Đừng để người nghèo thêm ưu tư
Ủng hộ, chia sẻ với người nghèo đã trở thành một phong trào hữu ích, có sức lan tỏa sâu rộng trong những năm gần đây, nhất là vào mỗi dịp tết.
Ảnh minh họa.
Thông qua các hội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện, nhiều người nghèo đã được tiếp cận, thụ hưởng những thứ mà họ đang cần. Hoạt động thiện nguyện cũng giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, có động lực vươn lên thoát nghèo. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, sự tham gia thiện nguyện từ Nhân dân là rất cần, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, bác ái hơn.
Nhưng trong bức tranh thiện nguyện ấy vẫn có những câu chuyện nhói lòng được thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội thời gian qua.
Đó là có những nhóm thiện nguyện đã tặng người nghèo những thùng mì tôm, cháo gói hết hạn sử dụng. Có những doanh nghiệp may mặc tặng người nghèo lô sản phẩm xuất khẩu lỗi bị đối tác từ chối. Rồi có cả những đôi giày được cho là quá cỡ cũng được đem tặng cho người nghèo.
Đáng buồn hơn, còn có những đoàn thiện nguyện trước khi đến trao quà đã cử cả một đội quân truyền thông đi trước trang hoàng sân khấu, căng backdrop, chuẩn bị âm thanh, thậm chí còn mớm lời cho người nhận quà trả lời phỏng vấn.
Người nghèo cần rất nhiều thứ, nhưng phải thiết thực, phù hợp. Họ khó để mà đi một đôi giày da để lên núi hay lội xuống đồng thay cho đôi ủng, đôi giày ba ta. Cũng không thể diện một chiếc áo, chiếc quần được thiết kế với size của người châu Âu. Và nữa, cũng đừng nghĩ rằng khi người ta đói thì có thể ăn uống bất cứ thứ gì...
Sau những câu chuyện thiện nguyện theo kiểu lấy được ấy, dư luận khá bất bình. Chẳng lẽ người tổ chức quyên góp thiện nguyện đã cố ý trà trộn những mặt hàng không đảm bảo chất lượng vào đó để bớt xén tiền thiện nguyện. Chả lẽ sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thì đem cho người nghèo. Và tổ chức thiện nguyện một cách quá ồn ào như thế liệu có phải vì người nghèo hay cốt để lấy thành tích, đánh bóng tên tuổi, thương hiệu cho mình?
Người nghèo thiếu nhiều thứ, nhưng không thiếu lòng tự trọng. Vậy nên hãy đem đến cho người nghèo những thứ mà họ cần, tối kỵ việc mượn danh nghĩa giúp đỡ người nghèo để trục lợi cá nhân.
Có câu của cho không bằng cách cho. Với người nghèo cách cho càng trở nên quan trọng, sao cho để họ có thêm động lực tinh thần vươn lên thoát nghèo, chứ không phải là khiến họ tiếp tục phải chìm sâu vào sự tự ti, mặc cảm.
Thêm một chút sẻ chia để giúp vơi bớt nỗi lo. Thêm một phần quà để mùa đông trở nên ấm áp, không ai bị bỏ lại phía sau... Một cao điểm thiện nguyện trong năm nữa đang diễn ra với mục tiêu giúp người nghèo có thêm nguồn lực vui xuân, đón tết. Bằng trách nhiệm, bằng cả tấm lòng, những tổ chức, cá nhân tham gia thiện nguyện hãy thấu hiểu điều đó, hướng đến người nghèo và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội bằng những điều thực chất và văn hóa, đừng để người nghèo thêm nặng ưu tư.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2024-11-15 07:29:00
Xác định rõ nghĩa vụ
-
2024-11-10 07:22:00
Vỡ hụi - Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
-
2024-01-12 08:26:00
Xin đừng biến các cháu nhỏ thành người lớn