(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là những người lính thuộc tổ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên biển thuộc Phòng PC07 (Công an tỉnh Thanh Hóa). Mùa hè đến là lúc công việc của họ bắt đầu, lặng lẽ với những bước chân trần trên cát, dõi mắt theo từng du khách tắm biển và sẵn sàng lao xuống biển cứu người lúc nguy cấp.

Những đôi mắt hướng biển

Đó là những người lính thuộc tổ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên biển thuộc Phòng PC07 (Công an tỉnh Thanh Hóa). Mùa hè đến là lúc công việc của họ bắt đầu, lặng lẽ với những bước chân trần trên cát, dõi mắt theo từng du khách tắm biển và sẵn sàng lao xuống biển cứu người lúc nguy cấp.

Những đôi mắt hướng biển

Kịp thời cứu giúp du khách gặp nguy hiểm khi tắm biển.

Canh giữ an toàn cho du khách vui chơi dưới biển, kịp thời ứng cứu những trường hợp nguy cấp, giúp đỡ du khách khi tắm biển… đó là nhiệm vụ của 6 thành viên trong tổ CHCN trên biển. Công việc của họ bắt đầu từ mùa hè, khi du khách đến với biển Sầm Sơn thỏa thích vui đùa cùng sóng biển.

Những chòi canh cứu hộ được đặt sát biển, không ô dù che chắn, hứng trọn cái nắng nóng bỏng rát của mùa hè. Chính vì thế, với những ai mới vào nghề, chỉ riêng việc làm quen với thời tiết khắc nghiệt đã là một thử thách không nhỏ. Chiến sĩ Hồ Như Nghiêm, lần đầu tiên tham gia công tác CNCH trên biển, cho biết: “Có những hôm nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, bãi biển vẫn đông người, chúng tôi phải luôn túc trực ở chòi canh. Dù trước đó đã trải qua thời gian luyện tập nâng cao thể lực nhưng thời gian đầu cơ thể vẫn bị mệt sau nhiều giờ liên tục làm việc dưới trời nắng. Tuy nhiên, thử thách thời tiết nhanh chóng được anh em chiến sĩ vượt qua bằng chế độ luyện tập tích cực và tình yêu nghề”. Làm tốt công việc cứu hộ, các chiến sĩ CNCH bên cạnh việc tập huấn nâng cao nghiệp vụ thì sau giờ tan ca vẫn tiếp tục rèn luyện thêm kỹ năng cứu hộ biển như: bơi, lặn, nhận biết để đo lường được các lạch nước, ước lượng tốc độ sóng gió của ngày hôm đó để khoanh vùng an toàn khi tắm biển… Cùng với việc rèn luyện thể lực thường xuyên để đảm bảo an toàn khi thực hiện cứu hộ du khách và cho cả bản thân mình.

Những đôi mắt hướng biểnCác thành viên tổ CNCH trên biển tuần tra bãi biển Sầm Sơn.

Trong khi du khách vui chơi, những người lính CNCH lặng lẽ dõi mắt liên tục để kịp phát hiện các nguy cơ. Hôm nào vắng khách còn thảnh thơi đôi chút, ngày khách đông họ làm việc cật lực. “Có khi, trẻ theo cha mẹ tắm rồi mãi vui đi lạc. Phụ huynh lo lắng quá đến… bắt đền cả nhân viên cứu hộ. Anh em hiểu nên luôn bình tĩnh hỏi han, phán đoán tình hình để tìm kiếm nhanh nhất”, Doãn Viết Linh, chiến sĩ thuộc tổ CNCH trên biển, bộc bạch. Và khi đứa trẻ tìm được người thân, niềm vui không chỉ của trẻ mà còn cho cả những người lính CNCH. Theo Linh, hạnh phúc nhất là không có trường hợp thương tâm nào xảy ra, ngày đó anh và các đồng đội có được những giây phút thư giãn thảnh thơi cùng tiếng cười đùa trọn vẹn. Với Linh và đồng đội thì “Nhìn thấy du khách có biểu hiện gặp nguy, vẫy tay thì mình lao ra. Đương nhiên cứu người cũng cần bình tĩnh và có kỹ thuật. Sau mỗi lần cứu được họ, nhận không biết bao nhiêu lời cảm ơn, những cái siết tay, cái ôm thật chặt”.

Thời gian trực chòi được chia thành 2 ca, ca sáng và ca chiều, kết thúc lúc 18 giờ 30 phút, khi hết giờ tắm biển. Cùng với Đội CNCH và sơ cấp cứu biển Sầm Sơn, dọc bãi biển Sầm Sơn lúc nào cũng có thành viên CNCH túc trực.

Là người có kinh nghiệm làm công tác CNCH bãi biển lâu nhất trong tổ, chiến sĩ Hoàng Ngọc Linh đã rất nhiều lần ứng cứu kịp thời các trường hợp nguy cấp. Linh còn nhớ: “Đó là một đoàn team building vui chơi tại biển, khi tắm có nhiều người bị đuối nước, ngay lập tức các nhân viên CNCH lao xuống biển hỗ trợ. Tôi cứ bơi hết lượt này đến lượt khác đưa các nạn nhân vào bờ, dù bản thân rất mệt nhưng còn nghe thấy tiếng kêu cứu thì tôi còn lao xuống biển cứu người”. Sau này khi được hỏi “anh có nhớ mình đã cứu giúp được bao nhiêu người lên bờ?”, Linh không thể nhớ chính xác, anh cười trả lời “cứu được người là tốt rồi”.

Những đôi mắt hướng biểnNhững người lính CNCH luôn dõi theo những du khách đang tắm biển trên những chòi canh.

Theo Linh việc chấp hành nội quy tắm biển rất quan trọng, tuy nhiên có những du khách dù nghe tiếng còi vang lên nhưng vẫn cố tình bơi ra xa. “Những trường hợp như vậy để đảm bảo an toàn chúng tôi đều phải bơi ra tận nơi nhắc nhở họ quay vào bờ”, Linh cho biết thêm.

Nghề cứu hộ chưa bao giờ dễ dàng. Nghề cần sự nhanh nhạy, mưu trí, dũng cảm và am hiểu luồng, lạch nước. Có những hôm sóng mạnh, gió to thì phạm vi an toàn bờ biển sẽ thu hẹp, công việc “canh chừng” du khách trên biển cũng vất vả hơn, tiếng còi liên tục vang lên khi có ai đó lấn sâu ra vùng biển cấm.

Công việc CNCH lặng thầm và ít được mọi người nhớ mặt, gọi tên nhưng không ai khác, chính những người lính cứu hộ như Viết Linh, Ngọc Linh, Như Nghiêm và các thành viên khác đã nhân lên nhiều lần niềm vui cho nhiều gia đình, không chỉ trong nước mà còn cả với du khách nước ngoài suốt thời gian qua. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, đảm bảo an toàn bãi biển.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]