(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đã chọn cuốn “Đối thoại” trong rất nhiều tác phẩm của cố nhà báo Hữu Thọ bởi nhiều lẽ. Thứ nhất bởi tiêu đề cuốn sách. “Đối thoại” cái hay của nó đó là sự bình đẳng giữa người hỏi và người được trả lời. Chính sự đồng cảm ấy mà sự chân thực của thông tin được bộc lộ; tính cách của người trả lời cũng dễ nhận diện; chiều sâu thông tin vì thế cũng dễ thấy. Và thứ hai, quan trọng hơn, vì yêu kính cố nhà báo Hữu Thọ - một nhà báo "lòng trong bút sắc", nên muốn tìm hiểu những điều ông suy tư cùng vận nước.

Đối thoại - Đồng cảm cùng vận nước

Tôi đã chọn cuốn “Đối thoại” trong rất nhiều tác phẩm của cố nhà báo Hữu Thọ bởi nhiều lẽ. Thứ nhất bởi tiêu đề cuốn sách. “Đối thoại” cái hay của nó đó là sự bình đẳng giữa người hỏi và người được trả lời. Chính sự đồng cảm ấy mà sự chân thực của thông tin được bộc lộ; tính cách của người trả lời cũng dễ nhận diện; chiều sâu thông tin vì thế cũng dễ thấy. Và thứ hai, quan trọng hơn, vì yêu kính cố nhà báo Hữu Thọ - một nhà báo “lòng trong bút sắc”, nên muốn tìm hiểu những điều ông suy tư cùng vận nước.

Đối thoại - Đồng cảm cùng vận nước

Cố nhà báo Hữu Thọ là một người đặc biệt. Một người trưởng thành, đạt nhiều thành tựu ở rất nhiều vai trò: người làm báo, người quản lý báo chí, người làm công tác tư tưởng văn hóa và trợ lý Tổng Bí thư. Càng chiêm nghiệm, càng kinh qua nhiều công việc, ông càng đắm mình với nghề viết. Như thân tằm nhả tơ, những sợi tơ óng ánh nặng trĩu suy tư với thời cuộc thể hiện ông là một nhà trí thức có trách nhiệm với thời cuộc và có uy tín trong cộng đồng bằng cái tâm, cái tài của mình.

Đối thoại bao gồm 29 chuyên đề diễn ra sâu sắc quan điểm, thái độ, chính kiến của nhà báo Hữu Thọ về các vấn đề thời sự nóng hổi. Tâm và tài của cố nhà báo Hữu Thọ cũng từ ấy mà lộ diện; lúc dí dỏm, lúc chân thực, lúc sâu sắc; song lúc nào cũng đúng, trúng mà ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Trần Đăng Khoa khi trò chuyện đầu năm về văn hóa với nhà báo Hữu Thọ đã khẳng định: “Hữu Thọ đã hoàn toàn chinh phục ông bởi sự thông minh, tinh nhạy và hiểu biết thấu đáo”. Trong cuộc trò chuyện ấy, nhà báo Hữu Thọ đã dự cảm một vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa mà cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: “cái dưới văn hóa”. Đó là thứ văn hóa tiêu dùng, thứ văn hóa quảng cáo.

Đầu năm 2000, phóng viên báo Tuổi trẻ đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ. Trước câu hỏi thót tim: “Có người nghĩ ông nhà báo Hữu Thọ giờ đây như một “cảnh sát báo chí” lúc bật đèn xanh, lúc bật đèn đỏ. Ông nghĩ gì về điều đó?”. Nhà báo Hữu Thọ khi ấy đã vui vẻ mà rằng: “Thế à! Sao anh chị em lại nghĩ về mình như thế. Mà như thế thì có sao đâu nhỉ? Ở ngã tư đông người có đèn xanh, đèn đỏ và cả đèn vàng nữa chứ. Cùng vì lợi ích của người đi đường, của kỷ cương xã hội”.

Trước câu hỏi có phần trực diện và gai góc như: “Ông có nghĩ đến việc làm sao Đảng ngày càng trở lên hấp dẫn đối với lớp trẻ”; nhà báo Hữu Thọ đã trả lời bằng tất cả niềm tin yêu và lý tưởng đời mình: “Sự hấp dẫn của Đảng trước hết chính là ở lý tưởng của Đảng. Tôi nghĩ chủ nghĩa xã hội có những giá trị có sức hấp dẫn bền vững đối với nhân loại. Như giá trị về sự công bằng, bình đẳng, giá trị về sự phát triển của sức sản xuất... Sự hấp dẫn đối với lớp trẻ, còn ở sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là khôi phục và phát huy sự hấp dẫn vốn có đó”.

Hơn tất cả, phong thái trả lời của nhà báo mẫn tiệp ấy khiến những người làm báo như chúng tôi hiểu rằng chính niềm tin, lý tưởng, gương mẫu một đời làm báo vừa chỉn chu, vừa tài hoa của ông khiến người ta càng tin hơn vào lời ông nói. Sức nặng của thông tin đến từ sự mẫu mực trong lối sống lối làm việc.

Trong nhiều bài viết, nói và trao đổi, nhà báo Hữu Thọ luôn khẳng định: Thông tin là tài nguyên quốc gia. Ngay những năm ông sống, ông cũng đã nhiều lần nói tới vấn đề “Báo chí cần hạch toán kinh doanh” nhưng đích đến là để phát triển chứ không thương mại hóa. Cần phải hiểu rằng, thông tin còn kích thích sự làm theo. Vậy nên người cầm bút, lòng nhân ái, khuyến thiện là rất quan trọng.

Phóng viên càng hỏi lắt léo, sắc sảo, nhà báo Hữu Thọ càng trả lời điềm đạm. Cái phong thái ấy được toát ra từ một trí thức, vừa kinh qua nhiều vị trí việc làm của làng báo, vừa trưởng thành từ thực tiễn; song cao hơn cả chính là niềm tin và lý tưởng với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân và những giá trị chân chính, cao đẹp mà cả đời ông hằng theo đuổi.

Sách phù hợp với những ai đã, đang và thích chọn nghề báo làm nghiệp của đời mình; và rất phù hợp với những ai luôn đồng cảm với vận nước, lòng dân.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]