(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, người dân trong làng lại được dịp xôn xao về chuyện của nhà anh Lục “sĩ” chẳng làm gì mà lại vẫn mất tiền oan khiến cho bao người không khỏi hiếu kỳ, tò mò.

Giấc mơ làm giàu của cựu trưởng thôn

Mới đây, người dân trong làng lại được dịp xôn xao về chuyện của nhà anh Lục “sĩ” chẳng làm gì mà lại vẫn mất tiền oan khiến cho bao người không khỏi hiếu kỳ, tò mò.

Giấc mơ làm giàu của cựu trưởng thônẢnh minh họa. Nguồn: Internet.

Anh Lục “sĩ” có biệt danh như vậy, là bởi anh luôn khoác lên mình cái điệu bộ... đạo mạo, “ta đây là cán bộ Nhà nước”, dù vị trí của anh là một trưởng thôn với mức phụ cấp ít ỏi dành cho người hoạt động không chuyên trách. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ anh đã nhiều lần khuyên nhủ chồng chuyển ra đi làm nghề thú y như bằng cấp đã học. Thế nhưng, anh vẫn một mực theo đuổi sự nghiệp chính trị vì tin rằng “có danh ắt sẽ có lợi”. Tiếc là, do chưa có bằng đại học theo quy định mà gần hai nhiệm kỳ qua, anh vẫn chỉ ở yên vị trí là người “vác tù và hàng tổng”.

Không nản lòng, ở tuổi 35, anh quyết tâm theo học một lớp đại học tại chức nhưng thay vì tranh thủ làm thêm để có tiền đóng học phí thì anh lại vay mượn của người thân, bạn bè. Anh cho rằng, mình đường đường là một trưởng thôn, ai lại đi nhặt nhạnh mấy đồng tiền lẻ nên ngay cả khi được bà con trong làng nhờ đi thăm khám, chữa bệnh cho trâu, bò, chó, lợn, anh cũng nhất quyết không nhận một đồng công xá nào.

Rồi thì kỳ đại hội của nhiệm kỳ mới cũng sắp đến. Cầm trên tay tấm bằng đại học còn thơm mùi giấy mới, anh Lục “sĩ” tự tin nghĩ rằng mình sẽ được cơ cấu vào nguồn nhân sự chủ chốt của xã. Ấy thế mà mọi chuyện lại diễn ra ngoài dự kiến khi ở nhiệm kỳ mới này, xã nằm trong diện phải sáp nhập, kèm theo đó là sáp nhập thôn, làng theo chủ trương chung của tỉnh. Nhiều cán bộ, công chức cũng bị điều chuyển đến một địa phương khác mới có việc để làm.

Và tất nhiên, anh Lục “sĩ” chẳng những không có tên trong danh sách bầu tại đại hội mà ngay cả chức trưởng thôn giờ cũng không còn giữ được. Tưởng thời thế thay đổi sẽ làm anh thức tỉnh để lo đi làm đỡ đần cho vợ con. Nhưng không, vị cựu trưởng thôn ấy vẫn rất kén chọn việc nên khi có anh em, bạn bè rủ đi làm cùng thì anh thường từ chối vì không muốn mang tiếng là đi làm thuê bị người ta sai khiến, còn nếu có nhận lời thì anh đều nói là... làm cho vui. Có lần, người em vợ xin cho anh làm quản lý một cửa hàng vật liệu xây dựng trên thành phố, anh háo hức lắm vì nghĩ rằng cuối cùng cũng có được vị trí việc làm phù hợp với mình. Nhưng khi hỏi về mức lương được nhận thì anh lại trả lời thẳng thừng: “Giờ đi làm ở thành phố mà lương chỉ được chục triệu đồng mỗi tháng thì ở quê người ta cười cho à”.

Thế là từ đó về sau, anh Lục “sĩ” thà thất nghiệp chứ không chịu đi làm gì cả. Hàng ngày, việc của anh là chăm mấy con chim trong lồng và đi uống nước chè, nói chuyện chính trị. Nhiều người thấy anh tinh thông chuyện thời sự trong nước và thế giới thì lúc đầu khen ngợi lắm, nhưng càng về sau càng không muốn nghe vì điều mà họ quan tâm vẫn là cơm, áo, gạo, tiền... Một hôm, khi đang thao thao bất tuyệt thì anh Lục “sĩ” bị một người cắt ngang: Thời buổi này, người giỏi giang là phải kiếm được nhiều tiền, chăm lo đời sống gia đình rồi mới nói đến chuyện đóng góp cho xã hội. Chẳng ai “không có thực” mà “vực được đạo” bao giờ.

Tối hôm ấy, anh Lục “sĩ” tính toán gì đó căn cơ lắm. Sáng ra anh đem chuyện nói với vợ: “Nhà đất mình nếu thế chấp ngân hàng chắc cũng được một khoản kha khá, trừ đi số tiền tôi vay học đại học thì cũng còn chút vốn làm ăn. “Phi thương bất phú”, khi có tiền tôi sẽ đầu tư kinh doanh để còn gánh vác việc gia đình nữa”. Nghe vậy, chị vợ mừng lắm, hỏi chồng xem định đầu tư gì nhưng anh không nói, cứ bảo vay xong rồi sẽ biết. Thế là, ngay khi được ngân hàng giải ngân, anh liền mang tiền đến thẳng nhà anh Dũng “ú” ký một hợp đồng giao dịch mà anh cho là bước ngoặt cuộc đời. Xong rồi, anh cầm cái hợp đồng ấy về đưa cho vợ, bảo: “Tôi tính rồi, mình đầu tư gì chưa chắc đã có lãi, biết đâu còn mất cả chì lẫn chài nên tôi đem tiền cho anh Dũng “ú” vay lại với mức lãi cao hơn gấp nhiều lần ngân hàng. Như vậy, mình vừa có tiền trả lãi vay hàng tháng mà vẫn còn dư dả để chi tiêu”.

Tính toán của anh Lục “sĩ” xem ra cũng là có cơ sở. Bởi anh thấy nhiều người chuyên đi huy động vốn của người quen rồi lại đem cho người khác vay nặng lãi mà trở nên giàu có. Vì vậy, mỗi khi nhận được tiền lãi dư ra hàng tháng, anh lại dương dương tự đắc cho rằng mình tính toán như thần vậy. Chỉ có điều, thay vì chi tiêu tiết kiệm, anh lại “vung tay quá trán” để thể hiện mình là người hào phóng với thiên hạ. Chẳng thế mà có đợt, tiền học của con chưa có để đóng nhưng mỗi khi trong làng có đám, đình, hiếu, hỉ..., anh vẫn bỏ phong bì cao hơn mức đi chung thì mới lấy thế làm vui vẻ.

Cho đến khi anh Dũng “ú” bỏ trốn khỏi làng mấy tháng nay chưa thấy tin tức gì thì anh Lục “sĩ” không còn giữ sĩ diện được nữa, phải chạy vạy vay nợ họ hàng, bạn bè để trả lãi ngân hàng. Tiếc là, đã chẳng còn ai cho anh vay cả nên thay vì giữ gìn hình ảnh như trước đây, anh đành chấp nhận đi làm thuê cho người ta.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]