(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong điều kiện môi trường làm việc vất vả, thiếu thốn, hàng ngày phải tiếp xúc với những bệnh nhân phong lở loét, cụt tay, cụt chân, mắt kém, da sần sùi, cò ngón... nhưng với bản lĩnh, sự yêu nghề, những cán bộ y tế Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa (thôn Tô 1, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) đã không ngại khó, ngại khổ, kiên trì bám làng, bám bản, hết lòng điều trị chăm sóc bệnh nhân, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Những bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân ở Khu điều trị phong thôn Tô 1

Trong điều kiện môi trường làm việc vất vả, thiếu thốn, hàng ngày phải tiếp xúc với những bệnh nhân phong lở loét, cụt tay, cụt chân, mắt kém, da sần sùi, cò ngón... nhưng với bản lĩnh, sự yêu nghề, những cán bộ y tế Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa (thôn Tô 1, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) đã không ngại khó, ngại khổ, kiên trì bám làng, bám bản, hết lòng điều trị chăm sóc bệnh nhân, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Những bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân ở Khu điều trị phong thôn Tô 1Khu điều trị phong thôn Tô 1, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy).

Thôn Tô 1 có khu điều trị dành cho những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Họ đến từ nhiều nơi trong tỉnh như: Nga Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn…

Chia sẻ về công việc, bác sĩ Nguyễn Anh Việt, Trưởng bộ phận Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da Liễu Thanh Hóa ở thôn Tô 1 cho biết: “Khoảng hơn 40 năm trở về trước, thôn Tô không có tên trong bản đồ đơn vị hành chính. Chỉ biết rằng, trước kia có một ngôi làng nhỏ, nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, là nơi sinh sống, điều trị của những bệnh nhân bị bệnh phong. Ngày đó, khi chưa có thuốc điều trị, những người mắc phải căn bệnh này đều bị người đời kỳ thị, xa lánh, không ai dám đến gần. Thậm chí người dân trong làng còn cấm đoán những bệnh nhân phong không được ra ngoài vì sợ lây nhiễm”.

Hơn 28 năm công tác, gắn bó với khu điều trị phong từ lúc cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nghèo nàn, được tiếp xúc, điều trị những bệnh nhân mắc chứng bệnh bị người đời kỳ thị, xa lánh đối với bác sĩ Việt đó là quãng thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời một cán bộ y tế như anh.

Những bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân ở Khu điều trị phong thôn Tô 1Bác sĩ Nguyễn Anh Việt thăm khám bệnh nhân trong khu điều trị.

Dẫn chúng tôi tham quan khu điều trị, anh Việt tâm sự: Khi ngôi làng (thuộc Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa) được thành lập, cơ sở vật chất chỉ là mấy căn nhà tranh tre nứa lá tạm bợ. Lúc mới lên nhận công tác, lần đầu tận mắt chứng kiến nỗi đau tâm hồn lẫn thể xác của bệnh nhân, tôi và anh em cán bộ y tế khu điều trị tự nhắn nhủ nhau rằng phải cố gắng vượt qua những gian khó về điều kiện sinh hoạt, làm việc, quyết tâm làm tốt công việc của mình.

Là 1 trong số 7 cán bộ trẻ nhất của Khoa điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa tại thôn Tô 1, anh Đỗ Văn Long cũng đã có 8 năm công tác. Tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, anh Long chia sẻ: Ngày ấy khi xung phong lên đây nhận nhiệm vụ, tôi vừa bỡ ngỡ vừa có chút sợ hãi. Chứng kiến những bệnh nhân tay chân cụt hết, toàn thân lở loét, bôi thuốc xanh, thuốc đỏ khắp cơ thể... tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, niềm vui của anh Việt, anh Long là được bệnh nhân tin tưởng, tâm sự về cuộc đời, nỗi niềm, trăn trở cũng như mong muốn mau chóng khỏi bệnh để về đoàn tụ cùng gia đình.

Những bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân ở Khu điều trị phong thôn Tô 1Anh Đỗ Văn Long, cán bộ y tế Khoa điều trị phong kiểm tra sức khỏe bệnh nhân trong thôn Tô 1.

Không chỉ đem kiến thức chuyên môn điều trị bệnh nhân sớm khỏi bệnh, những cán bộ y tế khoa điều trị bệnh phong còn là “nhịp cầu” kết nối người bệnh, giúp họ kết duyên vợ chồng, cùng phát triển kinh tế.

“Đến nay, những bệnh nhân trong khu điều trị đã khỏi bệnh, một số người kết duyên xây dựng hạnh phúc gia đình. Những cặp vợ chồng sinh con ra không hề mắc bệnh phong, các con đều khỏe mạnh, được tới trường học theo độ tuổi và theo học tại các trường cao đẳng... Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuốc men, cuộc sống của những bệnh nhân phong thôn Tô 1 đã có nhiều thay đổi. Họ tự tăng gia sản xuất, buôn bán, làm ăn phát triển kinh tế trong ngôi làng của mình”, bác sĩ Việt bộc bạch.

Bài và ảnh: TRUNG LÊ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]