm tin, sự vươn lên trong cuộc sống này.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]