(vhds.baothanhhoa.vn) - “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, để xây dựng, phát triển huyện Mường Lát bền vững, từ đó nâng cao đời sống người dân thì giáo dục chính là “gốc rễ” cần phải được đặc biệt quan tâm, chăm sóc. Làm thế nào để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục huyện vùng cao biên giới Mường Lát là câu hỏi được đặt ra với Đảng bộ, chính quyền và cả những người làm công tác giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát; Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát.

Giáo dục trên đại ngàn vùng cao Mường Lát: Khát vọng “nở hoa”: Từ thực tế đến những quyết tâm

“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, để xây dựng, phát triển huyện Mường Lát bền vững, từ đó nâng cao đời sống người dân thì giáo dục chính là “gốc rễ” cần phải được đặc biệt quan tâm, chăm sóc. Làm thế nào để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục huyện vùng cao biên giới Mường Lát là câu hỏi được đặt ra với Đảng bộ, chính quyền và cả những người làm công tác giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát; Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát.

Xây dựng đề án riêng để nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mường Lát

Giáo dục trên đại ngàn vùng cao Mường Lát: Khát vọng “nở hoa”: Từ thực tế đến những quyết tâm

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của huyện Mường Lát hiện nay?

Ông Triệu Minh Xiết: Mường Lát là huyện miền núi cao với đường biên giới dài, nhiều vấn đề phức tạp. Sau hơn 25 năm thành lập, huyện Mường Lát nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ rất lớn của Trung ương và cả tỉnh. Nhờ đó mà những năm qua, huyện đã có nhiều khởi sắc, thay đổi. Song, thực tế đến nay Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Sự phát triển của Mường Lát còn khá chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống người dân cả về vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn...

Vì thế, ngày 22/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Nghị quyết 11 là xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân... Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt đối với huyện Mường Lát. Đi cùng với đó, cũng là trách nhiệm lớn được đặt ra với Đảng bộ, chính quyền, người dân Mường Lát.

Để thực hiện mục tiêu đưa Mường Lát từng bước thoát nghèo, về lâu dài phải khơi dậy được ý chí vươn lên, tinh thần tự cường, khát vọng thay đổi của mỗi người dân; cùng với đó, để phát triển bền vững thì cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực là người dân tộc thiểu số...

Trên tinh thần của Nghị quyết 11 và xác định vai trò quan trọng của giáo dục - đào tạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã thành lập tổ biên tập nhằm đẩy nhanh việc xây dựng một đề án riêng về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

PV: Xin ông chia sẻ rõ hơn về nội dung của đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện?

Ông Triệu Minh Xiết: Đề án đang xây dựng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 huyện Mường Lát sẽ có 50% trường học đạt chuẩn; đến năm 2030 có 70 - 80% trường đạt chuẩn. Cũng đến năm 2030, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt khoảng 80%; và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học nghề theo yêu cầu của thị trường lao động đạt 80%. Khi học sinh tốt nghiệp THPT, đi học có nghề mới mong thoát nghèo.

Trước mắt, trong năm học 2023-2024, từ nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết 11, huyện Mường Lát sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học gắn với việc tổ chức bán trú cho học sinh ở 16 điểm trường (khu chính và khu lẻ) với 3 bậc học. Trước mắt, sẽ ưu tiên cho những điểm trường ở khu vực khó khăn, xa xôi. Việc quan tâm, nâng cao chất lượng dạy và học sẽ được chú trọng ngay từ bậc học mầm non và tiểu học. Có nghĩa, nếu ví giáo dục và đào tạo của Mường Lát như một cây rừng, bậc học mầm non và tiểu học như gốc, rễ. Cây sao có thể xanh tươi, phát triển tốt nếu gốc, rễ thiếu đi sự căn bản. Cùng với đó, việc tổ chức bán trú cũng là để thầy cô giáo có điều kiện quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ học sinh được tốt hơn.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trên tinh thần của Nghị quyết 11, cùng sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện, cùng quyết tâm, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục, chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện Mường Lát chắc chắn sẽ có những thay đổi, khởi sắc trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đứng lớp

Giáo dục trên đại ngàn vùng cao Mường Lát: Khát vọng “nở hoa”: Từ thực tế đến những quyết tâm

PV: Thuộc thế hệ những thầy cô giáo miền xuôi đầu tiên lên công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát, ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát từ thực tế bản thân?

Ông Mai Xuân Giang: Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã tròn 30 năm gắn bó với giáo dục Mường Lát. Từ những ngày đầu ngược ngàn đầy gian khó, vất vả không kể hết, tưởng chừng đã có những lúc rất khó để vượt qua... Nhìn lại để thấy, đó là một hành trình dài với những nỗi buồn, niềm vui và cả hạnh phúc.

So với các địa phương trong tỉnh và ngay các huyện miền núi xứ Thanh, cho đến nay Mường Lát vẫn là địa phương có chất lượng giáo dục thấp. Thấp cả ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan dẫn đến sự hạn chế trong chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát. Trong đó, địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu và xuống cấp; đời sống của đa số người dân còn nghèo dẫn đến sự quan tâm việc học của con cái hạn chế; tình trạng thiếu giáo viên đã trở thành câu chuyện thường niên... Và có một thực tế, năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế, chậm đổi mới; trình độ, năng lực nghề nghiệp của không ít giáo viên hạn chế, việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn chậm; nhiều thầy cô giáo chưa thực sự chuyên tâm, nỗ lực, tận tâm với nghề...

PV: Theo ông, về lâu dài, để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện Mường Lát, đâu là yếu tố quan trọng?

Ông Mai Xuân Giang: Kể ra những khó khăn, thách thức không phải để đổ lỗi hay than nghèo kể khó, mà để có cái nhìn khách quan, công tâm và thấu hiểu hơn cho những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của giáo dục Mường Lát.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tôi cho rằng, bên cạnh cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, hay như việc thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm qua... chưa phải là tất cả nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy và học ở Mường Lát còn thấp. Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng là năng lực của nhiều thầy cô giáo đứng lớp chưa thực sự tốt.

Chúng ta biết rằng, trong một giai đoạn dài, trước đòi hỏi về nguồn nhân lực giáo dục nên đội ngũ giáo viên đứng lớp ở các cấp học trên địa bàn huyện Mường Lát được đào tạo, tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến chất lượng không đồng đều. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, có không ít thầy cô trình độ năng lực hạn chế rất khó đáp ứng được yêu cầu

Vì thế, để nâng cao được chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát, cùng với những quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất của nhà nước; bổ sung giáo viên đủ số lượng, việc nâng cao chất lượng của chính đội ngũ thầy cô giáo trên địa bàn huyện Mường Lát là vấn đề đang được đặt ra. Giáo dục Mường Lát hiện đang rất cần những thầy cô giáo có năng lực tốt, say mê, nhiệt huyết, không ngại thay đổi, cống hiến với nghề.

Đã đến lúc, bản thân mỗi thầy cô cũng phải nhìn lại, thẳng thắn đánh giá năng lực của chính mình. Một trường học được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, ban giám hiệu năng nổ, quyết tâm nhưng ở ngôi trường ấy, vẫn còn những thầy cô giáo năng lực hạn chế và thiếu chủ động để bồi dưỡng chuyên môn, thì chất lượng giáo dục của ngôi trường ấy liệu có thể được nâng lên?! Từ câu chuyện của một trường học, là vấn đề của các trường, các cấp học trên địa bàn huyện.

Để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Lát, tôi cho rằng đó là câu chuyện mà trách nhiệm và sự nỗ lực cần được nhìn nhận ở nhiều phía.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]