(vhds.baothanhhoa.vn) - Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước và của tỉnh, trong những năm qua, huyện Mường Lát đã triển khai quy hoạch, xây dựng các dự án khu tái định cư (TĐC) cấp bách bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai. Đến nay, với những điều kiện tốt để phát triển kinh tế, cuộc sống của bà con đã có những thay đổi rõ rệt, không còn phải lo đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở trong mùa mưa bão.

Xuân về trên các khu tái định cư ở huyện Mường Lát

Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước và của tỉnh, trong những năm qua, huyện Mường Lát đã triển khai quy hoạch, xây dựng các dự án khu tái định cư (TĐC) cấp bách bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai. Đến nay, với những điều kiện tốt để phát triển kinh tế, cuộc sống của bà con đã có những thay đổi rõ rệt, không còn phải lo đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở trong mùa mưa bão.

Xuân về trên các khu tái định cư ở huyện Mường LátMột góc khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.

Có mặt tại khu TĐC bản Nà Ón (xã Trung Lý) trong thời tiết giá rét của ngày đông, chúng tôi được trưởng bản Giàng A Nu dẫn đi tham quan một vòng. Sau hơn 3 năm chuyển đến khu ở mới, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây có sự thay đổi rõ rệt, hạ tầng cơ sở được Nhà nước đầu tư đồng bộ, những ngôi nhà mới, điểm trường xây dựng khang trang, kiên cố. Những ngày giáp tết, cả bản đang tất bật, người thêu thùa quần áo, người đang chăm sóc đàn trâu, bò, dọn dẹp nhà cửa... Anh Nu cho biết, năm 2020 nhờ dự án bố trí ổn định dân cư, 63 hộ dân đồng bào Mông thuộc diện di dời do thiệt hại, ảnh hưởng bởi sạt, lở đất cuối năm 2019 chuyển về nơi ở mới. Do cách khu ở cũ không xa nên bà con vẫn canh tác ruộng nước, trồng trọt, chăn nuôi tại bản cũ. Đến nay, bà con cơ bản ổn định về đời sống, người dân đoàn kết, giúp đỡ và cùng nhau chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, phụ huynh cũng quan tâm chuyện học hành của con cái mình nhiều hơn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ có điều kiện còn mua sắm các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy lọc nước... phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Tại khu TĐC bản Poọng (Tam Chung) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” của vùng đất còn nghèo khó, thường xuyên bị thiên tai đe dọa này. Trận lũ dữ tháng 9/2018 đã nhấn chìm nhiều nóc nhà, cuốn trôi nhiều công trình dân sinh, gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. Năm 2020, khu TĐC mới ở bản Poọng xây dựng và đi vào hoạt động, với mức đầu tư 17 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch 3,58ha, đảm bảo bố trí cho 87 hộ dân xây dựng nhà ở an toàn và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Không giấu nổi niềm vui, bí thư kiêm trưởng bản Vi Văn Thuật chia sẻ: Vượt qua những đau thương mất mát đó, đến nay sau hơn 3 năm, diện mạo khu TĐC có nhiều đổi thay, người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, các công trình nhà văn hóa, điểm trường học, đường giao thông xây dựng khang trang, sạch đẹp, trẻ em trong độ tuổi đến trường đầy đủ. Bà con tích cực khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, bưởi, ngô... áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, tích cực đa dạng ngành nghề phát triển kinh tế, thu nhập được cải thiện. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 2/94 hộ.

Xuân về trên các khu tái định cư ở huyện Mường LátCuộc sống của người dân ở các khu TĐC trên địa bàn huyện Mường Lát cơ bản ổn định, trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn.

“Quang Chiểu hiện có 13 bản, trong đó có 2 khu TĐC ở bản Xim và bản Qua. Thông qua các chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của tỉnh, huyện, các khu TĐC đều được đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở, người dân đã có cuộc sống mới ổn định hơn. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất lúc này là tình trạng thiếu đất sản xuất. Ngoài được bố trí đất ở, bà con gần như không có đất để trồng rau hay nuôi gà. Nhằm tạo sinh kế cho bà con, thời gian qua chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, thúc đẩy giải quyết việc làm, tìm hướng thoát nghèo cho các hộ dân thông qua những biện pháp cụ thể. Vì thế, chính quyền vận động người dân canh tác, sản xuất trên khu đất cũ; tìm hướng đi xuất khẩu lao động. Riêng khu TĐC mới bản Xim (đi vào hoạt động năm 2020) ngày càng nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động đã góp phần giúp nhiều hộ có cuộc sống ấm no, khấm khá; xây dựng nhà kiên cố, nhà cao tầng; mua sắm xe cộ, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Cả khu có 48 hộ, đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo”, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Mường Lát là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh và cả nước, do địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở, cùng với đó là hệ thống sông, suối chằng chịt nhưng nhỏ hẹp và độ dốc lớn thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước thực tế đó, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, huyện đã thực hiện quy hoạch, xây dựng bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ dân nằm trong vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới với 11 dự án khu TĐC tập trung (trong đó có 7 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang chuẩn bị triển khai). Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư khẩn cấp theo chương trình phòng, chống thiên tai, 7 dự án hoàn thành đã bố trí chỗ ở mới cho 388 hộ/1.810 khẩu. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các dự án đã góp phần ổn định đời sống dân cư, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Người dân hạn chế tình trạng dân di cư tự do, yên tâm ổn định chỗ ở, tập trung phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Có thể khẳng định rằng, các khu TĐC được xây dựng tại huyện Mường Lát đã tạo điều kiện cơ bản để bà con ổn định chỗ ở, có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó phát huy thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]