(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Na Mèo, chúng tôi lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo - là 1 trong 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Quan Sơn.

Về thăm Ché Lầu

Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Na Mèo, chúng tôi lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo - là 1 trong 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Quan Sơn.

Về thăm Ché LầuNhững thửa ruộng bậc thang trồng cây lúa nước ở Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn).

Nếu những thửa ruộng dưới bản Son (Na Mèo) đã ngả màu vàng thì lúa ruộng ở Ché Lầu mới bắt đầu đẻ nhánh, xanh tốt. Đại úy Cao Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo đi cùng tôi cho biết: Do thời tiết, khí hậu ở bản Ché Lầu có sự khác biệt hơn so với các bản khác, vì vậy lịch gieo cấy của bà con cũng muộn hơn. Không khí ở Ché Lầu dễ chịu, mát mẻ hơn so với ở khu vực trung tâm xã Na Mèo.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ tổ công tác của Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo phụ trách địa bàn 3 bản người Mông do Đại úy Hà Văn Ban làm tổ trưởng; ông Thao Văn Sinh, người có uy tín của bản và anh Hơ Vi Xai, phó trưởng bản kiêm trưởng ban công tác mặt trận bản, được trao đổi, trò chuyện và hiểu thêm về tình hình an ninh trật tự, đời sống bà con bản Ché Lầu.

Về thăm Ché LầuGia đình chị Hơ Thị Tho, bản Ché Lầu dự trữ lúa, phục vụ đời sống hàng ngày.

Phó bản Ché Lầu Hơ Vi Xai sinh năm 1998 rành rọt kể cho chúng tôi về tình hình đời sống và những đổi thay của bà con. Theo đó, những hộ dân ở bản Ché Lầu di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) lên sinh sống vào năm 1990 với 3 dòng họ là Hơ, Gia, Thao. Trước đây, nơi nào có đất đai màu mỡ, có rừng thì bà con người Mông đến sinh sống, khai hoang, đốt nương làm rẫy, núi đồi bạc màu thì lại di cư tìm mảnh đất mới. Được cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền không di cư tự do mà chăm lo làm ăn, chung tay giữ rừng, giữ đường biên, cột mốc, cho con cái đến trường để học con chữ, bà con thấy hay, thấy phải nên nghe theo. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhận thức của bà con trong bản, giờ đây bà con đã không còn phá rừng làm rẫy, không di cư tự do, cuộc sống đã dần ổn định. Hiện nay, bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây lúa nước 2 vụ.

Phó bản Hơ Vi Xai và cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng bậc thang trồng cây lúa nước ở Ché Lầu. Từ trung tâm bản Ché Lầu, phóng tầm mắt ra xa, cánh đồng dưới thung lũng đang trải một màu xanh mướt. Do đặc thù khí hậu nên bà con trồng và thu hoạch lúa muộn hơn so với các vùng khác trong xã. Theo đó, vụ chiêm xuân bắt đầu gieo trồng từ tháng 1 đến tháng 5 âm lịch thì bắt đầu thu hoạch. Vụ mùa bắt đầu gieo trồng vào tháng 7 và thu hoạch vào cuối năm. Giống lúa được bà con chọn lựa là cả giống lúa bản địa và trồng thêm giống lúa lai. Trước đây bà con chỉ cấy lúa 1 vụ, nên không đủ lương thực phục vụ cho một năm. Từ khi được cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền mở rộng diện tích lúa nước, khuyến khích, hướng dẫn trồng lúa nước 2 vụ, bà con tích cực hưởng ứng, giờ đây không chỉ đủ ăn mà nhiều hộ còn có dự trữ. Toàn bản có 10 ha lúa nước và 5 ha lúa nương...

Về thăm Ché LầuCán bộ Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo, ban quản lý bản Ché Lầu trao đổi với bà con về kỹ thuật, cách chăm sóc cây lúa nước.

Không chỉ tích cực trồng cây lúa nước 2 vụ, bà con bản Ché Lầu còn chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm. Cả bản có hơn 100 con trâu, bò và nuôi nhiều gà, lợn là giống gà, lợn bản địa. Phó bản Hơ Vi Xai nhẩm tính, toàn bản có 66 hộ, chỉ có 10 hộ thoát nghèo, còn 53 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Hiện nay, thanh niên trong bản nhiều người đi làm ở các công ty trong và ngoài tỉnh để tăng thêm thu nhập. Một số hộ trong bản nuôi nhiều trâu bò, trồng lúa nước tiêu biểu như gia đình ông Hơ Văn Di, Hơ Văn Dia, Thao Văn Dia. Hiện bản đã có nhà văn hóa, có điện, 100% các em trong độ tuổi đến trường. Điểm trường mầm non, tiểu học được Nhà nước, nhà hảo tâm đầu tư kiên cố, học sinh mầm non được ăn bán trú tại điểm trường. Ché Lầu cũng là bản có tỷ lệ người đi học THPT, cao đẳng, đại học nhiều nhất xã, một số người đang là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong và ngoài huyện. Bản Ché Lầu phấn đấu có nhiều hộ thoát nghèo, xây dựng thành công bản nông thôn mới vào năm 2025.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]