(vhds.baothanhhoa.vn) - Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông... đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị và quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm số người bị lây nhiễm trong xã hội.

Thanh Hóa quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông... đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị và quản lý bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm số người bị lây nhiễm trong xã hội.

Thanh Hóa quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030Bác sĩ khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc tư vấn điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân.

Huyện Ngọc Lặc từng là địa phương có số người nhiễm HIV lớn, nhưng từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân, đến nay tình hình nhiễm HIV đã được kiểm soát. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoàng Văn Thắng cho biết: Trung tâm đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Trung tâm cũng chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức, tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị và dự phòng lây nhiễm. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phát hiện HIV được duy trì, quản lý chặt chẽ đối tượng có nguy cơ cao, phân công cán bộ chuyên trách kịp thời triển khai các hoạt động cũng như nắm bắt diễn biến tình hình HIV/AIDS trên địa bàn. Đối với các trường hợp nhiễm HIV, khi phát hiện đều được tư vấn, quản lý, hướng dẫn điều trị, cách tự chăm sóc và tự bảo vệ sức khỏe.

Trung tâm Y tế huyện còn mở rộng các dịch vụ sẵn có, thu dung bệnh nhân đưa vào các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone, qua đó, giảm tình trạng nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy. Công tác điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện huyện được chú trọng, có 224 bệnh nhân đang được điều trị tại phòng khám ngoại trú. Tại Trung tâm Y tế huyện có phòng tư vấn xét nghiệm, hàng năm tư vấn xét nghiệm cố định tại trung tâm hàng trăm đối tượng, 100% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/1995, tính đến ngày 31/8/2023, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 9.090 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.618 (4.014 người Thanh Hóa và 604 ở trại giam), hơn 2.600 người nhiễm HIV đã tử vong; 100% huyện, thị xã, thành phố; 96% (538/559) xã/phường báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Trong 9 tháng năm 2023, có 110 ca nhiễm HIV mới, 22 ca tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Các ca nhiễm mới tập trung chính vào nam giới (74 ca, chiếm 67%) và chủ yếu bị lây qua đường quan hệ tình dục (78 ca, chiếm 71%)...

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng trên địa bàn tỉnh cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Các đơn vị liên quan trong tỉnh cũng tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại; điều trị bằng methadone; điều trị trước phơi nhiễm (PrEP); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị ARV; dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội...

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa Lê Thường Sơn cho biết: "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa: Cộng đồng ở đây bao gồm các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV”.

Việc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” muốn nhắc nhở chúng ta rằng, phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này.

Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Với mục tiêu đó, ngành y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ về giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng được ý thức phòng, chống HIV/AIDS của cả cộng đồng.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]