(vhds.baothanhhoa.vn) - Đất mãi mãi chỉ là đất. Nhưng khi người ta quy đất thành tiền, rồi được “tiếp lửa” bởi những cơn sốt đất ập đến thì giá trị quy đổi càng lớn. Và từ đó, những hơn thua, tranh giành bất chấp tình thân xảy ra liên quan đến đất ngày một nhiều. Để rồi sau tất cả là những hệ lụy và mất mát đau lòng mà không tiền bạc nào có thể bù đắp.

Nỗi buồn “tranh chấp đất đai”

Đất mãi mãi chỉ là đất. Nhưng khi người ta quy đất thành tiền, rồi được “tiếp lửa” bởi những cơn sốt đất ập đến thì giá trị quy đổi càng lớn. Và từ đó, những hơn thua, tranh giành bất chấp tình thân xảy ra liên quan đến đất ngày một nhiều. Để rồi sau tất cả là những hệ lụy và mất mát đau lòng mà không tiền bạc nào có thể bù đắp.

Nỗi buồn “tranh chấp đất đai”Xã hội ngày càng phát triển, đường sá mở rộng, đất đai tăng giá dẫn nhiều câu chuyện tranh chấp đất đau lòng xảy ra. (Ảnh minh họa)

Cả cuộc đời chăm chỉ lao động, vốn chỉ quen với đồng ruộng, vườn tược, chăm con lợn, nuôi con gà nhưng mới đây, bác tôi phải thường xuyên ngược xuôi… ra tòa. Việc phải ra tòa khiến bác tôi mệt mỏi và già nua trông thấy, thay vì sự tươi vui vốn dĩ của “lão nông tri điền”, giờ đây hiển hiện trên gương mặt bác là nỗi buồn sâu thẳm.

Hơn 35 năm trước, sau khi rời quân ngũ trở về bác lập gia đình. Gia cảnh nghèo khó, bác tôi được ông bà cho mảnh vườn rậm rạp của gia đình. Đôi vợ chồng trẻ sau nhiều vất vả cuối cùng cũng dựng lên được ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Nhiều năm trôi qua, mảnh đất khó khăn ngày nào của gia đình bác tôi bỗng có con đường liên xã chạy qua. Đường sá khang trang, nhà cửa cũng từ đó mà trở nên sáng sủa hơn, hàng xóm xung quanh cũng mừng cho gia đình bác. Vậy nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang” khi những chị em ruột thịt của bác vốn đã lập gia đình về quê… đòi chia đất. Họ bảo, con cái ai cũng có quyền lợi và họ chỉ đòi quyền lợi chính đáng theo quy định pháp luật. Dù trước đó, khi bố mẹ già yếu cần người chăm sóc thì những người con gái đều viện lý do “con gái xuất giá phải lo việc nhà chồng”.

Lúc này bác tôi mới nhận ra, sở dĩ trước đây khi làm giấy tờ đất, những người chị, em ruột thịt đều viện nhiều lý do để không ký vào giấy tờ đều có nguyên do. Họ đã có sự chuẩn bị cho một ngày về đòi chia gia sản để lại của cha ông. Nhận được giấy triệu tập của tòa án, bác tôi chua chát: “Cả cuộc đời chưa từng làm điều gì sai trái pháp luật. Ai ngờ đâu, đầu hai thứ tóc còn phải đi “hầu tòa” chỉ vì người trong gia đình “xào xáo” nhau…”.

Sau nhiều mệt mỏi vì những phiên “ra tòa”, không đợi tòa phán quyết, bác tôi đồng ý chia đất cho những người chị em đang “khát đất” của mình. Trước quyết định của bác, hàng xóm láng giềng, người bảo đúng vì dẫu sao cũng là chị em trong nhà, người lại nói dại quá. Trái ngược sự hả hê của những người từng là ruột thịt sau khi “được đất”, bác tôi đau xót. Không hẳn vì chuyện “mất đất”. Bác bảo: “Rồi đây, đất đai của ông bà tổ tiên mình sẽ về tay người khác bởi những cuộc mua bán. Nhưng đau lòng hơn là tình cảm gia đình làm sao có thể giữ được sau những dối gian, âm mưu, tranh giành. Không chỉ mất đất, mà còn mất cả tình thân. Cứ nghĩ, đất vốn dĩ chỉ là đất, đời nối đời cứ ở trên mảnh đất của cha ông nên chưa bao giờ định giá vì đất ấy đâu phải do mình mua sắm mà có. Nhưng khi người ta quy đất ra tiền, mình có muốn giữ cũng không được. Có chăng, đường không mở rộng, đất không lên giá, có lẽ chẳng ai tranh!”.

Đáng nói câu chuyện tranh giành - phân chia đất đai tài sản cha mẹ để lại như trường hợp gia đình bác tôi không phải hiếm, thậm chí phổ biến. Không ít những trường hợp, vì tranh giành đất đai - ngôi nhà, mảnh vườn từng là mái ấm của anh em trong nhà một thuở mà người ta sẵn sàng “quyết chiến” với nhau. Từ cãi vã, kiện cáo, đưa nhau ra tòa đến dùng vũ lực, thậm chí để xảy ra án mạng đau đớn. Và đỉnh điểm, mới đây là vụ việc ba người con gái dùng xăng đốt mẹ vì đất đai xảy ra tại tỉnh Hưng Yên. Nội tình vụ việc được cho xuất phát từ việc ba người con gái không đồng ý với cách chia tài sản của mẹ dành cho em trai.

Không bàn chuyện đúng - sai bởi mọi thứ đã quá rõ. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự ba người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ để điều tra về tội giết người. Vậy nhưng, chưa kịp đối diện với sự xét xử của pháp luật thì ba người trong gia đình, gồm bà mẹ và 2 đứa con gái đến thời điểm hiện tại đã tử vong. Một cái giá phải trả quá đắt.

Thế mới biết, khi con người bị lòng tham “dẫn dắt” và xui khiến, sẽ có thể nhẫn tâm làm ra bao điều tồi tệ. Mọi sai lầm đều phải trả giá, thậm chí là trả giá quá đắt. Không biết, rồi vụ việc xảy ra ở Hưng Yên liệu có thể là “hồi chuông” cảnh tỉnh cho câu chuyện bất chấp tình thân để tranh chấp đất đai hiện nay?!

Việc tranh chấp đất đai, tài sản của những người thân trong gia đình thường bắt đầu từ việc không rõ ràng trong việc di chúc tài sản thừa kế. Và dựa trên quy định của luật pháp, bà Lê Thị Phong, Phó Chánh án TAND TP Sầm Sơn chia sẻ quan điểm trên Báo Thanh Hóa: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để phòng ngừa, hạn chế được các tranh chấp phát sinh liên quan đến thừa kế, người có tài sản nên có dự liệu, nghiên cứu lập di chúc phân chia tài sản cụ thể, rõ ràng và công bằng cho từng người. Khi lập di chúc người có tài sản nên tham khảo ý kiến của người có hiểu biết pháp luật để đảm bảo di chúc được lập hợp pháp”.

Còn trên góc nhìn văn hóa, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải cho rằng: “Đất đai vẫn được xem như tài sản “cha truyền con nối” của các gia đình Việt. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đường sá mở rộng khiến nhiều khu đất đang từ ngõ hẻm bỗng nhiên ra đường lớn, từ đó mà giá trị đất tăng cao, cộng thêm những cơn “sốt” đất khiến nhiều người “điên đảo”, từ đó mà dẫn đến những hậu quả “nhức nhối” đau lòng. Chỉ nói về góc độ văn hóa - đó thực sự là sự “đổ vỡ” của những giá trị mà người Việt từ bao đời nay vẫn luôn coi trọng. Người Việt xưa nay vẫn xem trọng chữ hiếu, chữ tình. Nhưng chỉ vì cái lợi trước mắt mà người ta sẵn sàng xem nhẹ, bỏ qua tình thân máu mủ. Vì tiền bạc được quy đổi từ đất đai cha ông để lại mà người ta sẵn sàng cãi vã, đưa nhau ra tòa là điều cực kỳ không nên, trái với truyền thống văn hóa của người Việt. Sau mỗi cuộc phân chia, còn đâu mái nhà xưa đầm ấm, mảnh vườn xưa trĩu quả mà đời nối đời cha ông luôn giữ gìn trân trọng. Trong khi, chính ở nơi đó, truyền thống văn hóa gia đình được vun đắp. Khi người ta không còn coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống của chính gia đình mình, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy buồn khác”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]