(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo quy định, giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi chỉ cần thực hiện 2 nội dung: thực hành một hoạt động giáo dục (đối với giáo viên mầm non) hay dạy học một tiết (đối với giáo viên phổ thông); giáo viên phải trình bày biện pháp giảng dạy có hiệu quả trong nhà trường trong thời gian không quá 30 phút. So với quy định trước đó, nội dung thi giáo viên giỏi áp dụng theo Thông tư 22/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã được giảm tải.

Có hay không tâm lý ngại thi giáo viên dạy giỏi

Theo quy định, giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi chỉ cần thực hiện 2 nội dung: thực hành một hoạt động giáo dục (đối với giáo viên mầm non) hay dạy học một tiết (đối với giáo viên phổ thông); giáo viên phải trình bày biện pháp giảng dạy có hiệu quả trong nhà trường trong thời gian không quá 30 phút. So với quy định trước đó, nội dung thi giáo viên giỏi áp dụng theo Thông tư 22/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã được giảm tải.

Có hay không tâm lý ngại thi giáo viên dạy giỏiMột giờ dạy của cô giáo Vi Thị Thúy Mơ ở Trường Tiểu học Thành Sơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Cúc còn nhớ rất rõ, từ năm 2003 cô đã bắt đầu tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện. Năm 2020 cô chuyển công tác từ Trường THCS Hiền Kiệt (Quan Hóa) về giảng dạy tại Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa). Tháng 4-2022, cô tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS cấp thành phố. “20 năm công tác ở miền núi, với nhiều kinh nghiệm giảng dạy tôi nghĩ đã có thể làm chủ được mọi tình huống. Tuy vậy, lần này tôi thấy mình như một giáo viên trẻ mới ra trường. Chưa bao giờ tham gia thi mà tôi háo hức và bồi hồi như vậy... Nhờ sự góp ý của đồng nghiệp mà tiết dạy “Dấu gạch ngang” môn Tiếng Việt lớp 7 của tôi tại Trường THCS Cù Chính Lan rất thành công”.

Sinh năm 1973, cô giáo Lê Thị Huyền, Trường Tiểu học Ngọc Khê 1 (Ngọc Lặc) đã 2 lần tham gia thi dạy giỏi cấp huyện, 2 lần cấp tỉnh. Năm 2021, huyện Ngọc Lặc tổ chức hội thi dạy giỏi cấp tiểu học, cô giáo Huyền không tham gia vì: “Tôi lớn tuổi rồi, lại nhiều lần tham dự nên để cơ hội đó cho các giáo viên trẻ thử sức. Hội thi giáo viên dạy giỏi dù ở cấp trường, phòng hay tỉnh đều là dịp để các thầy, cô trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp”.

Lần đầu tiên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học huyện Quan Hóa năm 2021, cô giáo Vi Thị Thúy Mơ (sinh năm 1993), Trường Tiểu học Thành Sơn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng. Phần thi của cô là dạy tiết 2 môn Tự nhiên và xã hội lớp 3 tại Trường Tiểu học Hồi Xuân. Thông thường các giáo viên sẽ đến trường dự thi gặp gỡ, giao lưu với học sinh trước, nhưng quãng đường hơn 50km từ xã Thành Sơn về thị trấn Hồi Xuân khiến cô chỉ đến gặp học sinh trước tiết dạy 10 phút. “Phải sau 5 phút của tiết học, cô trò mới có sự tương tác. Nhưng sau hội thi tôi đã có thêm những phương pháp tiếp cận học sinh”, cô Mơ chia sẻ.

Để nói về áp lực của cuộc thi, cô giáo Trần Thị Lâm, Trường THCS thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân), cho biết: “Khi tham gia hội thi các giáo viên phải xây dựng lại tiết dạy. Mỗi lớp học có nhiều đối tượng học sinh. Thường trong quá trình dạy, với mỗi tiết học, giáo viên sẽ quan tâm nhiều hơn đến các học sinh yếu. Nhưng nếu để có giờ dạy hoàn hảo theo yêu cầu của hội thi thì giáo viên sẽ không thể quan tâm đến những học sinh này, thậm chí phải “mớm” trước".

Cô giáo Nguyễn Thị Cúc, Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa), cho rằng: “Dù là giáo viên mới hay lâu năm, qua mỗi lần hội thi là mỗi lần cọ sát để có thêm kỹ năng trong giảng dạy. Áp lực là đương nhiên, nhưng tôi thấy cái lợi nhiều hơn. Bình thường tôi vẫn tự cho bài giảng của mình là hay, là đủ rồi. Nhưng đến khi mọi người góp ý tôi mới hiểu ra, một phần vì mải dạy, một phần vì tự tin mà tôi không nhận ra những thiếu sót của mình. Những góp ý từ đồng nghiệp ở các trường khác, lời nhận xét của ban giám khảo chắc chắn sẽ mỗi giáo viên tham dự đúc rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học cho chính bản thân mình”.

Ngoài có thêm kinh nghiệm, khi tham gia hội thi giáo viên sẽ có thêm điều kiện để bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tăng lương trước thời hạn. Tuy vậy, với hầu hết những người tham gia rồi sẽ ngại tham gia thi lại. Thầy giáo Phạm Văn Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn (Quan Hóa), khẳng định: “Hiện nay, nhiều giáo viên có tâm lý ngại tham gia hội thi bởi họ có quan điểm việc dạy học sinh là cả một quá trình, còn thi giáo viên giỏi thì gần như chỉ là thể hiện được tiết dạy đó thôi. Tuy nhiên, nếu không có hội thi thì sẽ không có sự thi đua phấn đấu. Ít nhất qua hội thi có thể đánh giá về năng lực và sự chuẩn bị của mỗi giáo viên, nhà trường”.

Nói về điều này, bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thực tế khi đã đạt giáo viên giỏi, các giáo viên sẽ có tâm lý rút lui các kỳ thi sau. Tuy nhiên, theo Thông tư 22/2019, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu danh hiệu trong thời hạn 1 năm tiếp theo năm được công nhận; danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 3 năm tiếp theo năm được công nhận. Điều này có nghĩa là, nếu muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôn vinh khen thưởng thì buộc phải phấn đấu. Bởi vậy, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT làm tốt công tác tuyên truyền vận động để các thầy cô giáo nhận thức đúng vấn đề này. Việc nâng cao chất lượng chuyên môn là việc làm thường xuyên, chứ không phải bằng lòng với những gì mình có”.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]