(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kí ức tuổi thơ mình, tôi nhớ khi cánh đồng sau mùa gặt vụ mười chỉ còn trơ gốc rạ cũng là lúc ngẩng nhìn trời chiều sẽ thấy những cánh chim không mỏi thiên di về phương Nam tránh rét. Và cũng khoảng thời gian này, trên đồng làng quê tôi điểm trắng những cánh cò.

Tìm lại cánh cò trên đồng sau mùa gặt

Trong kí ức tuổi thơ mình, tôi nhớ khi cánh đồng sau mùa gặt vụ mười chỉ còn trơ gốc rạ cũng là lúc ngẩng nhìn trời chiều sẽ thấy những cánh chim không mỏi thiên di về phương Nam tránh rét. Và cũng khoảng thời gian này, trên đồng làng quê tôi điểm trắng những cánh cò.

Tìm lại cánh cò trên đồng sau mùa gặt

Những cánh chim thiên di về phương Nam tránh mùa đông lạnh giá. (Ảnh minh họa từ internet)

Như đã thành quy luật, cuối thu dù nắng vẫn còn hanh hao nhưng cái rét đã âm thầm luồn mình trong từng cơn gió thổi, từng đàn chim lại thiên di về phương Nam để tránh mùa đông khắc nghiệt. Một hành trình đặc biệt với quãng đường di chuyển khiến muôn loài ngưỡng mộ. Bản năng sinh tồn là động lực cho những cánh chim thiên di vượt qua hành trình dài cả vạn dặm.

Đó là khi, lúa vụ mười đã nằm im trong bồ, tôi lại theo mẹ ra đền thờ của làng dâng lễ “Cơm mới”. Trong nhiều lễ vật được mẹ chuẩn bị thì không thể thiếu xôi nếp, mà đó phải là thứ xôi được đồ từ hạt gạo của vụ mùa mới thu hoạch.

Và lễ Cơm mới giống như một chỉ dấu thời gian. Bởi sau ngày này, dù ngày có nắng nhưng sáng sớm và chiều tối thực sự rét, da khô hơn, môi bắt đầu nứt nẻ. Mỗi buổi chiều đi học về đến sân nhà, ngước mắt nhìn trời, tôi thấy từng đàn, từng đàn chim đang chao nghiêng bay lượn. Mỗi đàn chim có lẽ lên đến cả trăm con, đủ sức mang theo tấm thảm dệt khổng lồ giống như trong câu chuyện cổ tích. Nhưng cũng có những đàn chim chỉ khoảng mươi con sải cánh vội vã. Tôi đoán đó là những chú chim “lạc đàn” đang cố gắng bay thật nhanh để tìm đồng đội. Và không ít lần tôi ngốc nghếch muốn đếm xem có bao nhiêu chú chim trong đàn thiên di mà mình nhìn thấy, cứ say sưa nhìn như thế cho đến khi khuất dần tầm mắt vẫn không thể đếm được.

Điều kì lạ, dù ít hay nhiều thì dường như ở những đàn chim thiên di ấy luôn có một trật tự bay lượn nhất định. Tôi không nhìn thấy ở chúng sự “lộn xộn, chen lấn”. Thậm chí, có những đàn chim còn “điệu đà” tạo hình nghệ thuật trên bầu trời. Có lúc như chú công lộng lẫy xòe cánh, lại có khi giống con chim khổng lồ với mỏ nhọn và hai cánh sải rộng...

Tôi không biết có bao nhiêu đàn chim sẽ chọn cánh đồng quê mình làm nơi ẩn náu để qua mùa đông giá lạnh. Nhưng vào thời gian này, theo mẹ ra đồng, tôi bắt gặp nhiều hơn những đàn cò trắng đang thong thả rỉa cánh. Chúng kiên nhẫn “mót” lại những hạt thóc còn sót lại trên ruộng đang dần cạn nước. Nếu may mắn, còn có thể bắt được ít chú cá nhỏ. Tôi thường hỏi mẹ đêm về những chú cò sẽ ngủ ở đâu? Và cho đến bây giờ, thực sự tôi vẫn chưa biết câu trả lời. Rồi mùa xuân nắng ấm, chúng bay đi đâu, tôi cũng không biết nữa…

Sau nhiều năm mới có dịp theo mẹ ra đền thờ dâng lễ Cơm mới. Rồi lại đi qua cánh đồng làng mùa này chỉ còn xơ xác những gốc rạ. Nhưng tôi, không còn nhìn thấy những cánh cò thong thả rỉa cánh trên đồng như trong kí ức tuổi thơ. Là chúng chưa về hay không thể về nữa?

Tìm lại cánh cò trên đồng sau mùa gặt

Để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, nhiều người tàn nhẫn săn bắt tận diệt chim trời. (Ảnh: Hoàng Đông)

Miên man suy nghĩ và giật mình thảng thốt nhớ đến hình ảnh những chiếc xe với vô số loài chim săn bắt tự nhiên bán rong trên các tuyến phố thị thành làm đồ ăn. Ở đó, người ta tàn nhẫn xâu mắt, buộc mỏ, treo ngược những chú cò; rồi thản nhiên vặt lông, mặc kệ chúng đau đớn. Chưa kể, có những nơi, việc buôn bán chim trời còn trở thành một nghề kiếm ra tiền…

Cuộc sống hiện đại, con người không còn thiếu thốn trong việc ăn uống như trước đây, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn ẩm thực thay vì tàn sát chim trời. Bản năng sinh tồn khiến những cánh chim chẳng quản vạn dặm để thiên di về nơi có sự sống. Vậy thì sao ta nỡ…

Xin hãy hãy thay đổi, để những cánh chim thiên di được sải cánh trên bầu trời và bình yên rỉa cánh nơi cánh đồng làng quê. Hình ảnh ấy, thật đẹp biết bao.

Khánh lộc


Khánh lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]