(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã quan tâm đến việc dạy nghề, tạo sinh kế cho người khiếm thị thông qua nhiều chương trình linh hoạt, sáng tạo, như: dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... Từ đó, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Quan tâm dạy nghề, tạo sinh kế cho người khiếm thị

Những năm qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã quan tâm đến việc dạy nghề, tạo sinh kế cho người khiếm thị thông qua nhiều chương trình linh hoạt, sáng tạo, như: dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... Từ đó, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Quan tâm dạy nghề, tạo sinh kế cho người khiếm thịHọc sinh học chữ braille tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Đăng Đồng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hoằng Hóa, cho biết: Hội Người mù huyện Hoằng Hóa hiện có 330 hội viên. Với mong muốn để hội viên có việc làm, ổn định cuộc sống, hội đã rà soát, nắm rõ từng đối tượng, hoàn cảnh, đồng thời căn cứ vào tình trạng sức khỏe, nguyện vọng của hội viên để định hướng tham gia các lớp học hoặc chọn nghề phù hợp. Cùng với đó, hội đang duy trì cơ sở sản xuất tăm tre và xoa bóp bấm huyệt tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn phát triển sản xuất, Hội Người mù huyện đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế như chăn nuôi, mở dịch vụ buôn bán nhỏ, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, nhiều hội viên đã xóa đi những mặc cảm, tự ti, vượt qua khó khăn, sống và làm việc có ích cho gia đình, xã hội.

Không chỉ ở huyện Hoằng Hóa, tại các địa phương khác như Yên Định, TP Thanh Hóa, nhờ việc quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên được tham gia học nghề, vay vốn phát triển kinh tế nên nhiều hội viên đã tự lực vươn lên có cuộc sống ổn định. Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sau khi Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động Chương trình “Hành động việc làm - giảm nghèo bền vững” vào tháng 8/2008 thì Hội Người mù tỉnh xem đây là một chương trình lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động hội. Vì vậy, Hội Người mù tỉnh đã nhanh chóng ban hành Văn bản số 145/HNM ngày 4/9/2008 về Chương trình “Hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo” tới các cấp hội người mù trong tỉnh. Đồng thời, tập trung nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất để mở các lớp dạy nghề cho hội viên. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hội viên tham gia học nghề. Đến nay, sau 15 năm thực hiện (2008-2023), các cấp hội người mù trong tỉnh đã mở được 80 lớp học chữ braille (chữ nổi) cho 1.300 lượt hội viên, 52 lớp học nghề tẩm quất cổ truyền cho 830 lượt hội viên, 14 lớp học vi tính văn phòng cho 150 hội viên, 6 lớp thanh nhạc cho 90 lượt hội viên với kinh phí đào tạo lên tới hàng chục tỉ đồng.

Cùng với đào tạo nghề, Hội Người mù tỉnh đã đứng ra làm các đầu mối vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm thông qua kênh của Trung ương Hội Người mù Việt Nam và kênh địa phương để hội viên phát triển kinh tế gia đình. Tính trong 15 năm qua, hội đã hỗ trợ 1.873 lượt hội viên được vay vốn với tổng số vốn quay vòng hơn 15 tỷ đồng.

Thông qua những việc làm thiết thực đó, đến nay hầu hết hội người mù ở các huyện đều có ít nhất 1 cơ sở sản xuất tăm, dịch vụ tẩm quất cổ truyền. Đa số các cơ sở sản xuất đều được đầu tư trang thiết bị khang trang, sạch sẽ, các hội viên không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu của các cơ sở sản xuất không ngừng tăng lên qua các năm, nhiều cơ sở có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng như TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa... Từ đó, hàng trăm hội viên thuộc hội người mù các cấp đã có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu - 4 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng do nhu cầu việc làm của người mù hiện nay khá cao. Trong khi đó, các mặt hàng như tăm tre, dịch vụ tẩm quất cổ truyền của người mù lại chưa phong phú, đa dạng, chất lượng thấp nên chưa cạnh tranh được trên thị trường. Mặc khác, hiện nay các doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với việc tiếp nhận người mù vào làm việc, do đó, chưa đáp được nhu cầu việc làm cho hội viên.

Bởi vậy, một số giải pháp đã và đang được Hội Người mù tỉnh đề ra và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện để tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, đó là: tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình “Hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo” đến đông đảo hội viên hội người mù. Hằng năm căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo của tỉnh giao để mở lớp dạy chữ, xóa mù chữ braille và dạy nghề, phấn đấu đến năm 2029 có 100% hội viên trong độ tuổi lao động đều được học chữ, học nghề. Đẩy mạnh các mô hình kinh tế gia đình, tổ nhóm sản xuất tập trung, phấn đấu doanh thu và lương người lao động bình quân mỗi năm tăng 10%. Quản lý và sử dụng vốn vay tốt, có hiệu quả, phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo mỗi năm 2%; đồng thời tích cực quan tâm chăm sóc cải thiện đời sống cán bộ, hội viên của hội người mù.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]