(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, nhờ sự sáng tạo, năng động của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và công tác dân vận khéo, hàng trăm sân chơi đã được nâng cấp, sửa chữa, xây mới cho trẻ em trên toàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Những sân chơi giúp các em có một không gian vui chơi an toàn và bổ ích.

Nụ cười trẻ thơ ở sân chơi mới

Trong những năm qua, nhờ sự sáng tạo, năng động của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và công tác dân vận khéo, hàng trăm sân chơi đã được nâng cấp, sửa chữa, xây mới cho trẻ em trên toàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Những sân chơi giúp các em có một không gian vui chơi an toàn và bổ ích.

Nụ cười trẻ thơ ở sân chơi mớiTrẻ em bản Mè, xã Yên Khương (Lang Chánh) tham gia các trò chơi tại khu vui chơi thiếu nhi.

Trong dịp hè vừa qua, khu vui chơi trẻ em ở thôn Thanh (xã Quảng Nham, Quảng Xương) lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Khu vui chơi tuy không rộng nhưng có đầy đủ đồ chơi với xích đu, cầu trượt, bập bênh...

Xây dựng khu vui chơi cho trẻ, mọi người trong thôn đều ủng hộ nhiệt tình. “Đây là hoạt động ý nghĩa vì vậy, ngay khi kêu gọi xã hội hóa, người dân nhanh chóng đóng góp và tất cả tổ chức đoàn thể đều chung tay. Trong đó, ĐVTN với vai trò chủ chốt rà soát, thiết kế sân chơi, làm đồ chơi từ nguyên liệu tái chế, vẽ tranh bích họa. Hội phụ nữ, cựu chiến binh... góp ngày công san lấp mặt bằng, tạo dựng cảnh quan, thậm chí các em nhỏ cũng tham gia trồng cây, hoa...”, chị Đoàn Thị Dung, Bí thư đoàn xã Quảng Nham, cho biết.

Nhìn thấy con em mình có chỗ chơi an toàn, lành mạnh, mọi người trong thôn Thanh cũng tỏ ra vui mừng. Ông Nguyễn Cao Thành, 60 tuổi, cho biết: “Đa số các hoạt động vui chơi cho trẻ hiện nay là dịch vụ thu tiền. Bởi vậy, không phải trẻ em nào cũng được tham gia, vì phụ thuộc vào điều kiện gia đình. Việc xây dựng một khu vui chơi mang tính cộng đồng là rất cần thiết, không những tạo ra sân chơi bổ ích mà còn giúp giảm thiểu đi những nỗi lo của các gia đình về tai nạn giao thông, chơi các thiết bị điện tử quá nhiều, tránh xa những điểm vui chơi nguy hiểm như ao, hồ”.

Có một sân chơi riêng là niềm vui của rất nhiều trẻ em. Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, thì niềm vui này còn nhân lên gấp bội. Tháng 7 vừa qua, trẻ em bản Mè (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) hân hoan đón chào điểm vui chơi mới. Với các em nhỏ bản Mè, những trò chơi đơn giản như xích đu, bập bênh, cầu trượt... lâu nay chỉ thấy trên tivi, giờ đã được tận mắt nhìn thấy và được vui chơi thỏa thích. Anh Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh, nói: “Mô hình “Sân chơi cho em” tái chế từ những đồ vật cũ thành đồ chơi cho trẻ em được Huyện đoàn triển khai đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, mô hình này còn tạo niềm vui, sự thoải mái về tinh thần cho tất cả các em, nhất là trẻ em thiếu sân chơi như ở vùng sâu, vùng xa. Tại miền núi dù nguồn vốn xã hội hóa hạn chế nhưng ĐVTN đã nỗ lực, kết hợp với các tổ chức thiện nguyện mang đến cho các em những sân chơi bổ ích, thiết thực nhất”.

Quảng Xương là một trong những địa phương điển hình trong việc xây dựng điểm vui chơi dành cho thiếu nhi. Để thực hiện thành công chương trình, ngay từ đầu ĐVTN trong huyện đã phát huy tinh thần nêu gương. Theo đó, Huyện đoàn chủ động kêu gọi ĐVTN góp tiền, góp sức mua, thiết kế đồ dùng, đồ chơi. Khi thấy tuổi trẻ nhiệt tình, tâm huyết với chương trình, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện. Khi các mô hình điểm hình thành, trẻ em có điểm vui chơi, giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm, tạo sức lan tỏa của phong trào ra toàn huyện. Chị Nguyễn Hồng Anh, Bí thư Huyện đoàn Quảng Xương, chia sẻ: “Khác với ở thành phố, thường có công viên hoặc có khu vui chơi dành cho thiếu nhi, ở các vùng nông thôn, ngoài sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông cho thanh niên và người cao tuổi, gần như các khu dân cư không có khu vui chơi cho trẻ em. Sau khi khảo sát, chúng tôi đã quyết định thực hiện mô hình khu vui chơi cho thiếu nhi trong toàn huyện. Ngay từ đầu, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của Tỉnh đoàn, của Huyện ủy Quảng Xương. Đến nay, 120/188 thôn có điểm vui chơi cho trẻ. Có thể nói đây là điểm sáng trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi ở địa phương”.

Nụ cười trẻ thơ ở sân chơi mớiMột góc khu vui chơi thiếu nhi thôn Thanh, xã Quảng Nham (Quảng Xương).

Cũng theo chị Hồng Anh, đây không phải cách làm mới nhưng kinh nghiệm cho thấy, tuổi trẻ phải xung kích, đi đầu, quyết tâm dám làm và làm đến nơi đến chốn, làm có hiệu quả, có lộ trình, có mục tiêu, kế hoạch cụ thể thì người dân sẽ tin tưởng và phong trào sẽ thành công, tạo hiệu ứng tốt. Nhiều địa phương đã chủ động lắp đặt thêm điện chiếu sáng để phục vụ nhu cầu vui chơi buổi tối của con em mình, một số công trình đã được đầu tư thêm dụng cụ vui chơi... Huyện đoàn Quảng Xương nỗ lực, phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ 188 thôn sẽ có điểm vui chơi cho trẻ.

Nhằm đa dạng hóa sân chơi cho trẻ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các điểm vui chơi cho trẻ em tại vùng nông thôn. Theo đó, trong năm 2022 các cơ sơ đoàn đã tu sửa và xây mới 257 điểm vui chơi, nâng tổng số các điểm vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi toàn tỉnh lên 600 điểm. Các điểm vui chơi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, với kinh phí từ 30 – 100 triệu đồng, gồm nhiều đồ dùng, đồ chơi thiết thực.

Những điểm vui chơi cộng đồng đã phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội được vui chơi, học tập và phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]