(vhds.baothanhhoa.vn) - Chung cư là nơi ý thức cộng đồng dễ bộc lộ nhất. Nơi mà nhiều hộ gia đình cùng sinh sống, cùng sử dụng hệ thống tài sản chung và cùng đi qua nhau, gặp nhau hàng ngày… Văn hóa chung cư, vì thế bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Văn hóa ứng xử: Từ chung đến riêng

Chung cư là nơi ý thức cộng đồng dễ bộc lộ nhất. Nơi mà nhiều hộ gia đình cùng sinh sống, cùng sử dụng hệ thống tài sản chung và cùng đi qua nhau, gặp nhau hàng ngày… Văn hóa chung cư, vì thế bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Văn hóa ứng xử: Từ chung đến riêngNgười dân phố Tây Sơn 4, chung cư Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chơi bóng chuyền hơi.

Nghìn lẻ… chuyện

Bà Lê Thị Quỳnh, một cư dân sinh sống ở nhà 15, tổ dân phố Đông Phát 2, Khu chung cư Đông Phát, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), phàn nàn, nhà bên cạnh thường xuyên mang túi rác ra để ở cầu thang chung mà không chịu đi đổ đúng nơi quy định. Bà đã nhắc nhở nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Còn bà Phạm Thị Yến, cư dân ở chung cư Louis Apartment (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), thở dài: “Mỗi tầng đều có phòng rác với 2 thùng chứa rác nhưng không hiểu sao lại có những người ném rác ngay ở cửa ra vào”.

Tổ trưởng Tổ dân phố Quang Trung 2, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) Phạm Văn Thắng thấy phiền lòng nhất là ý thức của một số hộ dân ở chung cư Tân Thành, thiếu tinh thần tự giác trong đóng góp chung, dù các khoản đã được HĐND phường chấp thuận, được kiểm soát và công khai. Ông Thắng bức xúc: “Khi đi thu, có một số gia đình trẻ nói rất ngang, không chịu nộp. Ở địa bàn nào, khu dân cư nào kể cả tạm trú hay thường trú đều phải thực hiện đóng góp nghĩa vụ công dân. Công dân sinh sống một ngày là phải quản lý rồi vì còn liên quan đến an ninh, an sinh xã hội. Ngay như việc tiêm vắc-xin COVID-19, phố phải lập danh sách, còn những ai chưa tiêm thì phải kêu gọi để tiêm bằng hết, vì là quyền lợi của công dân”.

Văn hóa chung cư, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hàng ngày, như túi rác đổ không đúng nơi quy định cũng là hình ảnh để đánh giá ý thức cộng đồng. Hay như câu chuyện liên quan đến cửa thoát hiểm được Trưởng ban quản lý chung cư Tecco, anh Đỗ Hoàng Việt chia sẻ - tưởng như đơn giản nhưng lại nằm trong phạm vi văn hóa ứng xử: “Các tài sản chung cần ý thức cộng đồng cao. Ở đây ban quản lý cũng phải tuyên truyền rất nhiều để cư dân hiểu rõ, đấy là tài sản chung của mọi người chứ không phải là hoàn toàn trách nhiệm của ban quản lý. Các cửa thoát hiểm có tay co thủy lực, phần lớn các hộ hay chèn cửa để lấy gió, chèn nhiều sẽ hỏng. Cửa này có tác dụng riêng về an toàn phòng, chống cháy nổ. Chúng tôi liên tục cử đội an ninh để đóng lại. Hiện, về cơ bản các cửa thoát hiểm không bị chèn nữa”.

Văn hóa chung cư vẫn chưa định hình rõ ở một bộ phận người dân. Vậy nên, có nhiều câu chuyện, nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” xảy ra. Điển hình là hạn chế về sự gắn kết “tình làng nghĩa xóm” khi phần lớn cư dân đi làm đóng cửa, đi về cũng đóng cửa nên mới có chuyện: Có hai cư dân ở cùng tầng, cùng chung hành lang, bóng điện, cầu thang. Người ở đầu tầng, người cuối tầng nhưng không biết mặt nhau. Một trong hai người bán hàng online, khi người này đặt hàng người kia, đọc địa chỉ mới hóa ra ở cùng tầng.

Và Chuyện của ông Đầm

Văn hóa ứng xử: Từ chung đến riêngNgười dân đi đổ rác tại chung cư Louis Apartment.

Ông Nguyễn Danh Đầm, 63 tuổi, là công dân Tổ dân phố Tây Sơn 4, chung cư Phú Sơn, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa). Cách đây vài năm, ông là Trưởng phố Liên Cơ ở chung cư Hoàng Liệt (Hà Nội). Về Thanh Hóa, ông là cư dân gương mẫu, tích cực, luôn dẫn đầu trong các phong trào ở chung cư. Bí thư Chi bộ phố Tây Sơn 4 Lê Văn Quang gọi ông là “cao thủ” trong xây dựng đời sống văn hóa cho bà con.

Ngồi nghe ông Đầm kể chuyện mới rõ: “Tôi về đây, những ngày đầu, rất nhiều tình huống gây sốc. Ví dụ như, tôi gặp đứa trẻ, cháu khoanh tay chào ông, nhưng khi tôi gặp một số thanh niên trong thang máy thì ngược lại, tôi là người lên tiếng chào trước: ông chào anh ạ. Họ chỉ là vô tâm thôi, nhưng nếu không tạo được nền móng cơ bản, dù chỉ là chào hỏi xã giao thì cũng thật đáng buồn”.

Ở tầng 2 nhà CT2, chung cư Phú Sơn nơi ông ở, những bức tường đã bị ố bẩn bởi sự nghịch ngợm của trẻ con, ông tiên phong mua sơn về lăn lại cho cả tầng. Một số ki-ốt tầng 1 thường lấy dây thép buộc vào cây để làm dây phơi quần áo, ông nhìn thấy, gỡ ra ngay bởi quan điểm: “Cây cối xung quanh tạo không khí trong lành, không thể làm chúng tổn thương”. Phố có sân chơi thể thao, ông huy động mọi người mua lưới, bóng chuyền. Phong trào thể thao của người cao tuổi, từ đó phát triển mạnh hơn.

Đặc biệt, mỗi lần về quê, ông thường chở đu đủ, chuối để lên chia vui cùng mọi người. “Phải tạo sự đoàn kết, gắn bó thì mới có tình làng nghĩa xóm.Tầng tôi ở rất vui, ai có quà gì là cùng ngồi lại ăn uống, kể chuyện rôm rả. Giờ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên cũng hạn chế hơn. Tôi nghĩ, cuộc sống vui, lành mạnh hay không thì cứ nhìn qua ánh mắt, nụ cười của người dân mà đánh giá được môi trường sống thế nào, chứ không phải nhìn vào ăn no, mặc đẹp...”, ông nói.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]