Đồng hành cùng Nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ yên biên giới
Không chỉ nỗ lực thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững bình yên biên giới, những năm qua, ngành chức năng, các đơn vị liên quan trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong thay đổi tập quán tư duy lạc hậu, xóa bỏ hủ tục, cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc. Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; bà Cầm Thị Phượng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Xuân; ông Sung Văn Cấu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).
Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực hỗ trợ, giúp dân Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết về vai trò của BĐBP trong công tác tham mưu, giúp đỡ đồng bào các dân tộc khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo? Đại tá Hoàng Văn Hùng: Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào, trải dài trên 5 huyện, với 16 xã, thị trấn, 147 thôn, bản, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, tích cực hỗ trợ giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó, BĐBP tỉnh có nhiều kế hoạch, chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế cho người dân. Cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất trong quá trình sản xuất... Nhiều mô hình đã và đang phát huy có hiệu quả được nhân ra diện rộng, góp phần quan trọng giúp các địa phương, người dân có hướng đi đúng, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống... Đặc biệt, BĐBP còn tích cực phối hợp với địa phương huy động, kêu gọi nguồn lực tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... Qua đó, góp phần xây dựng mối đoàn kết quân dân trên tuyến biên giới quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa PV: Nhằm giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, những năm qua huyện Thường Xuân đã có những giải pháp gì, thưa bà? Bà Cầm Thị Phượng: Với phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, những năm qua, huyện Thường Xuân đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Công tác tuyên truyền được thực hiện với đa dạng các hình thức như: Đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh vào nội dung sinh hoạt thường kỳ và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh; thông qua hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; từng dòng họ xác định cụ thể những tập quán không còn phù hợp để tuyên truyền loại bỏ; phát huy vai trò làm chủ, ý thức tự giác của người dân, dòng họ, người có uy tín, nghệ nhân dân gian trong triển khai thực hiện và giám sát việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Huyện đã lựa chọn cán bộ, công chức, người có uy tín am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng nói, chữ viết, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm để tuyên truyền, vận động Nhân dân; xây dựng, biên soạn các tài liệu tuyên truyền về hậu quả, hệ lụy của các hủ tục, tập quán lạc hậu và những tác động tiêu cực đến sự phát triển con người, đời sống xã hội sát với địa phương; đưa nội dung giáo dục giới tính, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào tuyên truyền, giáo dục trong trường học; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Làng, bản văn hóa”... Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức đồng bào trong việc xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Từng bước thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo PV: Sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền trong thời gian qua góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo như thế nào, thưa ông? Ông Sung Văn Cấu: Mùa Xuân là một trong hai bản người Mông của xã Sơn Thủy (Quan Sơn) cùng với Xía Nọi. Với đặc thù là bản vùng cao xa xôi, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, bao bọc bốn bề là rừng núi. Do trình độ dân trí còn thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp nên cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn. Cả bản có 116 hộ, 100% là hộ nghèo. Với mong muốn giúp bà con từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa bỏ đói nghèo, những năm qua, được sự quan tâm, đồng hành của các cấp ban, ngành, đoàn thể, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt... của bản đang từng bước đầu tư, xây dựng. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp, chỉ đạo ban mặt trận thôn, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Người dân được Nhà nước hỗ trợ, tạo sinh kế thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: lợn nái sinh sản, giống lúa, các cây trồng lâm nghiệp với tổng vốn trên 536 triệu đồng (giai đoạn 2022-2024). Qua đó, người dân đang từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân tự chủ vươn lên thoát nghèo. |
Khắc Công - Viết Trung (thực hiện)
- 2024-11-05 10:17:00
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em
- 2024-11-05 09:23:00
615 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024
- 2024-11-02 07:00:00
Bản tin Tài chính 2/11: Giá vàng đồng loạt giảm, cửa hàng bán vàng nới lỏng quy định mua
Dự báo thời tiết 2/11: Khu vực Thanh Hóa không mưa, ngày nắng nhẹ
Lan tỏa phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Hà Châu
Nuôi gà đen bản địa ở Mường Lát
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới 2024
Bình yên cho những bản làng: Góp phần xây dựng bản, làng ấm no
Bản tin Tài chính ngày 1/11: Đầu tháng, giá vàng thế giới quay xe lao dốc
Dự báo thời tiết 1/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét nhất từ đầu mùa
Đừng xem công việc là áp lực
Cảnh báo chiêu trò tin tặc tấn công người dùng gmail