(vhds.baothanhhoa.vn) - Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap nhưng nhiều hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh vẫn phải cạnh tranh với các loại rau không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường, thậm chí còn phải bán giá thấp hơn. Điều mong mỏi nhất của người nông dân hiện nay là làm thế nào để rau sạch được bán với giá hợp lý, tương xứng với giá trị canh tác. Đây là "bài toán" cần có một lời giải để người nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp và “bài toán” đầu ra cho sản phẩm

Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap nhưng nhiều hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh vẫn phải cạnh tranh với các loại rau không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường, thậm chí còn phải bán giá thấp hơn. Điều mong mỏi nhất của người nông dân hiện nay là làm thế nào để rau sạch được bán với giá hợp lý, tương xứng với giá trị canh tác. Đây là “bài toán” cần có một lời giải để người nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp và “bài toán” đầu ra cho sản phẩmMô hình trồng mướp hương của người dân huyện Yên Định đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Với kinh nghiệm trồng rau gần 20 năm, trong đó có 3 năm trồng theo tiêu chuẩn VietGap, chị Lê Thị Hồng, thôn Trinh Phúc, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) cho biết: “Trên diện tích 4 sào đất màu của gia đình, tôi trồng các loại cây: mướp, súp lơ, đậu leo, dưa lê... Do trồng rau theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap nên trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt và ghi chép lại quy trình về thời gian xuống giống, sinh trưởng, phân bón,... nên rất tốn thời gian. Song, với mong muốn đảm bảo nguồn rau sạch cung ứng cho thị trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tôi chấp nhận. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm rau của gia đình hiện nay chủ yếu bán cho thương lái với giá thu mua bằng các loại rau thường đang bán trên thị trường, nên không tương xứng với công lao động”.

Cũng theo chị Hồng: Mỗi ngày gia đình chị bán cho thương lái từ 130 - 150kg rau các loại với giá dao động 5.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng loại rau này, tại các siêu thị hay cửa hàng tiện ích, người tiêu dùng phải mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg nên rất thiệt thòi cho người nông dân. Ngoài giá cả thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm rau an toàn, việc tiêu thụ sản phẩm có những thời điểm còn bị đình trệ như dịp đầu năm 2021 và gần đây nhất là vào tháng 6, tháng 7 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoằng Giang, cho biết: Trên địa bàn xã có 17ha rau canh tác theo hướng an toàn, chủ yếu là súp lơ, đậu xanh, dưa lê, cà chua, bí, mướp... và các loại rau ăn lá. Để hỗ trợ xã viên tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua HTX đã tìm, đầu mối, ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp và chợ đầu mối thu mua sản phẩm cho bà con với số lượng lên đến 80 - 90% sản lượng, chỉ còn 10% là tự bà con tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến sản phẩm rau, củ, quả của bà con vào vụ thu hoạch (tháng 6, tháng 7) không tiêu thụ được. Thời điểm từ trung tuần tháng 10 đến nay, giá các loại rau rất đắt nhưng không có để bán với lý do từ cuối tháng 7 đến nay, thời tiết không thuận lợi, liên tục có mưa, cây rau không thể phát triển, dù bà con đã gieo giống đến 3 lần.

Xã Yên Thái là một trong những địa phương trồng rau màu lớn của huyện Yên Định. Địa phương này hiện có 6ha chuyên canh rau quả theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Bùi Văn Vương, thôn Phù Hưng 2 là một trong 3 hộ của xã có diện tích trồng rau, quả VietGap, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha chuyên canh các loại cây trồng: ngô ngọt, dưa cải lê, cà pháo, trong đó chủ lực là dưa cải lê. Từ khi được công nhận tiêu chuẩn VietGap năm 2019 đến nay, rau quả đến kỳ thu hoạch được các thương lái đến thu mua với giá bằng các loại rau thông dụng khác. Dù vậy, hơn 1ha rau, quả của gia đình sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng cho thu nhập được 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, rau quả đến kỳ thu hoạch ít người đến thu mua nên giá bán rất thấp, 1kg rau chỉ bán được 500 - 1.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 10.000 đồng so với thời điểm chưa xảy ra dịch”.

Về thực trạng này, bà Lê Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Yên Thái, cho biết: Ngoài 6ha rau, quả trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trên địa bàn xã còn có trên 9ha rau trồng theo hướng rau an toàn. Số diện tích rau, quả này hiện chưa có doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, chủ yếu người trồng bán cho thương lái, nên giá bán không cao, giống như các loại rau canh tác thông thường khác. Để tránh thiệt thòi cho bà con, đồng thời động viên bà con giữ vững thương hiệu rau VietGap, rau an toàn, địa phương sẽ đấu mối với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau sạch trên địa bàn để đưa sản phẩm rau, quả sạch của Yên Thái vào tiêu thụ.

Gỡ vướng đầu ra cho rau, quả sạch, ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa và ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cùng cho rằng: Địa phương đã rất cố gắng tìm kiếm, đấu mối liên kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, số diện tích được liên kết bao tiêu sản phẩm chưa được như kỳ vọng của huyện. Hiện sản lượng liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con mới đạt 50% rau quả được công nhận VietGap (đối với huyện Hoằng Hóa) và 30% đối với huyện Yên Định.

Tình trạng rau, quả sạch bán giá thấp so với giá trị thực, hoặc có thời điểm không bán được giống như các loại rau thông dụng khác không chỉ xảy ra ở xã Hoằng Giang hay Yên Thái, mà là thực trạng chung của nhiều địa phương, hộ gia đình có sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGap, hoặc an toàn khi chưa có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong số 12.300ha rau, củ, quả an toàn (trong đó, có hơn 4.500ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap), chỉ có sản lượng của 17% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua 219 chuỗi cung ứng an toàn. Vì vậy, để những sản phẩm nông nghiệp sạch có được đầu ra ổn định thì cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng của địa phương, đồng thời góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến với người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]