(vhds.baothanhhoa.vn) - Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đang lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn nói chung và các huyện miền núi nói riêng. Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.

Những phụ nữ vùng cao nỗ lực vượt khó

Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đang lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn nói chung và các huyện miền núi nói riêng. Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.

Những phụ nữ vùng cao nỗ lực vượt khó

Mô hình trồng bí bao tử của chị Phạm Thị Lan Hương, thôn Bình Sơn, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ngay từ nhỏ chị Phạm Thị Lan Hương, thôn Bình Sơn, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) đã có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị đã bươn chải mưu sinh đủ nghề, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn. Năm 2016, chị bàn với chồng thuê 2ha đất của một số hộ dân, rồi vay vốn ngân hàng xây dựng chuồng trại chăn nuôi 8.000 con gà. Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, bán được giá, chị Hương đã chú trọng đến từng khâu trong quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà, như chọn giống, thức ăn, môi trường sống, nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh... Sau 4 tháng, chị Hương xuất bán lứa gà đầu tiên, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng.

Nhận thấy nuôi gà mang lại lợi nhuận khá, năm 2018, vợ chồng chị Hương tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi 36.000 con gà/năm. Đồng thời thuê thêm 2ha đất để trồng rau má và mở xưởng sản xuất trà rau má. Để có kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chị Hương chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, chị chủ động liên hệ nhờ sự tư vấn giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt mở tại địa phương. Qua thời gian, chị đã tích lũy, đúc rút được kinh nghiệm trong chăm sóc vật nuôi, cây trồng và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trải qua bao khó khăn, vất vả, giờ đây vợ chồng chị Hương đã có một cơ ngơi gồm một trang trại gà thả vườn quy mô lớn, khu sản xuất rau an toàn 2ha và xưởng chế biến trà rau má. Mô hình kinh tế tổng hợp này đang mang lại cho gia đình chị nguồn thu gần 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ với mức tiền công 250 nghìn đồng/người/ngày. Hiện nay, chị Hương đang nỗ lực xây dựng sản phẩm trà rau trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bà Hà Thị Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thúy Sơn, cho biết: Điều đáng quý ở chị Hương là tinh thần phấn đấu, vươn lên trong khó khăn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thúy Sơn luôn tích cực, năng động, truyền cảm hứng đến hội viên cùng tham gia các phong trào thi đua của hội; là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của xã trong các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,...

Về bản Lốc, xã Trung Tiến (Quan Sơn) hỏi thăm chị Hà Thị Niệm hầu như ai cũng biết, bởi đó là tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp chị Niệm là sự chân thành và dáng vẻ nhanh nhẹn. Dẫn tôi đi tham quan mô hình kinh tế gia đình, chị kể tôi nghe về một thời gian khó đã qua. Năm 2004, chị kết hôn với anh Mạc Văn Huỳnh thuộc gia đình hộ nghèo. Hai vợ chồng trẻ khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chồng chị bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút, ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động sản xuất. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa lúc nào chị nản chí, mà mạnh mẽ nỗ lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh. Sau nhiều lần được tập huấn, giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế, chị Niệm nhận thấy mô hình chăn nuôi tổng hợp có thể phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện gia đình.

Những phụ nữ vùng cao nỗ lực vượt khó

Chị Hà Thị Niệm, bản Lốc, xã Trung Tiến (Quan Sơn) luôn nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu.

Năm 2008, chị Niệm vay vốn ngân hàng mua 2 con bò cái, 2 con lợn nái về nuôi. Chị kiêm luôn nghề nấu rượu, vừa lấy phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi vừa có thêm thu nhập để tái đầu tư. Từ số lượng vật nuôi ít ỏi ban đầu, không bao lâu chị đã có cả đàn bò và nhiều lứa lợn được xuất chuồng. Đến năm 2018, chị Niệm tiếp tục vay thêm vốn mua 3 nồi nấu rượu, phục tráng 7ha rừng luồng, nuôi thêm gà và mở cửa hàng tạp hóa. Từ cách làm này, hiện nay, gia đình chị Niệm đã có nguồn thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Niệm còn tích cực tham gia các phong trào ở khu dân cư.

Chị Hà Thị Niệm bộc bạch: “Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi không có điều kiện học hành, theo đuổi ước mơ. Vì vậy, tôi phải nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống để có điều kiện đầu tư cho con ăn học”.

Cùng với chị Phạm Thị Lan Hương, Hà Thị Niệm, những năm qua, hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhiều hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất làm giàu cho gia đình và quê hương, trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Xuân Nguyễn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]