(vhds.baothanhhoa.vn) - “Con hãy bước đi, thầy sẽ theo cùng...”, câu nói năm nào của thầy giáo tôi cho đến bây giờ luôn khiến tôi cảm thấy tự tin, vững vàng, dầu thầy không còn nữa. Suốt tháng ngày ấu thơ, biết bao nhiêu khoảnh khắc chúng tôi thiếu bố mẹ đồng hành và điều diệu kỳ, quan trọng nhất là mỗi đứa trẻ luôn được gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ ý nghĩ: Mình không phải một mình!

Chữ thầy dẫn lối con đi

“Con hãy bước đi, thầy sẽ theo cùng...”, câu nói năm nào của thầy giáo tôi cho đến bây giờ luôn khiến tôi cảm thấy tự tin, vững vàng, dầu thầy không còn nữa. Suốt tháng ngày ấu thơ, biết bao nhiêu khoảnh khắc chúng tôi thiếu bố mẹ đồng hành và điều diệu kỳ, quan trọng nhất là mỗi đứa trẻ luôn được gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ ý nghĩ: Mình không phải một mình!

Chữ thầy dẫn lối con đi

Ảnh minh họa. (nguồn internet)

Thuở ấy, trường làng được xây trên gò đất lớn giữa cánh đồng. Người lớn kể lại, thời chiến tranh, nơi đó là vị trí quan trọng, các chú bộ đội và dân công vẫn đào hầm hào và ngắm bắn máy bay. Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp cũ, thầy, cô giáo tới trường, có khi vẫn mang theo chiếc liềm nhỏ để khi nghỉ giữa giờ tranh thủ cắt cỏ, phát quang bụi rậm. Năm tôi học lớp ba, trường có thầy giáo mới vốn là bạn học của mẹ tôi. Thầy được phân công chủ nhiệm lớp tôi. Một lần, trong tiết mỹ thuật, tôi òa khóc khi bị bạn bè trêu chọc bởi đã tô mặt trời màu xanh. Giọng thầy ân cần, trầm ấm: “Các con ạ! Khi vẽ, ta không nhất thiết phải mô phỏng theo đúng thực thế đâu, trong tâm hồn mỗi chúng ta, hoàn toàn có thể là một vầng mặt trời dịu dàng màu xanh mà”. Lời nói của thầy xoa dịu tôi và khiến những đứa trẻ đang nhao lên bèn im lặng, bắt đầu tưởng tượng, suy nghĩ thật bay bổng.

Vầng mặt trời màu xanh ấy cứ theo tôi mãi. Khi tôi lên cấp ba, tháng 11 về thăm thầy, người bảo vệ chỉ theo bóng thầy đã đạp xe lên mãi đường đê. Tôi đi về hướng ấy rồi gặp dáng thầy gầy gò bước dọc triền sông. Mắt thầy ngân ngấn dõi theo con thuyền nan trôi tít phía xa. Học trò của thầy vừa bị gia đình cho thôi học, thuyền cũng xuôi bến, không còn neo đậu ở làng tôi nữa. “Những đứa trẻ sẽ làm gì? Sớm hôm chài lưới cùng cha mẹ rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái và lại xuôi từ khúc sông này tới khúc sông kia?”, câu hỏi đầy trăn trở, buồn thương của thầy hòa trong gió.

Thầy bất lực bởi nhiều khi không thể thay đổi hiện thực mà quên rằng thầy đã luôn đồng hành cùng chúng tôi, ngay cả khi đã dạy lứa học sinh mới. Chính thầy là người giới thiệu cho tôi công việc dán sách cũ ở một cửa hiệu cho thuê sách kiêm chép tranh, in ấn. Ông chủ đã cao tuổi, tóc ông pha sương, mắt đeo kính lão. Nghe kể, ông gặp cô giáo cũ của thầy tôi khi cô sắp nghỉ hưu, quá nửa đời người đằng đẵng nuôi con một mình, chồng cô khoác áo lính ra trận không bao giờ trở lại.

Thoạt đầu, ông bảo tôi đặt những ngón tay lên mặt bàn rồi chỉ cho tôi cách nâng một cuốn sách trên tay. Với sách, phải là nâng chứ không thể cầm nắm như bao nhiêu vật thể khác trên đời. Biết nâng sách, giở sách rồi tôi mới bắt đầu công việc. Mỗi cuốn sách dán phẳng phiu, vuông vức tôi được trả công. Hằng ngày, đi học về, tôi ghé cửa hiệu cắm cúi vuốt vuốt, cắt dán, xong xuôi thổi nhẹ cho bụi trên bìa sách bay đi. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng mình đã hoàn toàn quên mất cảm giác khó khăn khi làm việc với hồ dán, băng keo, dao kéo, thước kẻ để khắc phục những cuốn sách tả tơi bị quăng quật giữa cái thời truyện tranh lên ngôi, trẻ quê lẫn đám thanh niên qua lại cửa hiệu như nêm, chậm chân lỡ miệng một chút người khác thuê mất.

Ở cửa hiệu ấy, truyện tranh không phải thứ duy nhất lôi cuốn trí tò mò của tôi mà điều quan trọng đó là ông chủ cũng hiền lành, nhân hậu như thầy. Ông có hẳn một giá sách cũ kê sát khung cửa sổ nhìn ra hồ sen xuân hè ngan ngát, thu đông quạnh lòng. Khi vãn khách, ông ngả lưng trên ghế mây, đẩy mục kỉnh trượt xuống sống mũi và nâng một cuốn sách trên tay. Dáng điệu thong dong ấy không ít lần gây phiền toái cho cửa hiệu. Một người nào đó xộc thẳng vào đặt ông in câu đối đi viếng đám tang. Thể nào ông cũng đẩy mục kỉnh lên, từ tốn cất sách đúng vị trí trên giá rồi mới lấy cuốn sổ ghi tên tuổi, ngày giờ, pha màu, chọn vải, phết mực in... Những cái nhíu mày, xoa tay vừa sốt sắng vừa ngụ ý, thậm chí không ít lần lời kêu than, gây gổ của khách chẳng khiến ông thay đổi tác phong. Nhưng một khi vải đã căng, màu in đã sẵn thì ông làm chuẩn xác đến từng chi tiết. Vừa làm vừa ngâm nga: “Một đôi câu đối thong dong/ chút tình mủi phận dòng sông bên trời”.

Ngày nọ, sau nhiều năm lập nghiệp xa nhà, tôi bất ngờ nhận được gói bưu phẩm đề tên người gửi là thầy. Thầy báo tin ông chủ hiệu sách đã qua đời, trước khi mất muốn tặng tôi một số sách nhưng khi hỏi được tin tức của tôi thì các con ông đã “thanh lý” hết khối gia tài ấy, còn duy nhất vài cuốn ông gửi lại thầy đều đã được ở hết trong gói bưu phẩm. Thầy tôi kể, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, ông nhắn nhủ thầy tìm một người bạn viết câu đối nhà mãi bên kia sông. Nhất định phải là “một đôi câu đối thong dong” tiễn đưa thì ông mới chịu. Tình thầy, chữ thầy quả thật đã luôn dẫn lối cho tôi dù ở bất cứ nơi đâu, khi làm bất cứ việc gì.

Tản văn của Đoàn Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]