(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Sinh kế cho những lao động trở về từ vùng dịch

Nhằm hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Sinh kế cho những lao động trở về từ vùng dịchNguồn vốn tín dụng chính sách giúp gia đình chị Đoàn Thị Hằng, thôn Thắng, xã Quảng Nham (Quảng Xương) đầu tư dụng cụ khai thác hải sản, nâng cao thu nhập.

Với mong muốn tìm việc làm có thu nhập cao và ổn định, thông qua đường dây môi giới trên mạng xã hội, tháng 8-2019 cả 2 vợ chồng chị Đoàn Thị Hằng, thôn Thắng, xã Quảng Nham (Quảng Xương) quyết định gửi lại con nhỏ cho ông bà nội, khăn gói sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm. Theo chị Hằng, để sang được Trung Quốc, rồi vào làm cho một cơ sở sản xuất dép ở tỉnh Quảng Đông, 2 vợ chồng phải mất “khoản phí” là 15 triệu đồng. Do làm cho một cơ sở sản xuất nhỏ, công việc không đều, số tiền vợ chồng gửi về cho gia đình chỉ đủ nuôi con ăn học. Cuối năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến cuộc mưu sinh ở xứ người càng khó khăn hơn, trong khi vợ chồng chị luôn phải lo trốn tránh lực lượng chức năng vì đã cư trú bất hợp pháp. Vì vậy, cả 2 vợ chồng cầu mong bằng cách nào đó sớm trở về nhà bình an cho dù phải tốn kém. Và thông qua mạng xã hội, cả 2 vợ chồng về nước với chi phí 50 triệu đồng.

Nói về những tháng ngày ấy, cảm giác sợ hãi khi chứng kiến nhiều người chết vì dịch bệnh, rồi cuộc sống thiếu đói khiến chị Hằng vẫn còn lo sợ. Chị giãi bày: “Bước chân lên xe, về đến nhà, tôi mới chắc mình đang còn sống. Về nhà rồi, tôi chưa biết sẽ tìm kiếm nghề gì để có thu nhập, rất may tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương cho vay số tiền 70 triệu đồng theo Phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch. Có vốn, vợ chồng tôi kết hợp làm ăn với một người trong xã đầu tư mua lồng bắt ghẹ. Nghề này đem lại thu nhập cho gia đình tôi bình quân mỗi tháng trên 10 triệu đồng”. Hiện tại, chị Hằng đã làm hồ sơ xin vào làm công nhân cho Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang.

Từng là thợ sơn ở tỉnh Bình Phước với thu nhập ngày công từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày, nhưng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống của anh Lê Duy Tư, thôn Long Đông Thành, xã Quảng Long (Quảng Xương) gặp khó khăn. Tháng 7-2021, anh Tư khăn gói về quê. Hoàn thành xong 2 đợt cách ly (người trở về từ vùng dịch và Quảng Long cách ly toàn xã do trên địa bàn xuất hiện ổ dịch), anh tìm kiếm việc làm, rồi được vay 65 triệu đồng vốn vay phát triển sản xuất dành cho lao động từ vùng dịch trở về từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Xương. Từ nguồn vốn trên, anh đã đầu tư mua sơn kết hợp làm thợ sơn nên thu nhập bình quân cũng được trên 10 triệu đồng/tháng. Nói về cảm nhận của mình khi được tiếp cận gói tín dụng của NHCSXH, anh Tư chia sẻ: “Gói tín dụng này đã giúp tôi có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại mảnh đất quê nhà”.

Sinh kế cho những lao động trở về từ vùng dịchTừ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ lao động từ vùng dịch phát triển sản xuất, vợ chồng anh Lê Văn Duy, thôn Vực Trung, Xuân Hồng (Thọ Xuân) đầu tư chăn nuôi gà đẻ.

Làm thợ sơn ô tô tại TP Hồ Chí Minh được 4 năm, mỗi tháng Lê Văn Duy, thôn Vực Trung, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) gửi về cho gia đình trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi TP Hồ Chí Minh là tâm dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống của những lao động tự do như anh gặp nhiều khó khăn. Thu nhập không có, trong khi đó giá cả các mặt hàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt tăng theo cấp số nhân. Để cầm cự, chờ dịch được khống chế, ngoài những suất quà, bữa cơm từ thiện, Duy phải tằn tiện chi tiêu, nhiều hôm phải chịu cảnh đứt bữa. Cuối cùng, Duy quyết định về quê tìm kiếm việc làm, sau đó được bình xét vay vốn chính sách với số tiền là 100 triệu đồng. Duy chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, tôi đã đầu tư phát triển sản xuất, trồng cây ăn quả và chăn nuôi, có thể làm giàu trên quê hương mình".

Trên đây chỉ là 3 trong tổng số 1.053 lao động trở về từ vùng dịch đã được giải ngân vốn hỗ trợ, tạo việc làm với số tiền 81,146 tỷ đồng (lũy kế đến ngày 15-4-2022). Nói về hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng lao động trở về từ vùng dịch khôi phục phát triển sản xuất theo Phương án số 198/PA-UBND, ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh Thanh Hóa, cho rằng: “Đây là chính sách nhân văn, hỗ trợ kịp thời những lao động trở về từ vùng dịch có vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình ngay tại mảnh đất quê hương. Qua đó, góp phần vào thành tích chung của tỉnh trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch”.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]