(vhds.baothanhhoa.vn) - Dường như người ta chỉ quen nhận từ mẹ mà quên mất rằng đến một lúc nào đó mẹ sẽ không thể cho đi được nữa.

Người mẹ với bữa trưa 5 nghìn đồng

Dường như người ta chỉ quen nhận từ mẹ mà quên mất rằng đến một lúc nào đó mẹ sẽ không thể cho đi được nữa.

Người mẹ với bữa trưa 5 nghìn đồng

(Ảnh minh họa).

Cách đây 3 năm, có lần đi công tác ở huyện Triệu Sơn, buổi trưa vào quán bún chả tôi gọi một suất ăn cho đỡ đói. Suất ăn gồm một đĩa bún với 3 miếng chả to mà chỉ có giá 15 nghìn đồng. Đang ăn thì có một phụ nữ dáng người nhỏ bé đến nói với chủ quán: “Cho chị một đĩa bún 5 nghìn”. Người phụ nữ ấy chỉ ăn bún chấm với nước mắm. Thấy vậy, tôi hỏi: “Sao chị không ăn kèm chả cho ngon?”. Vẻ mặt buồn bã, chị đưa tay chỉ về chiếc xe đạp thồ đầy những nải chuối vàng đang dựng bên vệ đường, rồi nói: “Hàng hôm nay ế ẩm lắm, chị ăn thế này thôi còn để tiền nuôi các cháu”. Tôi ngồi nán lại gọi chủ quán mang biếu chị 3 miếng chả rồi lặng lẽ đi.

Cũng từ hôm đó, tôi thấy trân quý hơn tờ 5 nghìn đồng. Tôi biết, ngoài kia nhiều người kiếm tiền rất dễ nên họ chẳng bao giờ phải tính toán đến bữa ăn, càng không bao giờ biết được 5 nghìn đồng đôi khi có thể đem lại niềm vui cho những người nghèo khổ.

Tôi muốn các con mình biết được điều đó nên có lần mua bún chả về đã cố ý dấu những miếng chả đi, đợi khi bọn trẻ thắc mắc mới đem câu chuyện về người phụ nữ bán chuối kể lại. Mấy đứa trẻ nghe xong lấy làm thương lắm, liền hỏi: “Sao bác ấy không kiếm việc gì làm cho được nhiều tiền hả mẹ?”. Tôi lảng sang chuyện khác vì có những điều phải lớn lên, phải trải nghiệm mới hiểu được rằng đôi khi kiếm được đồng tiền con người ta phải trả bằng xương máu, thậm chí bằng cả tính mạng của mình.

Mưu sinh vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng thương con, phận làm cha mẹ nào có quản ngại. Đêm về rũ rượi, mệt nhoài, tấm lưng chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng một tiếng con ho hay những đêm trời trở gió thì người mẹ nào cũng đều khó mà ngủ được. Đến đây, tôi nhớ đến những người phụ nữ ở quê, họ thường phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để chở hàng bằng xe đạp mang sang huyện khác bán. Có hôm buôn bán ế ẩm phải về muộn, họ cũng không dám mua gì lót dạ mà đợ về đến nhà mới ăn cơm luôn thể. Chưa kịp hoàn hơi, họ lại phải tất bật chuẩn bị hàng hóa cho chuyến lên đường tiếp theo.

Nhìn những đứa con hồn nhiên, vô tư, chẳng người mẹ nào nỡ than thân, trách phận. Nhưng vô tư quá khiến cho nhiều đứa trẻ không hiểu hết công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Khi thơ bé, chúng ham chơi, đòi hỏi những thứ mà chúng thích bất kể gia đình có điều kiện hay nghèo khổ. Đến khi lớn lên, có đứa hiểu chuyện biết quan tâm, đỡ đần việc cho mẹ. Số khác lại thờ ơ, đua đòi bạn bè, chạy theo lối sống ảo. Vì vậy, trước những cám dỗ của cuộc sống hiện đại, chúng dễ dàng sa ngã, thậm chí phạm tội để thỏa mãn những nhu cầu, sự ích kỷ của bản thân mà không nghĩ sẽ làm mất danh dự gia đình và làm đau lòng cha, mẹ.

Đã từ lâu, Ngày của Mẹ (12-5) trên thế giới có biết bao nhiêu nghi lễ để tri ân, nhắc nhớ. Hay ở Việt Nam chúng ta, lễ Vu lan (Rằm tháng bảy) năm nào chẳng có các hoạt động tôn vinh cha mẹ… Thế nhưng, đâu đó vẫn có những người con không nhớ hoặc không biết đến có những ngày như thế. Họ vô tư chạy theo trào lưu, xem những người xa lạ ngoài kia là thần tượng. Vậy nên mới có chuyện, ngày sinh của cha mẹ thì chẳng quan tâm nhưng lại chưa bao giờ quên tặng quà sinh nhật cho người yêu, cho bạn bè hay cho một ca sỹ, diễn viên nào đó. Dường như người ta chỉ quen nhận từ mẹ mà quên mất rằng, đến một lúc nào đó, mẹ sẽ không thể cho đi được nữa. Vì quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, mẹ rồi cũng như “chuối chín cây”, chỉ một cơn gió nhẹ lướt qua cũng có thể rời xa chúng ta mãi mãi.

Xin được khép lại bài viết với 2 câu thơ nổi tiếng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]