(vhds.baothanhhoa.vn) - Xắng Hằng là bản biên giới khó khăn, xa xôi bậc nhất của huyện Lang Chánh do đặc thù địa hình đồi núi thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu... Những năm qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cùng sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bà con về công tác xóa đói, giảm nghèo, diện mạo nông thôn ở bản Xắng Hằng (xã Yên Khương) đã có nhiều đổi thay.

Đổi thay ở bản biên giới Xắng Hằng

Xắng Hằng là bản biên giới khó khăn, xa xôi bậc nhất của huyện Lang Chánh do đặc thù địa hình đồi núi thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu... Những năm qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cùng sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bà con về công tác xóa đói, giảm nghèo, diện mạo nông thôn ở bản Xắng Hằng (xã Yên Khương) đã có nhiều đổi thay.

Đổi thay ở bản biên giới Xắng HằngLực lượng BĐBP đồng hành cùng người dân bản Xắng Hằng phát triển kinh tế.

Trăn trở ở bản nông thôn mới

Cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 100km, con đường vào bản Xắng Hằng gập ghềnh, khó đi với nhiều đoạn dốc, cua tay áo hiểm trở, khiến bất cứ ai đi qua cũng toát mồ hôi vì sợ. Sau gần 3 tiếng đồng hồ di chuyển, chúng tôi có mặt ở bản biên giới còn nhiều khó khăn của xã Yên Khương. Nép mình dưới cánh rừng luồng, vầu bạt ngàn, Xắng Hằng hiện ra trong khung cảnh hoang sơ mà bình yên với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm ngay mép đường, hoặc ven các sườn đồi. Người dân nơi đây từ bao đời nay vốn quen với tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, dẫn đến kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.

Do thiếu đất sản xuất, anh Lò Văn Nhẫn (SN 1974) cùng nhiều người khác trong bản phải đi làm thuê ở khắp nơi, với đủ loại nghề để kiếm sống. Để trang trải cuộc sống, có thêm nguồn thu nhập nuôi con cái ăn học, ngoài chăn nuôi vài con gà, lên rừng thu nhặt các loại lâm sản, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua trâu sinh sản. Đến nay, cuộc sống gia đình tuy đỡ vất vả hơn trước nhưng vẫn còn bấp bênh.

Xắng Hằng có 115 hộ với 542 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái. Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh thông qua việc đầu tư hệ thống đường giao thông, điện thắp sáng, nhà văn hóa... nhiều hộ dân từng bước đổi mới tập quán sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, có ý thức xây dựng bản làng phát triển. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, năm 2019, Xắng Hằng chính thức cán đích bản NTM.

Tuy vậy, theo trưởng bản Lò Văn Chinh, cái khó lớn nhất ở Xắng Hằng hiện nay là nhiều hộ dân rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất. Trong quá trình canh tác lại thường xuyên thiếu nước vào mùa khô khiến sản xuất gặp nhiều bất lợi.

Đổi mới trong tư duy, nhận thức để phát triển kinh tế

Với vai trò, uy tín và trách nhiệm của mình, thời gian qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín ở bản Xắng Hằng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân dưới nhiều hình thức như: thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể, hệ thống truyền thanh, qua các phong trào thi đua của địa phương. Qua đó, góp phần giúp dân bản nâng cao nhận thức, hăng hái thi đua phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa...

Xắng Hằng giờ đây xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò hiệu quả, quan trọng hơn hết người dân đang từng bước nỗ lực, vượt khó, đẩy lùi đói nghèo trên mảnh đất quê hương. Trước đây, hộ ông Ngân Văn Hành quanh năm chỉ biết đến nương ngô, nương lúa, thường xuyên thiếu đói mùa giáp hạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển sang nuôi trâu sinh sản, nhờ chịu khó học hỏi, nắm vững kỹ thuật chăm sóc... đến nay đàn trâu của gia đình sinh trưởng tốt với tổng đàn 8 con. Ông Hành tính toán, trung bình nuôi trâu sinh sản cứ 3 năm đẻ được 2 lứa đến khi xuất chuồng bán một trâu cái có giá từ 40 - 45 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm có thể thu về khoảng gần 100 triệu đồng.

Ông Lò Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho biết: Như các thôn, bản khác trong xã, ở Xắng Hằng người dân thường xuyên được hỗ trợ giống lúa, trâu, bò sinh sản để phát triển kinh tế. Dù vậy, với đặc thù địa hình đồi núi, lại thuộc vùng lõi đất lâm nghiệp (do Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý) nên người dân thiếu đất canh tác. Về lâu dài, chính quyền và người dân địa phương mong mỏi Nhà nước, ngành chức năng sớm bàn giao một phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp Nhà nước quản lý cho các hộ dân thiếu đất sản xuất để họ yên tâm canh tác, bám làng, bám bản.

Theo Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa), đơn vị hiện đang bảo vệ 7km đường biên giới, 3 mốc quốc giới tiếp giáp nước bạn Lào; 13 thôn, bản thuộc xã Yên Khương. Thời gian qua, bản Xắng Hằng luôn là một điểm sáng về đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới: Không có tội phạm về ma túy, trộm cắp gây mất an ninh trật tự xã hội, xuất nhập cảnh trái phép, không có các hoạt động tuyên truyền trái phép, người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua việc thực hiện nghiêm các hiệp định, hiệp nghị hai bên biên giới, đặc biệt giữa bản Xắng Hằng với bản Cân (nước bạn Lào) góp phần tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị, cùng nhau trao đổi, học hỏi, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Bài và ảnh: Khắc Công - Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]