(vhds.baothanhhoa.vn) - Để giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương, về khu di tích Điện Càn Long, Hội LHPN xã Nam Giang (Thọ Xuân) vừa phối hợp với Trường THCS Nam Giang và các đoàn thể trong xã tổ chức buổi học lịch sử ngoại khóa trở về cội nguồn.

Học lịch sử ngoại khóa về Điện Càn Long

Để giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương, về khu di tích Điện Càn Long, Hội LHPN xã Nam Giang (Thọ Xuân) vừa phối hợp với Trường THCS Nam Giang và các đoàn thể trong xã tổ chức buổi học lịch sử ngoại khóa trở về cội nguồn.

Học lịch sử ngoại khóa về Điện Càn Long

Sau khi làm lễ dâng hương tại khu Di tích Điện Càn Long, Ban Tổ chức, các đại biểu và 80 học sinh trường THCS Nam Giang đã được thầy Phạm Lê Thưởng, nguyên giáo viên dạy văn - sử Trường THCS Nam Giang, trông coi hương khói khu di tích Điện Càn Long giới thiệu về lịch sử hình thành di tích Điện Càn Long; công đức hai vị Vua Lê Thần Tông và Lê Huyền Tông; tài sắc vẹn toàn của hai người phụ nữ làng Kim Bảng (xã Nam Giang) là chị em ruột mồ côi từ khi mới 10 tuổi là Phạm Thị Ngọc Huyền (vợ một quan tể tướng quê ở Nghệ An) và Phạm Thị Ngọc Hậu (mẹ Vua Lê Huyền Tông).

Học lịch sử ngoại khóa về Điện Càn Long

Ông Phạm Lê Thưởng, nguyên là thầy giáo dạy văn - sử Trường THCS Nam Giang, người trông coi di tích truyền đạt những nội dung liên quan đến lịch sử hình thành Điện Càn Long.

Khu Di tích Điện Càn Long là một quần thể di tích bề thế được khởi dựng cách đây gần 350 năm trên vùng đất Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa, nay là xã Nam Giang - là nơi thờ Vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và gia tộc họ ngoại của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu ở thôn Kim Bảng.

Học lịch sử ngoại khóa về Điện Càn Long

Nói đến vua Lê Huyền Tông và di tích Điện Càn Long, không thể không nhắc tới mẹ vua - Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, một người tài sắc vẹn toàn.

Theo Đại Việt sử kỹ toàn thư: “Sau khi vua Lê Huyền Tông qua đời, linh cữu Hoàng đế được rước về quê mẹ là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, chôn ở lăng Quả Thịnh (còn gọi là lăng Nhuệ Doanh), lập điện Càn Long để thờ tự”.

Vua Lê Huyền Tông được các sử gia đương thời nhắc đến với những nhận xét giản dị, đại ý: Vua tính nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ông làm vua, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền... Đáng tiếc, chỉ sau gần 9 năm ở ngôi và chưa đầy 20 tuổi ông đã qua đời.

Học lịch sử ngoại khóa về Điện Càn Long

Khu di tích Điện Càn Long xây quy mô, theo kiến trúc phổ biến triều Lê Trung Hưng lúc bấy giờ, nhưng qua thời gian, chiến tranh nay không còn được nguyên vẹn. Năm 2013, Điện Càn Long đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Trong không khí về nguồn trang trọng, ấm cúng, ông Phạm Lê Thưởng đã đưa ra các câu hỏi liên quan đến Điện Càn Long và các vị vua hiền tài, những người có sự ảnh hưởng lớn trong lịch sử để các em thảo luận sôi nổi và bày tỏ những hiểu biết của mình; hiểu thêm ý nghĩa tên các làng ở địa phương được hình thành từ thời Vua Lê Huyền Tông như làng Kim Bảng, Phú Gia, Phúc Như, Cao Phong, Phong Lạc…; nghe thầy cô giáo hướng dẫn viết bài thu hoạch buổi học lịch sử ngoại khóa.

Buổi học lịch sử ngoại khóa thực sự có ý nghĩa, mang lại nhiều kiến thức lịch sử bổ ích cho các em học sinh về thân thế, sự nghiệp, tài năng của Vua Lê Thần Tông và Lê Huyền Tông, công đức của Hoàng Thái hậu mẹ vua Lê Huyền Tông. Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương để tự hào và tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.

Lê Hà


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]