(vhds.baothanhhoa.vn) - Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1971 và có hơn 40 năm gắn bó với sông nước các miền quê, nơi mỗi dòng sông là một câu hò, điệu hát thấm đậm tình người. Tất cả những điều đó, ngấm vào trong ông, hun đúc nên một tâm hồn giàu nhạc điệu yêu thương, một giọng thơ trong sáng. Và đến nay, sau 2 tập thơ đã xuất bản, ông không chỉ chứng tỏ mình là người yêu thơ mà đã là một nhà thơ. Đó là nhà thơ Phạm Xuân Quý.

Dung dị một hồn thơ

Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1971 và có hơn 40 năm gắn bó với sông nước các miền quê, nơi mỗi dòng sông là một câu hò, điệu hát thấm đậm tình người. Tất cả những điều đó, ngấm vào trong ông, hun đúc nên một tâm hồn giàu nhạc điệu yêu thương, một giọng thơ trong sáng. Và đến nay, sau 2 tập thơ đã xuất bản, ông không chỉ chứng tỏ mình là người yêu thơ mà đã là một nhà thơ. Đó là nhà thơ Phạm Xuân Quý.

Dung dị một hồn thơ

Có lần nhà thơ Phạm Xuân Quý kể với tôi câu chuyện, ông làm thơ khá sớm và được bạn bè “hò dô” viết thơ. Nhưng một lần ông nhờ nhà thơ Mai Ngọc Thanh đọc thử mấy bài, thì được nhận xét: Thơ chú được nhưng chưa gắn bó máu thịt với cuộc sống. “Và ông đưa tôi mấy bài thơ của Hà Thị Cẩm Anh để tôi đọc rồi tự tìm ra cái mình thiếu, cần nạp thêm những gì. Đọc xong, tôi nghĩ đúng là mình chưa ý thức được phải mô tả cái đẹp của cuộc sống như thế nào”. Và thế là ông bỏ làm thơ từ ấy cho đến mãi năm 2011 mới viết lại.

Cần mẫn viết để đến năm 2023, ông cho ra mắt liên tiếp hai tập thơ, đó là “Dòng sông cát chảy” (NXB Thanh Hóa) và “Sông nước cuộc đời” (NXB Hội nhà Văn). Trong một năm nhưng từ tập thơ trước đến tập sau đã có nhiều chuyển biến về giọng điệu thơ.

Trước tiên thơ ông là câu chuyện kỷ niệm về những tháng ngày gắn bó với ngành thủy lợi. Chỉ nhìn danh mục bài thơ cũng thấy ngay điều này. Đó là các bài: Dòng sông và cuộc đời, Cảm nhận về sông Mã xanh, Tình cây và nước, Trên hồ Bến En, Nghề thủy lợi, Những dòng sông cát chảy, Trên công trường thủy nông, Trên đê sông Mã, Trạm bơm Kiểu, Đập sông Lèn, Công trình Thống Nhất - Quảng Châu, Công trình sông Lý, Hồ Yên Mỹ... đủ thấy sông nước quá gắn bó, như là máu, là thịt, là đời sống tâm hồn và tình cảm của ông.

Chính ông đã đúc rút cuộc đời mình:

Kỷ niệm một thời trên dòng nước mênh mang

Tôi gửi lại những chuyến đò ngang, dọc

Gửi cả tình yêu - mối tình sông, nước

Trong tiếng sáo diều vi vút hồn quê

Mấy chục năm ròng tôi mải miết ra đi

Làm thủy lợi với bao điều trăn trở...

Mới thấu hiểu sông bên bồi, bên lở

Mỗi khúc sông - một khúc ngoặt cuộc đời

Sông hiền hòa mang đến những niềm vui

Khi đôi bờ mướt màu xanh ngô, lúa

Sông hiểm nguy khi dâng tràn nước lũ

Ngập trắng đôi bờ những mất mát đau thương

(Dòng sông và cuộc đời)

Sống cùng sông nước, ông chứng kiến những mất mát đau thương cùng những hạnh phúc của công việc. Vì thế viết về sông, về nước là thuận với ông và khiến ông nhiều xúc cảm nhất:

Từ quê anh, sông xuôi về biển

Quanh co như dải lụa mềm

Sông cần mẫn đem phù sa bồi đắp

Nên vùng châu thổ xứ Thanh

Sông Mã là nguồn chất liệu để ông viết khá nhiều bài thơ. Trong đó, “Sông Mã quê tôi” là một bài thơ hay, với từng câu thơ chứa chan cảm xúc:

Dòng sông Mã ở quê tôi

Bên lở thì đục, bên bồi thì trong

Sông quê mấy bận đổi dòng

Bấy nhiêu khúc khuỷu bẻ cong đời người

Người về ta gửi người ơi

Câu ca bến cũ đợi người sang sông

Những câu thơ có tính triết lý ấy chắc chắn phải được đúc kết từ một người am hiểu đặc tính của dòng sông. Đời sông bên lở, bên bồi thì đời người cũng biết bao khúc khuỷu bẻ cong. Cái lẽ đời ấy ai mà chẳng hiểu, nhưng để vào thơ, khiến người đọc chấp nhận, ấy mới là sự trải nghiệm và cảm xúc của nhà thơ.

Nhưng cũng vì quá gắn bó mà người đọc dễ nhận ra những hạn chế trong thơ ông. Cảm xúc nhiều đến nỗi ngôn ngữ không đủ dung chứa hay bởi nhà thơ còn lúng túng trước con chữ?. Chẳng hạn, trong bài thơ “Công trình sông Lý”, ông

có viết:

Khi mặt trời khuất sau núi Vân Trinh

Hoàng hôn xuống tím cả vùng Cống Trúc

Những mái nhà ven sông

Đã phủ kín bằng khói lam chiều

Nghe thơm thoảng mùi hương nếp mới

Yêu biết mấy những người làm thủy lợi

Đã đem đến cho đời

Những giây phút bình yên.

Rõ ràng có cảm xúc, có tình thơ, tình người, nhưng dường như cái anh chàng thủy lợi lấn át chàng thơ, để rồi cứ vấn vít với những lo lắng công việc. Như nhà thơ Trịnh Ngọc Dự nhận xét: Thơ Phạm Xuân Quý là tiếng nói ngợi ca từ ngành thủy lợi, là thông điệp gửi đến mọi người từ những nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ trong ngành thủy lợi và của chung Nhân dân trong tỉnh mà tác giả vinh dự là một trong những người tham gia đóng góp cho việc thiết kế, thi công các công trình”.

Song, nếu không có tâm hồn đa cảm, một trái tim thơ và sự trong trẻo với cuộc đời thì chắc chắn Phạm Xuân Quý không thể làm thơ. Đọc 2 tập thơ, chúng ta sẽ tìm được nhiều câu thơ mềm mại, nhiều tính nhạc. Gặp cô gái hàng ngày đo gió,

ông có những câu thơ triết luận về gió khá

thuyết phục:

Nếu trời không có gió

Mây sẽ lại ngừng trôi

Sẽ chẳng có mưa rơi

Cho mát tươi lòng đất

Nếu trời không có gió

Đâu lá trút rơi nhiều

Đâu hạt cây rơi xuống

Nảy mầm cho mùa yêu

(Gió)

Gom nhặt lại từng chút cảm xúc, vì thế Phạm Xuân Quý có những câu thơ nảy mầm từ trong những thân cây khô cứng. Như cái nghề kỹ sư thủy lợi của ông, cứng như nước nhưng cũng mềm mại như nước.

Có lẽ vì thế mà trong sự thô mộc, khô cứng, vẫn có rất nhiều những câu thơ hay.

Rượu cần được ủ bằng men lá

Ủ bằng năm tháng nhớ thương ai?

(Rượu cần)

Màu thời gian đã ủ nên những chóe rượu cần và chính màu thời gian lại chắt nên nỗi nhớ thương. Hai câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Cô gái Hà Lương ngày năm ấy

Cho tôi quá giang trên thuyền chài

Tôi được cùng em đi kéo lưới

Cá bạc đầy khoang nắng ban mai

(Một chuyến cá giang)

Hình ảnh thơ thật đẹp, vừa thể hiện đời sống của người dân vùng sông nước, vừa là cái nhìn lạc quan, trong trẻo của nhà thơ. Nắng và cá bạc đầy khoang cứ lấp la, lấp lánh để hình ảnh cô gái thuyền chài càng đẹp hơn.

Và những câu thơ: Khúc khuỷu đường lên hun hút gió/ Chín bậc núi rừng trập trùng mây... (Thác Mây); “Yêu thương nên rút ruột tằm/ Cho đời thêm những thắm đằm tơ hong” (Muộn)... đều tạo nên chất thi họa dễ găm vào lòng người đọc. Chất thơ trong con người Phạm Xuân Quý có thể nói là đầy đặn. Có lẽ chỉ chờ chực để ông chắt ra, để ông “tự vấn” lòng mình và gửi gắm đến độc giả.

Chính sự gắn với những dòng sông khiến ông thấu hiểu nỗi: Người quê vất vả long đong/ Qua sông phải lụy đò đông, chợ chiều. Thậm chí, Người ơi xin chớ ỡm ờ/ Sông quê vẫn đợi người về... cùng đi... Cái dùng dằng, cái ỡm ờ đó tạo nên giọng

điệu khá dễ chịu trong thơ Phạm Xuân Quý.

Nếu người ta thường dùng hai cặp từ “cây và đất” thì Phạm Xuân Quý lại nhìn ở một góc khác: “cây và nước”. Bởi:

Nước, cả một đời gắn bó với rừng cây

Nước nuôi cây mấy tầng vươn tán lá

Ta đến với rừng, rất quen mà rất lạ

Nghe nôn nao nước cựa dưới chân mình

(Tình cây và nước)

“Mỗi rừng cây, mỗi đời người

Bao nhiêu con nước đầy vơi bến bờ”

(Rừng quê)

Đọc hai tập thơ với chủ đề chính là sông nước, nhưng lại dễ khiến người ta mềm lòng. Mềm lòng ở cái ngây ngô đáng yêu, mềm lòng ở sự thật thà và mềm lòng ở cách nhìn cuộc sống giản đơn mà vẫn tươi mới.

Tất nhiên, có những bài nôm na đến mức như một câu nói thông thường (Lời nói); có những sự mất mát nhưng tác giả chưa nói đủ, nói hết trong thơ (Nghề dâu tằm; Cầu vồng và tia chớp; Tình cờ). Và có những bài rất dài như “Thương lời hẹn ấy” viết về cô giáo Nguyễn Thị Lệ và 63 đồng đội đã hy sinh trên công trường Hàm Rồng – Nam Ngạn ngày 14/6/1972: “Sáu tư người trong đó có em/ Chỉ còn là nắm đất không tên/ Người thân vun nhẹ, lòng đau thắt/ Bởi thịt, xương tan ở đất này”, tác giả đã tạo được hình ảnh, nhưng còn nặng kể lể, tứ thơ chưa đầy và chưa tạo nên chất thơ riêng.

Tôi biết mục đích của Phạm Xuân Quý khi “trình làng” hai tập thơ đơn giản chỉ là ghi lại những tâm huyết với nghề thủy lợi, đồng thời bày tỏ những trăn trở với những gì đã và đang xảy ra trong đời sống hiện nay. Nhưng với cá nhân tôi, thơ không chỉ là ghi lại cuộc sống, thơ là tiếng lòng của người viết, là những rung ngân về cuộc sống. Và Phạm Xuân Quý đã làm được điều đó. Tôi tin nếu tiếp tục hành trình, ông không chỉ đánh dấu mốc là người đầu tiên xuất thân từ ngành thủy lợi xuất bản thơ mà còn là tiếng nói riêng của một người đi trực diện vào đời sống, đi từ những đề tài tưởng khó có thể thành thơ... mà vẫn rất thơ, nhẹ nhàng như con người ông vốn vậy.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]