(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Như Xuân đã tạo “bệ đỡ” cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vốn tín dụng ưu đãi - "bệ đỡ" giảm nghèo ở Như Xuân

Những năm qua, các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Như Xuân đã tạo “bệ đỡ” cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vốn tín dụng ưu đãi - “bệ đỡ” giảm nghèo ở Như Xuân

Gia đình bà Lê Thị Quế, thôn Đồng Minh, xã Thượng Ninh sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Quế, thôn Đồng Minh, xã Thượng Ninh. Qua trao đổi được biết, vì thiếu vốn sản xuất, chồng lại bị bệnh hiểm nghèo, nên nhiều năm qua cuộc sống gia đình bà Quế gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2019, gia đình bà được vay vốn tín dụng ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân để đầu tư chăn nuôi, chăm sóc diện tích rừng keo. Với đức tính cần cù, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2021, gia đình bà Quế đã vươn lên thoát nghèo.

Để có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, tháng 8-2022, bà Quế tiếp tục vay Ngân hàng CHXH huyện 50 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng đúng mục đích, kinh tế của gia đình bà Quế đã có những chuyển biến rõ nét. Hiện nay, gia đình bà Quế có 3 con trâu, gần 1.000 con ngan, gà đã đến kỳ xuất chuồng, 4ha cây keo cũng chuẩn bị cho thu hoạch.

Bà Lê Thị Quế cho biết: “Được vay vốn của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi; tập trung chăm sóc vườn keo, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập tăng lên. Khi cuộc sống cơ bản ổn định, tôi động viên con đi xuất khẩu lao động, hiện nay, con tôi đã có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ”.

Cũng như gia đình bà Lê Thị Quế, gia đình ông Lê Khắc Hùng, làng Sao, xã Bình Lương nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2021 gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ông Hùng cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi được vay 40 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân để đầu tư mua 2 con bò sinh sản và chăm sóc 1,5 ha cây keo. Nhờ nguồn thu từ chăn nuôi bò và trồng keo, năm 2021 gia đình tôi đã thoát nghèo và trả hết nợ cho ngân hàng. Hiện nay, gia đình tôi có 6 con trâu, bò, hơn 500 con gia cầm và diện tích rừng keo cũng đang phát triển tốt. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, tháng 2-2022, gia đình tôi vay Ngân hàng CSXH huyện số tiền 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài. Đây là nguồn lực quan trọng để kinh tế gia đình tôi có bước phát triển trong thời gian tới”.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân, tính đến ngày 30-9-2022, tổng dư nợ các chương trình đạt 480,8 tỷ đồng với 9.290 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo dư nợ hơn 80,7 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo dư nợ gần 101,4 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 93,7 tỷ đồng. Đa phần các hộ dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Vốn tín dụng ưu đãi - “bệ đỡ” giảm nghèo ở Như Xuân

Nhiều hộ dân huyện Như Xuân được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư chăn nuôi, đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân đã thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tín dụng chính sách được triển khai đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đa số các hộ được vay vốn đã đầu tư đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Xuân giảm nhanh, từ 37,36% xuống còn 3,24%.

Ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân cho biết: Thời gian qua, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai chính sách tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt công tác ủy thác, cho vay hộ nghèo nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Như Xuân phấn đấu bảo đảm tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và các đối tượng chính sách khác thuộc đối tượng thụ hưởng vốn tín dụng chính sách theo quy định của Nhà nước nói chung đều được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Nỗ lực hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, kế hoạch tài chính hằng năm, giữ vững chất lượng tín dụng… góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Như Xuân phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]