(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng hành cùng thanh niên địa phương trên con đường khởi nghiệp, Huyện đoàn Đông Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích đoàn viên thanh niên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.

Tuổi trẻ Đông Sơn lập thân, lập nghiệp

Đồng hành cùng thanh niên địa phương trên con đường khởi nghiệp, Huyện đoàn Đông Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích đoàn viên thanh niên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.

Tuổi trẻ Đông Sơn lập thân, lập nghiệp

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của thanh niên Thiều Khắc Hạnh (Đông Tiến).

Huyện Đông Sơn hiện có nhiều mô hình phát triển kinh tế đã đem lại hiệu quả, trong đó nhiều mô hình do thanh niên làm chủ, như: cơ sở sản xuất bánh đa nem của anh Nguyễn Huy Thảo (Đông Văn); xưởng cơ khí, chế tạo máy móc tự động hoá nghề nấm của các anh Lê Trọng Thiện, Nguyễn Hoàn (Đông Khê); mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Tuấn Anh (Đông Yên); mô hình “Du lịch nông nghiệp hướng đến thương mại nông sản cho nông dân - Ông Hướng Farm” của anh Nguyễn Hà Đông (Đông Tiến); Trang trại tổng hợp của anh Đỗ Văn Hoàn (Đông Minh),…

Để phong trào phát triển sâu rộng trong đoàn viên thanh niên, những năm qua Huyện đoàn Đông Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích thanh niên tham gia khởi nghiệp dưới nhiều hình thức. Trong đó, huyện đoàn thường mở các diễn đàn khởi nghiệp với sự tham gia của những “ông chủ trẻ” chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thuận lợi, bí quyết thành công; qua đó, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên.

Đồng thời, thông qua các chi đoàn cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng khởi nghiệp của thanh niên, từ đó mở các lớp tư vấn, hướng dẫn, học tập kinh nghiệm cho thanh niên có nhu cầu. Đầu năm 2022, Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện mở lớp tập huấn kỹ năng khởi nghiệp cho 400 đoàn viên thanh niên trong huyện.

Tính đến nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội do Huyện đoàn quản lý đạt 16,509 tỷ đồng (tăng 7,141 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ) với hơn 200 lượt thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Toàn huyện có 15 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát huy được hiệu quả, trong đó có mô hình đạt giải cao tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa”, đó là: giải Nhất năm 2019 với ý tưởng “Thiên Phú smart Airfarm - chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm” của hai tác giả Lê Trọng Thiện, Lê Hoàn; giải Nhì năm 2020 với ý tưởng trồng, chế biến chùm ngây ứng dụng công nghệ cao của tác giả Lê Thị Thúy; giải Nhì ý tưởng “Du lịch nông nghiệp hướng đến thương mại nông sản cho nông dân – Ông Hướng Farm” của tác giả Nguyễn Hà Đông…

Tuổi trẻ Đông Sơn lập thân, lập nghiệp

Cở sở sản xuất bánh đa nem Thảo Chi của anh Nguyễn Huy Thảo.

Anh Nguyễn Huy Thảo (sinh năm 1987, xã Đông Văn) dù có trong tay 2 bằng đại học, nhưng vẫn quyết định về quê lập nghiệp, mở xưởng sản xuất bánh đa nem, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra trong gia đình nghèo, anh Nguyễn Huy Thảo quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học vấn. Năm 2011, tốt nghiệp Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp nhưng anh vẫn chưa hài lòng với kiến thức đã có. Trong lúc vừa đi làm, anh tiếp tục theo học ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở Hà Nội. Năm 2015, anh mạnh dạn trở về quê thành lập cơ sở sản xuất bánh đa nem nhãn hiệu Thảo Chi.

“Bước đầu khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nhất là với người trẻ ít kinh nghiệm như tôi. Đã có những lúc tôi có ý định đầu hàng vì không có nguồn vốn quay vòng, buộc phải cắm sổ đỏ ngôi nhà của gia đình”, anh Thảo tâm sự.

Không đầu hàng trước khó khăn, anh Thảo nỗ lực tìm hướng ra, nghiên cứu thay đổi mẫu mã, áp dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, anh tái cấu trúc lại vấn đề công nghệ, nhà xưởng. Từ đó, xưởng sản xuất đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 18 công nhân với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng/người, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm.

Tuổi trẻ Đông Sơn lập thân, lập nghiệp

Một góc của mô hình Ông Hướng Farm.

Còn với Nguyễn Hà Đông, quyết định khởi nghiệp ở quê đã được anh ấp ủ từ lâu. Tốt nghiệp ngành Du lịch Trường Đại học Hồng Đức, trực tiếp tham gia làm du lịch từ năm 2017, anh Đông đã đi tham quan, trải nghiệm nhiều mô hình, cách làm du lịch trên cả nước. Mô hình “Du lịch nông nghiệp hướng đến thương mại nông sản cho nông dân – Ông Hướng Farm stay” là ý tưởng độc đáo kết hợp giữa nghỉ dưỡng và khám phá du lịch nông sản với nhiều phân khu riêng biệt. Đó là phân khu ăn uống, khu cà phê ngoài trời, cà phê trong nhà không gian cổ, cà phê trên cao ngắm view, với các nguyên liệu đồ uống là nông sản tại chỗ; phân khu lưu trú theo hình thức camping, xưởng mộc thủ công; khu sự kiện; khu giới thiệu nông sản, chế biến... Các phân khu này sẽ được đầu tư cơ sở vật chất phù hợp theo từng giai đoạn. Mở cửa đón khách từ đầu năm 2022, đến nay Ông Hướng Farm đã đón trên 10.000 lượt khách, doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương.

Đồng chí Trần Thị Chuyên, Bí thư Huyện đoàn Đông Sơn cho biết: “Thời gian qua, phong trào lập thân, lập nghiệp trên địa bàn huyện có sự lan tỏa, thu hút nhiều thanh niên tham gia khởi nghiệp, góp phần giúp thanh niên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Huyện đoàn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Đồng thời, tập trung hỗ trợ cho thanh niên vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, kiến thức quản trị... tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp hiệu quả”.

V.A


V.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]