(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Những “triệu phú” người Dao

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Những “triệu phú” người Dao

Gia đình ông Triệu Cống Hiến, thôn Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Năm 1997, ông Triệu Cống Hiến (60 tuổi), thôn Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư trồng bơ và vải Thiều. Nhưng điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp với cây trồng, cộng với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nên toàn bộ số vốn đầu tư đã “không cánh mà bay”, cuộc sống của gia đình ông Hiến rơi vào tình cảnh thiếu thốn trăm bề. Không lùi bước trước khó khăn, năm 2014, ông Hiến vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 200 gốc bưởi Diễn, mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, tích cực chăm sóc 2ha keo… Nhờ đức tính siêng năng, cần cù kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và trồng rừng mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông. Cùng với phát triển kinh tế, ông Hiến luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các con học tập tốt hơn. Hiện hai người con của ông đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Triệu Cống Hiến còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do thôn, xã phát động; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ dân trong thôn vươn lên thoát nghèo; góp công, góp của xây dựng nông thôn mới. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết, ông đã tự nguyện đóng góp gần 15 triệu đồng, cùng với bà con trong thôn Tân Thành làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, ông Hiến đã cùng với Ban công tác mặt trận thôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thôn chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Hữu Tài, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Lập, cho biết: Ông Triệu Cống Hiến là đảng viên gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; sẵn sàng giúp đỡ bà con trong thôn, xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiên phong trong các phong trào của xã, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, gia đình ông Hiến được công nhận là hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông thực sự là tấm gương sáng để Nhân dân trong xã học tập và noi theo.

Sinh ra, lớn lên ở thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy), sau khi lập gia đình, anh Bàn Văn Phúc (sinh năm 1973) đã bươn chải đủ nghề nhưng cuộc sống gia đình luôn trong tình cảnh thiếu thốn. Với quyết tâm làm giàu, đầu năm 2018 anh bàn bạc với vợ mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và gà; tập trung chăm sóc 1,2ha keo. Đến giữa năm 2018, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, trừ chi phí anh thu lãi 40 triệu đồng.

Để chủ động các khâu trong chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Phúc đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi; học hỏi kinh nghiệm từ trang trại của bà con các địa phương và qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại... Mô hình chăn nuôi, trồng rừng đang mang lại thu nhập cho gia đình anh Phúc gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Bàn Văn Phúc chia sẻ: “Những ngày đầu mới ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy nhiều hộ dân trong xã có cuộc sống ổn định nhờ vào chăn nuôi và trồng rừng, tôi quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn thịt và các loại gia cầm. Sau nhiều năm nỗ lực chăn nuôi, chăm sóc rừng keo, cuộc sống của gia đình tôi từng bước ổn định”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phúc còn gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương; chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho bà con; tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình nghèo về con giống, kiến thức làm ăn, tạo điều kiện cho họ vươn lên làm kinh tế để ổn định cuộc sống. Ông Phạm Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy), cho biết: Anh Bàn Văn Phúc là tấm gương sáng vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn là động lực, tạo sức lan tỏa để người dân trong xã học tập, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trong thời gian qua, từ phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ở nhiều huyện miền núi đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Tiêu biểu ở đồng bào người Dao có ông Triệu Cống Hiến ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), anh Bàn Văn Phúc xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)... Những việc làm của họ đã tạo động lực, sức lan tỏa để người dân học tập và làm theo. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, tạo diện mạo mới ở miền Tây xứ Thanh, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]