(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là nghĩa tình đồng đội sâu nặng, chỉ có ở người lính bộ đội cụ Hồ.

Tri ân đồng đội: Hành trình nghĩa tình

Đó là nghĩa tình đồng đội sâu nặng, chỉ có ở người lính bộ đội cụ Hồ.

Tri ân đồng đội: Hành trình nghĩa tìnhÔng Nguyễn Hồng Hà giới thiệu về tổng khu 50km2 ở Pa Thí trên tấm sơ đồ tự vẽ.

1.Đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Campuchia, ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa, nhớ lại: “Trái tim tôi đã bao lần ứa máu khi nhìn thấy thân hình của đồng chí, đồng đội bị bom đạn của quân thù làm tan nát. Họ đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất xa xôi của Tổ quốc”.

Như một định mệnh, năm 1985, ông được Quân khu 4 điều động từ Phó Ban Cán bộ Sư đoàn 442 về công tác tại Ban chính sách Tỉnh đội Thanh Hóa và sau đó làm Đội phó kiêm Bí thư chi bộ Đội quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

Trong 2 năm: 1986 - 1987, với gần 160 ngày đêm ông cùng các thành viên trong Đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã hành quân đến 213 bản, thuộc 6 huyện của tỉnh Hủa Phăn tìm kiếm, cất bốc, quy tập 552 hài cốt liệt sĩ và quân tình nguyện Việt Nam.

Đến năm 1998, ông trong vai trò Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cùng Đội quy tập trở lại Hủa Phăn để tìm kiếm, cất bốc được 254 mộ liệt sĩ. Ông kể: “Tôi không bao giờ quên được lần tôi và đồng chí Minh Quân là y sĩ đi vào một hang ở chân núi Pa Thí. Trong hang lạnh lẽo và u tịch, tôi bật đèn pin nhìn lên vách hang, có một dòng chữ viết bằng máu đã khô lạnh: Vĩnh biệt Pa Thí. Dưới lòng hang có một bộ hài cốt cùng đôi dép cao su đã mòn và một ống bơ đựng nước. Người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị thương nặng, biết mình không sống được, đã bò lết vào hang đá, lấy máu mình viết lên vách hang với lời nhắn gửi. Tôi câm lặng trong đau đớn xen lẫn tự hào và thầm hứa với liệt sĩ: Chúng tôi sẽ còn tiếp tục trở lại Pa Thí, quay lại Hủa Phăn để tìm kiếm đưa các anh trở về Tổ quốc Việt Nam”.

Đó là còn chưa kể, giai đoạn từ 1991 - 1999, ông cùng các thành viên trong đội đã quy tập, cất bốc, cải táng, di chuyển về các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh được 695 mộ, trong đó 457 mộ có tên, 238 mộ chưa biết tên.

Năm 2005 nghỉ hưu và sang làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhưng ông Phạm Quang Thư vẫn luôn mang theo bên mình cuốn nhật ký ghi chép những địa danh nơi Đội quy tập mộ liệt sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đến để đưa những người con trở về với đất mẹ. Ông vẫn nghĩ, đó là những việc làm ý nghĩa, để tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

2. Ông Nguyễn Hồng Hà (SN 1946) ở thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, có 10 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, kể từ ngày nhập ngũ tháng 2-1965 đến năm 1975. Trên đất bạn Lào, ông được bổ sung vào Đơn vị 923, Đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959, tham gia hầu hết các trận đánh trong năm 1966 - 1967. Sau đó ông được rút về Mường Ngà tham gia đơn vị đặc biệt C23, Bộ Tư lệnh 959 để huấn luyện trở thành đặc công. Ông và các đồng đội được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Pa Thí, nơi tập trung sân bay, đường hầm, ra đa... như một chiến hạm lớn, với chiều dài gần 6km, rộng 1km là trung tâm chỉ huy đánh phá miền Bắc Việt Nam của quân đội Mỹ.

Rút tấm bản đồ tự vẽ, ông giới thiệu với chúng tôi về tổng khu 50km2 ở Pa Thí, rồi kể: "Thời gian đó tôi là Trung đội trưởng được quyền Đại đội phó, chịu trách nhiệm toàn bộ việc chỉ huy đánh Pa Thí. Chúng tôi gồm có 22 đảng viên, 22 quần chúng, một người là lính già được giao nhiệm vụ phòng ngự và tấn công đỉnh Pa Thí, nơi Mỹ tuyên bố bất khả xâm phạm. Lực lượng của địch mạnh, 29 chiến sĩ của ta đã hy sinh trên đồi cao 1.700m không thể đưa xuống được. Chứng kiến từng sự hy sinh của mỗi đồng đội, đến giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên”.

Sau trận đánh ở Pa Thí, bắn hỏng 13 máy bay và làm thương tổn13 tiểu đoàn của địch, đơn vị của ông còn ở lại phòng ngự Pa Thí thêm 7 năm, trong đó có việc chăm sóc và trông coi tổng khu 50km2. Ông chia sẻ: “Thời gian đó, hàng năm cứ vào dịp 27-7, tôi vẫn cho anh em đi phát mộ, dọn dẹp toàn khu”.

Đến năm 2003, khi được xem những thước phim về Đội quy tập đi tìm hài cốt liệt sĩ ở chiến trường Lào, ông mới có điều kiện thực hiện ước nguyện đưa đồng đội về quê nhà. Theo đó, với trí nhớ tốt, ông nhớ tường tận quá trình chiến đấu, các trận đánh, vị trí ngôi mộ do chính tay mình và đồng đội chôn cất, ông đã vẽ sơ đồ trận địa, vị trí mộ, chỉ đường cho Đội quy tập mộ liệt sĩ đến. Có ai tưởng tượng nổi, ngồi ở Việt Nam nhìn trên tọa độ, thông qua chiếc điện thoại, từ năm 2003 đến 2017, ông đã cung cấp tọa độ, dẫn đường, chỉ huy tìm được tổng cộng 165 mộ liệt sĩ.

14 năm cùng tìm lại những ngôi mộ của đồng đội mình, có lẽ cái khó khăn nhất mà ông thấy là sau gần 50 năm những địa bàn, địa hình tưởng quen thuộc đã hoàn toàn đổi thay, những con đường đất năm nào, nay đã là đường nhựa, rộng thênh thang. Điều ông băn khoăn nhất là dù đã chỉ đường cho Đội quy tập 4 lần sang Lào tìm 70 ngôi mộ ở nghĩa trang Phù Giáo, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ngay cả người anh trai của ông vẫn đang nằm bên đất Lào. “Tuổi già sức yếu, nhiều đêm, trong giấc ngủ của mình, tôi vẫn mơ hồ tiếng đồng đội và tiếng anh tôi hỏi: Khi nào em/ anh về được đất Mẹ? Chính bởi thế mà mỗi lần tìm được mộ của đồng đội, tôi rất phấn khởi”, ông Hà chia sẻ.

Sau chiến thắng 30-4-1975, ông Nguyễn Hồng Hà về nước làm công tác huấn luyện tại huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An). Tháng 8-1975, ông xuất ngũ về địa phương sinh sống. Ông Hà nhớ lại: “Đêm đó là đêm 14-8-1975, khi vừa làm thủ tục xuất ngũ xong, trong lúc chờ tàu tôi tranh thủ đi tắm. Tắm xong thì ba lô, giấy tờ không biết ai lấy mất”. Giấy tờ không còn, cũng không ai biết ông là bộ đội, thương binh... dù vẫn còn mang trong mình những mảnh đạn trên đầu, trên tay, chân... Đồng nghĩa suốt nhiều năm ông không được hưởng bất cứ một chế độ nào của Nhà nước. Nhờ có việc tìm được 29 mộ đầu tiên, từ sau ngày 27-7-2017, ông đã được xem xét chế độ thương binh thương tật 37% với mức hỗ trợ trên 2 triệu đồng/tháng.

Giờ đây đã 75 tuổi, nhưng ông Hà vẫn còn rất minh mẫn. Mong muốn của ông là nhận được sự phối hợp, cộng tác của các cơ quan chức năng để giải mã phiên hiệu. Ông cũng cho biết, những gia đình có người thân được báo tử ngày 6-1-1966 và 30-12-1968 nên liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để biết thông tin chính thức nghĩa trang mộ liệt sĩ đã được quy tập về.

Không chỉ có ông Phạm Quang Thư hay Nguyễn Hồng Hà, mà còn có những người như bà Phạm Thị Tuất (Thường Xuân), ông Hà Văn Quyết (Quan Sơn)... đã góp một phần không nhỏ vào hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tôi nhớ mãi câu nói của ông Nguyễn Hồng Hà: “Còn sống là tôi còn cố gắng đi tìm và đưa được đồng đội về, có như thế tôi mới thanh thản”.

Đó là nghĩa tình đồng đội sâu nặng, chỉ có ở người lính bộ đội cụ Hồ.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]