(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa có hơn 18.000 người, sinh sống tại 44 bản, trong đó có 13 bản giáp biên, còn lại đều là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc 10 xã của các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng giao thông đến các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được đầu tư, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển.

Những con đường vươn tới bản Mông

Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa có hơn 18.000 người, sinh sống tại 44 bản, trong đó có 13 bản giáp biên, còn lại đều là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc 10 xã của các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng giao thông đến các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được đầu tư, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển.

Những con đường vươn tới bản MôngĐường giao thông đi các bản Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, xã Trung Lý (Mường Lát) vẫn còn nhiều khó khăn.

Niềm vui trên những con đường mới

Trên con đường bê tông nội bản vừa hoàn thành, bí thư kiêm trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu dẫn chúng tôi đi thăm bà con trong bản, vừa đi anh vừa trò chuyện: “Đồng bào Mông di cư đến bản Ché Lầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo những già làng trong bản, trước kia người Mông nay đây, mai đó, sống dựa vào đồi núi nên cuộc sống bấp bênh lắm. Từ khi đến bản Ché Lầu, bà con được cán bộ tuyên truyền, giải thích di cư không tốt, cuộc sống của bà con không chỉ đói cơm, đói gạo mà con cháu không được đi học cái chữ, di cư còn làm ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Bà con thấy phải lắm nên không còn di cư tự do nữa, cuộc sống cũng dần ổn định. Hiện nay bản có hơn 60 hộ, trên 300 nhân khẩu. Dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH, nhưng bản có lớp học cho các cháu, có đường giao thông thuận lợi, bà con dần xóa bỏ hủ tục, tập trung chăn nuôi trâu bò, không đốt nương làm rẫy, xây dựng nếp sống văn hóa… Đó là sự thay đổi lớn rồi".

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Sơn, cho biết: Đường từ bản Son đi Ché Lầu được khởi công xây dựng từ tháng 2-2021 theo Nghị quyết số 30a ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là Nghị quyết 30a), do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 5,138km, chiều rộng 3,5m, vì đường chủ yếu dốc núi nên khó khăn cho quá trình thi công. Hiện nay nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành con đường từ bản Son lên Ché Lầu. Những năm qua, huyện Quan Sơn cũng đầu tư làm đường giao thông đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy) chiều dài 1,3km theo Nghị quyết 30a. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư đã làm đoạn Ché Lầu - Mùa Xuân với chiều dài 800m và đoạn Mùa Xuân - Ché Lầu với chiều dài 600m, hoàn thành tháng 12-2020 khắc phục được giao thông đi lại khó khăn của các bản. Ngày 7-7-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND và Nghị quyết số 38/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông nội bản Ché Lầu, xã Na Mèo và đường giao thông nội bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Sau một thời gian thi công, đường giao thông nội bản Ché Lầu và Mùa Xuân đã hoàn thành.

Ngày 17-7-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 39/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ bản Thủy Thành đi bản Khà – bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Cụ thể, đầu tư nâng cấp 12,3km đường giao thông, thời gian thực hiện năm 2024-2027. Ngày 13-7-2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 301/NQ-HĐND về phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, huyện Quan Sơn được phân bổ nguồn vốn làm đường giao thông liên xã từ bản Ché Lầu (Na Mèo) đi bản Mùa Xuân (Sơn Thủy). Đây là sự quan tâm rất lớn của tỉnh, góp phần tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa bàn khó khăn.

Huy động các nguồn lực mở đường lên những bản Mông

Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, được thành lập năm 1998, sau khi bà con di cư từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La đến. Thăm gia đình ông Mùa A Su - người có uy tín ở bản Suối Tôn và gặp gỡ ban quản lý bản, chúng tôi được biết, nếu gần 10 năm trước con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở, thì nay đường bê tông đã vào tận bản. Hiện nay bản có 79 hộ, 434 khẩu, bà con chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hơn 70% hộ nghèo. Dân cư thưa thớt trải dài trên 3km với 3 khu cách biệt nhau trước đây rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm, con đường từ trung tâm xã vào bản cũng như giao thông nội bản được xây dựng, tu bổ, việc đi lại của bà con thuận lợi hơn, đời sống của bà con dần được cải thiện.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi ngược ngàn lên huyện vùng cao Mường Lát. Điểm dừng chân đầu tiên nơi Cổng Trời, xã Trung Lý. Huyện Mường Lát có 39/88 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó xã Trung Lý có 11 bản Mông. Hiện nay đường giao thông vào các bản Mông ở xã Trung Lý vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các bản Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng… Đây là một trong những rào cản lớn đối với cuộc sống cũng như phát triển KT-XH ở các bản Mông. Bà con chủ yếu tự cung, tự cấp, không có đường, không có điện đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo bám.

Những con đường vươn tới bản MôngĐường giao thông từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) đang được đầu tư xây dựng.

Ông Ngân Văn Lon, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: Xã có hơn 1.000 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu. Hiện nay còn 8 bản chưa có điện, trong đó chủ yếu là các bản dân tộc Mông sinh sống xa trung tâm xã. Cùng với đó, đường giao thông còn khó khăn, nhất là các bản Cò Cài, Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm… Năm 2022, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Lát đã hỗ trợ xã Trung Lý 405 tấn xi măng làm đường giao thông nội bản, đặc biệt ở các bản trung tâm, bản có đồng bào Mông sinh sống. Điều mong ước lớn nhất của bà con là Nhà nước tiếp tục quan tâm để các bản có đường, có điện góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.

Thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Lát, đối với các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Lát được hỗ trợ làm đường giao thông từ bản Pá Quăn đi bản Tà Cóm, xã Trung Lý, trong đó đi qua các bản người Mông: Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa, Tà Cóm (xã Trung Lý). Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ đường Tây Thanh Hóa đi bản Ún - Sài Khao (xã Mường Lý). Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ trung tâm bản Suối Lóng, xã Tam Chung đi bản Sài Khao, xã Mường Lý (đoạn nối tiếp với đường bản Ún đi Sài Khao). Nâng cấp, cải tạo đường Xa Lao - bản Tung, xã Trung Lý. Cùng với đó, từ nguồn vốn do tỉnh quản lý thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Lát nâng cấp tuyến đường giao thông từ bản Nà Ón đi bản Cò Cài, xã Trung Lý; nâng cấp tuyến đường thị trấn Mường Lát - Đồn Biên phòng Tam Chung - mốc G3, huyện Mường Lát (giai đoạn II) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, từ ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện (từ nguồn sự nghiệp kinh tế; nguồn kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ ngân sách Trung ương bổ sung trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm), huyện Mường Lát nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đi bản Cha Lan, xã Mường Lý.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]