(vhds.baothanhhoa.vn) - Quá trưa, dưới ánh nắng hè dìu dịu chảy tràn trên những tán cây nơi góc công viên giữa lòng phố, tôi lặng lẽ ngồi nhìn những người đàn bà khắc khổ nằm ngủ trên ghế đá, nền đất, bãi cỏ…

Những giấc ngủ vội vã...

Quá trưa, dưới ánh nắng hè dìu dịu chảy tràn trên những tán cây nơi góc công viên giữa lòng phố, tôi lặng lẽ ngồi nhìn những người đàn bà khắc khổ nằm ngủ trên ghế đá, nền đất, bãi cỏ…

Những giấc ngủ vội vã...

Lẽ dĩ nhiên, đó chẳng phải là nơi thích hợp cho việc nằm ngủ. Nhưng trên hành trình mưu sinh nhọc nhằn, vất vả, nơi đây lại trở thành trạm nghỉ để cho những người lao động tứ xứ tranh thủ ăn bữa cơm vội vã, chợp mắt… Tôi và họ chưa từng gặp gỡ, nhưng khi chứng kiến hình ảnh rất chân thực, rất “đời” ấy, trong lòng tôi dâng trào xúc động, thương xót, gần gũi vô cùng.

Họ ngủ mà chẳng mảy may lăn tăn xem chiếc ghế đá, bãi cỏ, nền đất ấy bẩn ra sao, chẳng cầu kỳ, khoa học phân tích xem ở đó chứa bao vi khuẩn hay cái tư thế nằm ngủ co ro, tận dụng cái nón úp lên mặt cho bớt sáng, cái khẩu trang vẫn kè kè trên miệng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.

Bởi lẽ, cái cốt lõi trong giấc ngủ của họ không phải là để tìm kiếm sự thoải mái, hưởng thụ, mà đơn giản là đáp ứng cơ thể đang “biểu tình” vì cả buổi sáng đã làm việc “hết công suất”.

Chẳng phải “da sắt mình đồng”, chỉ là cuộc sống mưu sinh, tình yêu thương dành cho gia đình khiến họ trở nên mạnh mẽ, kiên cường, bền bỉ như thế. Bữa ăn, giấc ngủ tạm bợ trong mắt mọi người nhưng lại là giây phút nghỉ ngơi quý giá giúp họ tái tạo sức lao động, tiếp tục lao mình vào phố đông.

Họ - những người đàn bà đã ở tuổi trung niên, nhiều người trong số đó tóc đã điểm bạc nhưng vẫn lam lũ, tần tảo với gánh nặng mưu sinh. Từ quê lên phố, hành trình mưu sinh của họ thật đơn giản với chiếc xe đạp lọc cọc, chằng buộc, treo móc đủ thứ lườm rườm với vài ba chiếc bì gai, cái cân đĩa cũ kỹ, chai nước, hộp cơm trưa đạm bạc...

Mỗi người một công việc. Có người làm nghề thu mua đồng nát, sắt vụn, ve chai; có người bán buôn rá, rổ, dần, sàng từ tre, nứa… góp nhặt từng đồng. Thu nhập từ công việc ấy, họ lại chắt chiu, vun vén cho tổ ấm gia đình, cho tương lai của những đứa con. Họ có thể dành số tiền ấy mua đồ ăn ngon cho gia đình, sửa sang nhà cửa, từng chút từng chút cùng con xây đắp tương lai…

Nhưng ít khi họ nghĩ đến việc chi tiêu cho riêng mình. Ngay cả bộ quần áo họ mặc trên người cũng tằn tiện, tận dụng từ con, từ cháu nên chẳng bao giờ trông cho gọn gàng, tươm tất. Nếu không phải là chiếc áo khoác đồng phục của một trường nào đó rộng thùng thình “nuốt chửng” vóc dáng người đàn bà nhỏ bé thì cũng là đôi giày màu hường phấn “lạc quẻ” đã “tố cáo” về cái sự “kế thừa” bất đắc dĩ ấy.

Tôi thầm nghĩ: Chủ nhân của chiếc áo đồng phục, đôi giày hường phấn ấy có hay chăng về cảnh tượng này? Liệu trong số đó, có bao nhiêu người trong chăn ấm đệm êm, trong mát rượi điều hòa, êm ái giấc ngủ trưa mà nghĩ về nỗi vất vả, nhọc nhằn của đấng sinh thành? Trước vòng xoáy cuộc đời đầy rẫy những khó khăn, thử thách và cả những vấp ngã, liệu sẽ có bao nhiêu người kịp thành công trước tốc độ già đi của cha mẹ để mà trả ơn, báo hiếu?... Chỉ cần nghĩ đến đó thôi, khóe mi đã cay nồng. Mọi thứ đều hữu hạn, duy chỉ có sự hy sinh của cha mẹ là vô định lượng, vô bến bờ…

Chẳng phải riêng ai, ngổn ngang những câu hỏi ấy, tôi tự đặt ra cho chính mình...

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]