(vhds.baothanhhoa.vn) - Không biết tự bao giờ mà câu ca “Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” lại ăn sâu vào tâm trí của những người dân vùng biển quê tôi đến thế. Có lẽ, với những người phụ nữ có chồng đi biển, mỗi lần chồng theo tàu ra khơi là những mùa chờ đợi. Trải qua bao nhiêu năm, những nỗi đau, nỗi mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ vùng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn khi tự thoát khỏi cái bóng “vọng phu”, chủ động “bám bờ” lo toan cuộc sống.

Về nơi những người phụ nữ “hồn treo cột buồm”

Không biết tự bao giờ mà câu ca “Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” lại ăn sâu vào tâm trí của những người dân vùng biển quê tôi đến thế. Có lẽ, với những người phụ nữ có chồng đi biển, mỗi lần chồng theo tàu ra khơi là những mùa chờ đợi. Trải qua bao nhiêu năm, những nỗi đau, nỗi mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ vùng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn khi tự thoát khỏi cái bóng “vọng phu”, chủ động “bám bờ” lo toan cuộc sống.

Về nơi những người phụ nữ “hồn treo cột buồm”

Cuộc sống của người dân miền biển dập dềnh theo những con sóng

Bóng vọng phu

5h sáng tại đê biển xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), những chiếc thuyền ra khơi đánh bắt ngoài biển trở về. Trên những âu thuyền đầy cá, những gương mặt sạm đen vì nắng gió nở nụ cười tươi. Từng tốp phụ nữ tất tưởi lao xuống biển, chuyền tay nhau khiêng, kéo những khay cá nặng đầy còn tươi rói đem lên bờ, thuần thục như những người đàn ông mạnh mẽ đầy sức lực. Gần 4h chiều, cũng là những người phụ nữ ấy, tay xách nách mang nào lưới, nước, khay… mang xuống thuyền cho chồng, con ra khơi. Đâu đó vẳng lại lời ru nghe man mác, trầm buồn: “Rằng con hãy ngủ cho ngoan/Trời yên biển lặng cha con sẽ về”. Mặt trời dần chìm sâu dưới đáy biển, gió thổi, sóng vỗ vào mạn thuyền, những người phụ nữ bất giác chắp hai tay trước ngực cầu nguyện cho người thân một chuyến đi may mắn, rồi lặng im nhìn theo chiếc thuyền đang phành phạch nổ máy ra khơi cho đến khi khuất hẳn họ mới trở về nhà.

Quả thật, chỉ có những người phụ nữ làng biển mới thấu hết nỗi chờ đợi, trông ngóng ngày đêm khi nhìn con thuyền ra khơi và mang theo những người chồng, người cha. Khi ấy, câu nói “hồn treo cột buồm” kia cứ ám ảnh trong suy nghĩ và dội lên trong họ những nỗi sợ: họ sợ sóng to, gió lớn; sợ giông tố, bão bùng; sợ những con sóng vô tình sẽ mang theo người đàn ông mà họ yêu thương nhất - những người mà đối với họ là trụ cột gia đình; là bờ vai vững chắc che chắn cho những đứa trẻ trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Nhưng hình như tạo hóa đã sắp đặt để cái duyên, cái số của những đôi trai, gái làng biển kiếm tìm nhau. Vì thế, dù những người con gái nơi đây ai cũng thầm hiểu “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, nhưng “vì lỡ thương, lỡ yêu” nên đành nên duyên vợ chồng với những chàng trai làm nghề biển. Và rồi, những đứa trẻ lại được sinh ra, lại được nghe câu hát ru ngày nào “Rằng con hãy ngủ cho ngoan/Trời yên biển lặng cha con sẽ về”.

Những người phụ nữ làng biển sợ nhất là hung tin “Tàu đang gặp bão”. Thôi thì... từ già đến trẻ, từ trai đến gái… lao ra phía biển.

“Vẫn biết đi biển rất nguy hiểm, tai hoạ có thể ập xuống bất cứ khi nào, nhưng chúng tôi không thể bỏ biển. Bởi Ngư Lộc không có đất nông nghiệp, mưu sinh chỉ có thể trông chờ vào biển. Bị cái nghèo đe doạ nên chúng tôi vẫn tặc lưỡi “sinh nghề tử nghiệp”, anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Thắng Tây, chia sẻ.

Về nơi những người phụ nữ “hồn treo cột buồm”

Không biết bao đàn ông đã mãi nằm lại dưới làn nước lạnh, sau những lần sóng to, gió lớn giữa biển khơi bao la.

Bằng chứng là vào năm 1931, xã biển Ngư Lộc có tới 344 trai tráng ra đi mãi mãi chỉ sau một cơn bão. Tháng 10-1996, trong một đêm 54 sinh mạng cùng hàng chục con thuyền đã nằm lại với biển khơi. Và năm nào cũng vậy, dù trời yên biển lặng, Ngư Lộc cũng có ít nhất vài ngư dân đi biển nhưng không trở về. Số liệu thống kê từ UBND xã Ngư Lộc, tính đến thời điểm hiện tại, xã có 661 phụ nữ là chủ hộ, trong đó có trên 100 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Bà Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1963, thôn Thắng Lộc vẫn còn nhớ như in mùa bão năm 1996, sóng biển đã cướp đi trụ cột, bờ vai tin cậy nhất của đời bà. Hằng đêm, người đàn bà góa này vẫn dõi mắt ra khơi xa, chờ đợi trong vô vọng.

“Cái duyên cái số nó vậy, chứ biết làm gì bây giờ. Hồi đó chỉ mong đem xác chồng về nhưng hơn 20 năm rồi, thân xác ông ấy còn lặng lẽ ngoài khơi”, bà Xuân nói trong tiếng khóc.

Hậu phương vững chắc

Trước đây kinh tế của hầu hết các hộ dân đi biển xã Ngư Lộc hoàn toàn phụ thuộc vào chuyến ra khơi của những người đàn ông trong gia đình. Những khi trời yên biển lặng, cá tôm được mùa thì thu nhập khấm khá. Nhưng khi biển động, tàu thuyền phải nằm bờ dài ngày thì cuộc sống sinh hoạt vô cùng túng thiếu. Đó là chưa kể những nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế mà phụ nữ làng biển ngày nay đã âm thầm chuẩn bị tâm lý và xác định vai trò “làm chủ gia đình” trong trường hợp xảy ra “tình huống xấu". Họ tìm cho mình một công việc nhất định, thu nhập ít hoặc nhiều nhưng chẳng ai ở không. Họ đã biết chủ động hơn trong cuộc sống, không quá phụ thuộc vào những chuyến đi may rủi của chồng con, thậm chí có người rất thành công.

Về nơi những người phụ nữ “hồn treo cột buồm”

Phụ nữ miền biển đã không còn phụ thuộc vào chồng, họ chủ động về kinh tế, làm hậu phương vững chắc cho chồng vươn khơi.

Gặp bà chủ đại lý hải sản Lê Thị Lý, sinh năm 1960 ở thôn Bắc Thọ, đúng lúc thuyền về. Bà đang thoăn thoắt “miệng nói tay làm” cùng những người phụ nữ khác sơ chế hải sản, bán hàng cho khách. Bà cho biết: “Mùa dịch bệnh nên hải sản được giá, chúng tôi phải tranh thủ mới có hàng trả khách”.

Được biết, chồng bà Lý mất gần 20 năm nay, một mình bà nuôi 5 người con ăn học thành tài. Cái đại lý bé bé - theo lời bà Lý, đang tạo việc làm cho 10-15 lao động nữ, thu nhập mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng.

“Thật sự, tôi không muốn nói mình giỏi giang gì, mà chỉ là cuộc sống đã dạy mình làm những công việc như thế”, bà Lý chia sẻ.

Cũng là một người phụ nữ miền biển hiện đại, mỗi khi tàu của chồng cập bến, chị Nguyễn Thị Ngân, 40 tuổi ở thôn Phúc Thọ, lại xuống thuyền phân loại hải sản đánh bắt để cân bán, rồi lo mua sắm lương thực, thực phẩm cho chồng chuẩn bị ra khơi. Chồng đi rồi, chị lại xuống bến mua cá, tôm để “chạy chợ”, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chị kể: “Mỗi lần tàu về, tôi phải trực cả ngày đêm ở bến cá. Tàu về giờ nào phải có mặt giờ nấy, có hôm thức luôn trên bến. Có mình ở nhà, như có một hậu phương vững chắc, để chồng yên tâm hơn mỗi khi đánh lưới ra khơi”.

Về nơi những người phụ nữ “hồn treo cột buồm”

Nghề bóc tôm là nghề phổ biến mà nhiều phụ nữ miền biển lựa chọn

Cũng như bà Lý, chị Ngân, những người phụ nữ miền biển đều tìm cho mình một công việc để làm. Có nhiều lúc chồng không kiếm được người đi bạn, các chị lại “làm bạn” đi biển cùng chồng.

“Những ngày chồng đi biển, tôi cũng ở nhà tranh thủ kiếm thêm ít đồng cho con ăn học. Thương chồng nửa đêm nửa hôm lênh đênh ngoài biển, tôi cũng thấy xót lòng. Tuy thu nhập mỗi ngày chỉ trên dưới 100.000 đồng, nhưng tôi cảm thấy vui khi chung tay với chồng đảm đương gánh nặng kinh tế cho cả nhà, chỉ mong vợ chồng con cái thuận hòa”, chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn Bắc Thọ, tâm sự.

Năm tháng đi qua, những con sóng biển vẫn cao thấp theo mùa, những người đàn ông vẫn cưỡi sóng ra khơi, những “mảnh hồn” lại thêm một lần khắc khoải neo bám theo cột buồm. Nhưng họ - những người phụ nữ với làn da sạm nắng vì lam lũ, vất vả vẫn vẹn nguyên nụ cười rạng ngời, tươi rói. Những cơn bão biển hay giông bão cuộc đời chưa bao giờ đánh gục được những con người rắn rỏi, vững vàng ấy.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]